'Xe tăng đồ cổ' M-55S và T-62M sắp có màn đối đầu nảy lửa tại Ukraine?

'Xe tăng đồ cổ' M-55S Ukraine và T-62M Nga loại nào mạnh hơn và có nhiều cơ hội giành chiến thắng trong tình huống đối đầu trên chiến trường?

Việc Quân đội Nga lên kế hoạch nâng cấp 800 xe tăng đồ cổ T-62M để tung vào chiến trường Ukraine khiến giới truyền thông hướng sự chú ý vào những chiếc M-55S đã được Slovenia cam kết viện trợ cho Kyiv, tình huống đối đầu tiềm tàng giữa chúng sẽ rất đáng quan tâm.

Vào năm 1999, Bộ Quốc phòng Slovenia hợp tác với Israel đã hiện đại hóa 30 xe tăng M-55 (hay còn gọi là T-55) của mình lên cấp độ M-55S, và quá trình nâng cấp nói trên bao gồm những nội dung sau.

Thay vì pháo D-10TS2 "bản địa" cỡ nòng 100 mm, các xe tăng hiện đại hóa của Slovenia nhận được một khẩu 105 mm L7 kết hợp với khẩu súng máy đồng trục PKT cỡ nòng 7,62 mm.

Ngoài ra xe tăng M-55S vẫn giữ lại súng máy hạng nặng DShK 12,7 mm trên nóc tháp pháo, nó vẫn yêu cầu thao tác thủ công chứ chưa được tự động hóa. Giáp phản ứng nổ của Elbit Systems được lắp đặt chính diện và hai bên tháp pháo.

Hệ thống điều khiển hỏa lực của xe tăng M-55S được cải tiến khá nhiều so với nguyên bản, thông qua việc tích hợp một máy tính đạn đạo kỹ thuật số, và tổ hợp cảm biến laser LIRD-1A cũng được lắp đặt để kích hoạt ống phóng đạn khói.

Các thiết bị quang học do công ty Fotona của Slovenia sản xuất vốn được thiết kế để lắp đặt trên xe tăng M-84 cũng được lắp đặt tại nơi làm việc của pháo thủ, chỉ huy và lái xe. Công suất của động cơ V-12 được tăng từ 520 lên 600 mã lực.

Trong khi đó biến thể T-62M mới nhất vừa được Nga trưng bày tại Triển lãm Army 2022 và trở thành tiêu chuẩn cho việc nâng cấp 800 xe tăng loại này là sản phẩm của nhà máy sửa chữa thiết giáp số 103 có trụ sở tại làng Atamanovka thuộc Lãnh thổ Baikal

Trong quá trình hiện đại hóa, trên T-62M xuất hiện những tấm thép gia cố biệt danh "lông mày của Brezhnev".

Việc này khá lạ lùng bởi vì dòng T-62MV đã được hiện đại hóa phù hợp hơn nhiều bằng những phiến giáp phản ứng nổ Kontakt-1.

Nhưng trên T-62M, nó không có bất cứ thành phần "bảo vệ chủ động" nào, ngoài những phiến giáp bổ sung khá thô sơ thì chỉ có thêm giáp lồng bên hông nhằm chống lại đạn xuyên lõm sơ sốc thấp kiểu RPG-7.

Đặc điểm đáng giá nhất của quá trình hiện đại hóa là việc lắp đặt một trạm ảnh nhiệt và quang học ổn định bằng con quay hồi chuyển trên cột tích hợp vào nóc tháp pháo.

Xe tăng cũng được trang bị kính ngắm 1PN-96МТ-02 với kênh ảnh nhiệt và máy đo xa laser, thay thế cho kính ngắm thông thường và cho phép loại bỏ máy đo xa laser phía trên pháo chính.

Bên cạnh đó, do trọng lượng tăng thêm đáng kể, động cơ lớn hơn, công suất 780 mã lực đã đươc thay thế, mục đích giúp cho chiếc xe tăng này cơ động dễ dàng hơn trên chiến trường, tốc độ của nó có thể so sánh với T-72.

So sánh hai chiếc xe tăng, dễ dàng thấy T-62M với pháo nòng trơn 115 mm tỏ ra mạnh mẽ hơn nhiều so với khẩu nòng xoắn 105 mm của M-55S, tuy nhiên bản nâng cấp của T-55 lại có mức độ bảo vệ rất đáng tin cậy.

Bên cạnh đó, hệ thống ngắm bắn và điều khiển hỏa lực chuẩn phương Tây của M-55S vẫn được đánh giá cao, theo nhận xét sẽ giúp xe tăng bắn chính xác hơn T-62M hiện đại hóa, nhưng đây chỉ là lý thuyết và thực tế mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/xe-tang-do-co-m-55s-va-t-62m-sap-co-man-doi-dau-nay-lua-tai-ukraine-post519889.antd