Xe ôm tóc dài

Không hẹn mà gặp, vào mùa lưới chuồn, cứ tầm 1 - 2 giờ sáng, các chị em chạy xe ôm ở xã Nghĩa An lại gặp nhau khi cùng chở khách băng qua cầu An Phú, thẳng tiến về hướng cảng Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi). Giữa màn đêm, ai cũng mặc áo khoác, bịt khẩu trang kín mặt, nhưng chỉ cần nghe tiếng xe máy là các nữ xe ôm đều nhận ra nhau.

Đang ăn cơm trưa, nữ xe ôm Nguyễn Thị Hồng Vân (40 tuổi), ở thôn Phổ An, xã Nghĩa An nhận được cuộc gọi từ khách hàng. Người phụ nữ có thâm niên chạy xe ôm đã 18 năm này bỏ dở bữa cơm, mặc thật nhanh chiếc áo chống nắng rồi chạy xe bon bon đi chở khách. “Nghề của tôi là vậy. Lúc nào cũng trong trạng thái sẵn sàng. Có khi 1, 2 giờ sáng mà khách điện thoại là mình cũng chạy đi ngay”, chị Vân cười bảo.

Chồng đi biển, ít khi ở nhà, chị Vân ở đất liền vừa nuôi con, vừa làm nghề chạy xe ôm để có thêm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Bắt đầu chạy xe ôm khi vừa sinh con trai đầu lòng được vài tháng, đến nay, khi con trai đã học lớp 12, chị Vân vẫn mải miết mưu sinh bằng nghề tưởng chừng chỉ dành cho đàn ông này. Gần 20 năm chạy xe ôm, chị Vân đã quen với cảnh đi sớm về khuya.

“Người dân ở xã tôi phần đông đều làm ngư dân. Mỗi lần tàu về đất liền, người nhà của chủ tàu thường kêu xe ôm chở xuống cảng cá lúc 1 - 2 giờ sáng để lo cân cá, bán cá. Giờ giấc làm việc của tôi vì vậy mà cũng linh động theo. Chạy xe lúc đêm hôm tất nhiên là vất vả, nhất là vào mùa mưa, nhưng mình còn nghèo nên phải cố gắng”, chị Vân tâm sự.

Ở tuổi 32, chị Phạm Thị Thu Trân (áo cam) đã có thâm niên 14 năm gắn bó với nghề xe ôm.

Vừa thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” sau cơn nhồi máu cơ tim, chị Phạm Thị Thu Trân (32 tuổi), ở thôn Tân An, xã Nghĩa An đã vội vã quay trở lại guồng công việc vì sợ mất khách. Nghe khách hàng điện thoại bảo chở đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám bệnh, chị nhét vội toa thuốc vào túi áo khoác. “Tháng trước tái khám nhưng tôi chưa đủ tiền để mua thuốc nên để mãi tới giờ. Mấy nay tôi chạy xe trở lại, thu nhập cũng ổn, nên sẵn chở khách lên bệnh viện rồi mua thuốc uống”, chị Trân nói.

Chạy xe ôm từ năm 18 tuổi, đến nay, chị Trân đã có thâm niên 14 năm gắn bó với nghề. Vừa tranh thủ ăn vội bữa cơm ngay trên xe trong lúc chờ khách hàng khám bệnh, chị Trân trải lòng, mười mấy năm làm nghề, tôi chưa khi nào để công việc gián đoạn. Chỉ đến khi bị nhồi máu cơ tim vào cuối năm ngoái, tôi mới tạm nghỉ chạy xe hơn 2 tháng. Khi sức khỏe tiến triển, tôi trở lại với công việc ngay, bởi đằng sau những cuốc xe là tiền thuốc thang, rồi tiền học cho con... Nghề biển của chồng mấy năm nay thu nhập không bao nhiêu nên tôi phải cố gắng.

Trong số hơn 20 chị em làm nghề chạy xe ôm ở xã Nghĩa An, bà Đặng Thị Hiếu (59 tuổi), ở thôn Tân An là người lớn tuổi nhất. Gắn bó với nghề chạy xe ôm tròn 20 năm, bà Hiếu từ tay trắng, dần có cơ ngơi và nuôi 5 con khôn lớn. Kể về cơ duyên gắn bó với nghề, bà Hiếu cười bảo, hồi đó, trong xóm tôi ở có nhiều cô lớn tuổi không biết đi xe máy. Các cô thấy tôi biết đi xe máy nên thường nhờ tôi chở đi chợ Nghĩa Phú. Chở không công vài lần, mọi người đề nghị được trả tiền cho đỡ ngại. Nghề xe ôm đến với tôi tình cờ như thế!

Là một trong những nữ xe ôm đầu tiên ở xã Nghĩa An, bà Hiếu trở thành người gợi mở nghề mới cho chị em phụ nữ ở xã ven biển này. “Đi chợ, đi chùa, đi thăm bà con họ hàng, đi khám bệnh, đi chơi... các chị em đều gọi tôi chở. Khi khách hàng ngày một nhiều thêm, tôi chở không xuể, cũng là lúc nhiều chị em khác bắt đầu theo nghề chạy xe ôm”, bà Hiếu kể.

Suốt nhiều năm qua, nghề lái xe ôm mang lại cho bà Hiếu nguồn thu nhập ổn định để lo cho gia đình.

Thời điểm năm 2004, bà Hiếu kiếm được từ 100 - 150 nghìn đồng/ngày nhờ vào những cuốc xe. Thấy nghề chạy xe ôm mang lại thu nhập khá, chồng bà Hiếu tạm gác lại việc đi biển để cùng bà chạy xe ôm trên khắp các nẻo đường. Hai con gái của bà Hiếu cũng gắn bó với nghề chạy xe ôm. “Cả nhà tôi sống khỏe nhờ nghề xe ôm cho đến năm 2015. Sau thời điểm này, nghề biển trầm lắng, ngư dân làm ăn thua lỗ nên không còn đi xe ôm nhiều như trước, song đây vẫn là nghề mang lại cho gia đình tôi thu nhập ổn định. Hai con gái của tôi giờ làm công việc khác, nhưng ngày nào cũng tranh thủ giờ nghỉ trưa và ban đêm để chạy xe kiếm thêm thu nhập", bà Hiếu thổ lộ.

Thức khuya dậy sớm, góp nhặt từng đồng để mưu sinh, nhưng tấm lòng vì cộng đồng của nhiều chị em làm nghề chạy xe ôm ở xã Nghĩa An luôn rộng mở. Năm 2023, khi nghe tin chị L.T.S (53 tuổi), một góa phụ có điều kiện kinh tế khó khăn trong thôn Phổ An không may bị bệnh nặng, chị Nguyễn Thị Hồng Vân cùng các chị em chạy xe ôm khác trong thôn rủ nhau đóng góp, người 30 nghìn đồng, người 50 - 100 nghìn đồng để sẻ chia, đỡ đần cùng chị S tiền thuốc thang. Tiếp sau đó, khi ông T.V.T, một người dân khác trong thôn không may bị tai nạn giao thông, người nữ xe ôm chất phác, đôn hậu Hồng Vân tiếp tục là một trong những cá nhân đóng góp tiền ủng hộ ông T sớm nhất thôn.

Không chỉ dang rộng vòng tay với những mảnh đời khó khăn hơn mình, chị Vân còn nhiệt tình góp sức vì việc chung của làng. Công việc chạy xe nhọc nhằn, nhiều hôm không có thời gian để nghỉ ngơi, nhưng từ 2 năm nay, người dân thôn Phổ An đã quen với hình ảnh nữ xe ôm Hồng Vân cùng nhiều người cao tuổi trong thôn cần mẫn quét dọn, thu gom rác trên bãi biển của thôn vào mỗi buổi sáng. Vào những năm dịch Covid- 19 bủa vây, chị Vân luôn là người tiên phong cùng địa phương chở nhu yếu phẩm, may khẩu trang... cho cộng đồng.

Lần giở quyển sổ ghi chép về những cá nhân thường xuyên ủng hộ các chương trình an sinh xã hội của địa phương, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Phổ An Lê Thị Kim Cúc cho biết, không chỉ chị Vân, mà hầu hết các cuộc vận động đều có sự tham gia đóng góp của 7 chị em làm nghề chạy xe ôm trong thôn. Chọn gắn bó với nghề cực nhọc, đồng tiền kiếm được không mấy dễ dàng, nhưng điều đáng trân quý là khi thôn kêu gọi chung tay giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn... các chị em đều đóng góp, không bao giờ chần chừ.

Thực hiện: Ý THU - THANH NHÀN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/media/emagazine/202404/emagazine-xe-om-toc-dai-fe4441a/