Xe máy: “Ác mộng” của ô tô

Trước khi ngã ngũ câu chuyện có cấm hay không cấm xe máy, các bạn đi xe máy chỉ cần nhớ hai điều thôi: “Đi lề bên phải” và sang đường phải “nhìn gương, xi nhan”. Đừng biến mình thành cơn ác mộng của người khác.

Tôi lái xe ngót đã được 5 năm và cũng có nhiều kỷ niệm với xe máy lắm.

Tôi sống ở Hà Nội và hàng ngày đi làm bằng ô tô. Đi trên đường chỉ cần chú ý quan sát một chút thì phát hiện ra, xe máy của chúng ta đi rất bất quy tắc. Tôi nhớ rằng một nguyên tắc đơn giản của giao thông Việt Nam là đi sát lề phải thì không bao giờ được người đi xe máy thực hiện đúng. Ví như đường Nguyễn Trãi, đường có tổng cộng 5 làn thì xe máy hiện diện ở … cả 5 làn đó. Họ không cần biết có một khoảng trống mênh mông ngay phía bên tay phải mình mà cứ lởn vởn lờ vờ đi ngay trước mũi ô tô. Những lúc ấy, dù cố gắng tỏ ra kiên nhẫn nhưng tôi vẫn phải bấm còi để báo hiệu cho họ đi vào làn trong. Thông điệp đầu tiên dành cho người đi xe máy hóa ra đơn giản là: “Bám lề bên phải nhé!” - Thế mà không ai nhớ nổi?

Ảnh minh họa.

Một lần khi đang di chuyển trên đường với tốc độ rất chậm. “Uỳnh!” Một chiếc SH lao vụt từ phía bên phải xe tôi để sang đường rất tự tin: không mũ bảo hiểm, không xi nhan. Bỗng nhiên anh ta ngã vật ngay trước đầu ô tô. Tôi lắc đầu nghĩ: “Đi kiểu gì mà như vậy?” rồi lái sang một bên để đi tiếp. Đi được một đoạn ngắn thì anh thanh niên vừa ngã vật xuống đất đuổi theo, đập đập cửa kính. Tôi mở cửa ra thì anh này chửi mắng thậm tệ! Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, táp xe vào lề thì thấy đầu xe của mình xước một vệt dài, nhìn lại anh thanh niên thấy có phần hiếu chiến. Tôi nói: “Cậu không đội mũ bảo hiểm, sang đường không giữ khoảng cách an toàn và không xi nhan. Tôi đi rất chậm và cậu quệt vào tôi, vậy cậu còn muốn gì nữa?” Anh ta có vẻ hiếu chiến hơn, kết hợp mấy môn phối hợp để tổng xỉ vả tôi. Cực chẳng đã tôi rút 300 ngàn đồng đưa cho anh ta. Dường như có chút sinh khí vào là không gian dịu lại, mùa xuân nở rộ và khuôn mặt thì giãn ra, anh ta nhận tiền đi luôn không nói thêm câu nào, bỏ lại tôi với cái đầu xe phải làm lại. Nhưng cũng chẳng sao, tôi đã quen rồi. Chả thế mà vài tháng một lần, mỗi khi đưa xe vào ga ra ô tô để tu sửa, nhân viên kỹ thuật hỏi: “Lý do làm lại ghi gì hả anh?”, tôi nói: “Cứ ghi là xe lao vào bụi rậm” cho phù hợp với thực tế “tứ bề đều xước” của cái xe.

Thực tế, người đi xe máy thường xuyên phó mặc mạng sống cho người khác. Họ sang đường không cần xi nhan, không cần nhìn gương hậu. Họ cho rằng quyền của họ là được sống và vì vậy không ai được quyền tước đi mạng sống của họ. Vậy nên họ cứ hồn nhiên như thế, sang đường, chuyển làn với một sự đáng yêu đến… chết người. Thông điệp thứ hai ngắn gọn là: “Sang đường, chuyển làn phải tôn trọng bản thân và mạng sống của chính mình”.

Những người đi xe máy luôn xem đó là phương tiện quan trọng cho theo kịp được tốc độ của cuộc sống hiện tại. Không có xe máy thì không kịp giờ làm, không đón được con, không chở hàng hóa được, hoặc họ buộc phải đi xe máy vì không thể đi được các phương tiện khác. Cấm xe máy thì một bộ phận không nhỏ sẽ đau đầu vì bị dồn vào chân tường. Nguyên tắc đơn giản là: Cấm cái này thì phải có cái khác để lựa chọn, nghĩa là phải phát triển phương tiện công cộng thuận tiện. Hơn nữa còn phải tính đến sự lãng phí của những chiếc xe máy bỏ không. Vậy thì vấn đề không phải là cấm, mà là sự cạnh tranh thực sự giữa các loại phương tiện giao thông. Nếu hệ thống giao thông công cộng phát triển và đủ độ thuận tiện, đủ rẻ thì dù tôi có xe máy tôi cũng tự giác bỏ ở nhà, khỏi cần ai cấm.

Vậy thì trước khi ngã ngũ câu chuyện có cấm hay không cấm, các bạn xe máy chỉ cần nhớ hai điều thôi: “Đi lề bên phải” và sang đường phải “nhìn gương, xi nhan”. Đừng biến mình thành cơn ác mộng của người khác.

Thanh Huyền

Mọi bài vở tham gia diễn đàn "Cấm xe máy – liệu có khả thi?" xin gửi về email: bandientuskds@gmail.com. Các bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của tòa soạn. Trân trọng cảm ơn!

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20131108020325195p0c61/xe-may-ac-mong-cua-o-to.htm