Xe đạp điện, xe máy điện: Những hậu quả khó lường

Tại thời điểm này, thị trường xuất hiện nhiều chủng loại xe máy điện, xe đạp điện không rõ nguồn gốc. Sự nguy hiểm là rất đáng báo động. Thông cáo trên đã được đưa ra tại Hội thảo quốc tế "Tăng cường công tác tuyên truyền đảm bảo an toàn cho người sử dụng các phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện”, do Bộ GTVT phối hợp với UBATGT Quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổ chức tại Hà Nội, ngày 26-8.

Xe đạp điện, xe máy điện đang mốt với giới trẻ thành thị

87% người sử dụng xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBATGT QG cho biết, hiện nay, tại Việt Nam, loại hình xe 2 bánh chạy điện, bao gồm cả xe máy điện và xe đạp điện đang nở rộ bởi các ưu điểm về giá thành thấp, thiết kế nhỏ gọn, phù hợp với hoạt động giao thông chật hẹp tại các thành phố, phù hợp với nhiều lứa tuổi. Tuy nhiên, sự gia tăng chóng mặt trên cũng đặt giao thông vào các diễn biến phức tạp, đặc biệt khi người sử dụng xe máy điện, xe đạp điện chủ yếu là học sinh, sinh viên. Tình trạng học sinh, sinh viên điều khiển loại hình phương tiện này đi với tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, dàn hàng ngang, lạng lách,… ngày càng phổ biến. Nguy hiểm hơn, các phương tiện xe máy điện, xe đạp điện ngày được cải tiến về tốc độ, không thua kém các phương tiện cơ giới 2 bánh khác, khiến tình hình càng trở nên nghiêm trọng. Theo báo cáo tổng hợp chưa đầy đủ, 80% số vụ tai nạn trong thời gian qua liên quan đến việc sử dụng phương tiện 2 bánh có động cơ, bao gồm xe máy điện và xe đạp điện.

Đây cũng là vấn đề được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặc biệt quan ngại. Theo TS Gabit Ismailov, Phó trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, khảo sát của WHO trong quý II - 2014 cho thấy, hơn 87% người sử dụng xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. 80% trong số này là những người trẻ dưới 18 tuổi. Mặc dù hiện nay, các dữ liệu liên quan đến xe máy điện, xe đạp điện tại Việt Nam chưa đầy đủ, song với sự ngày càng phổ biến, tại các thành phố lớn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với các vấn đề tương tự như tại Trung Quốc hiện nay. Số liệu từ Cục Quản lý giao thông Bộ Công an Trung Quốc, hàng năm trung bình quốc gia này có tới trên 5.000 người tử vong khi sử dụng xe máy điện, xe đạp điện.

Có lẽ sự nguy hại đến từ ý thức của người dân, đặc biệt là ở độ tuổi 14 đến 18, khi sự nhận thức còn chưa đầy đủ. Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ GDĐT) cũng cho rằng, với trên 22 triệu học sinh, sinh viên, việc gia tăng sử dụng xe máy điện, xe đạp điện, sẽ nguy hiểm khôn lường, nhất là khi không có những chuyển biến về nhận thức. Tình trạng, học sinh vi phạm an toàn giao thông khá phố biến, như các lỗi không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, phóng nhanh 40-50km/h, vượt ẩu, không chấp hành hiệu lệnh giao thông… Tất cả là nguy cơ của tai nạn giao thông không còn dừng ở sự tiềm ẩn.

Lỗ hổng quản lý

Theo Tổng cục Hải quan, từ năm 2011 đến tháng 10-2013, Việt Nam nhập khẩu 1.510.166 xe máy điện, xe đạp điện. Trên thị trường ước tính còn khoảng 2 triệu xe máy điện, xe đạp điện không rõ nguồn gốc. Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Bộ Công an), hiện nay chỉ có hơn 61.329 xe đạp điện, xe máy điện hợp pháp lưu thông (xe đã đăng ký). Con số này chiếm 8,7% so với lượng phương tiện xe máy điện, xe đạp điện lưu thông trên toàn quốc. Chỉ 2 số liệu trên cho thấy, công tác quản lý xe máy điện, xe điện đang tồn tại quá nhiều bất câp.

Ông Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt cho biết, những xe máy điện, đạp điện hợp pháp được biết đến chiếm chưa đến 10% thì rõ ràng, các bộ, ngành và ở đây là các khâu như đăng kiểm chất lượng, quản lý nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, đăng ký…chưa thực sự vào cuộc, để tình trạng xe "lậu” trôi nổi.

Theo ông Dánh, thủ đoạn của các cơ sở kinh doanh xe máy điện, xe đạp điện là quay vòng xe trong kho và xe bán ra thị trường để hợp thức hóa xe nhập lậu. Ngoài ra, do kiểm tra kiểm soát không tốt, lượng xe máy điện, xe đạp điện không rõ nguồn gốc, từ biên giới "chạy” vào nội địa ngày càng nhiều. Do giá cả và mẫu mã hợp lý, nên lượng người sử dụng ngày một nhiều. Nếu so sánh con số 780 xe máy điện và 24.290 xe đạp điện đã được đăng ký quản lý và chứng nhận an toàn kĩ thuật của Bộ GTVT với con số dự kiến 2 triệu xe máy điện, xe đạp điện trôi nổi, khiến tình hình trên càng phức tạp.

Tuấn Việt

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=88362&menu=1372&style=1