Xe đạp công cộng 'lỡ hẹn' với người dân Thủ đô

Trong khi các thành phố như Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... đã vận hành dịch vụ xe đạp công cộng được một thời gian thì tại Thủ đô Hà Nội, dự án xe đạp đô thị vẫn còn bỏ ngỏ.

Sau một khoảng thời gian dự án xe đạp công cộng được biết đến rộng rãi và nhận về sự quan tâm của cộng đồng, đến thời điểm hiện tại, xe đạp công cộng vẫn chưa chính thức lăn bánh để phục vụ người dân Thủ đô.

Trước đó, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội cho phép Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn một số quận với thời gian thí điểm 12 tháng (bắt đầu từ tháng 12/2022). UBND thành phố Hà Nội cũng hoàn toàn thống nhất về chủ trương triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn Thành phố theo đề xuất của Sở GTVT.

Thế nhưng vì một vài lý do, dự án vẫn chưa được triển khai, các mốc giai đoạn nhằm giúp người dân tiếp cận và tạo thói quen sử dụng xe đạp công cộng đều không thể thực hiện.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, phía TNGo (thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam) cho biết đơn vị cần chuẩn bị thêm một số giấy tờ pháp lý, vì vậy lịch trình khai trương dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội sẽ có sự thay đổi.

Trong khi các tỉnh thành khác đã triển khai và nhận được những kết quả tích cực từ dự án xe đạp công cộng, Hà Nội vẫn đang gặp nhiều khó khăn để khiến những chiếc xe đạp có thể lăn bánh.

Dự án “Xe đạp đô thị” được Sở GTVT Hà Nội hoàn thiện có tổng cộng 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (thực hiện trong 1 năm): Ở giai đoạn này sẽ đầu tư 1.000 xe đạp (50% là xe đạp điện) với 94 vị trí đặt xe, tổng vốn đầu tư là khoảng hơn 30 tỷ đồng.

Được biết, 6 quận nội thành được thí điểm trước ở giai đoạn đầu. Trong đó, quận Ba Đình dự kiến có 340 xe đặt tại tuyến Kim Mã, Trần Huy Liệu, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thái Học, Đội Cấn, Quán Thánh. Quận Tây Hồ có 242 xe tại các tuyến Lạc Long Quân, Thanh Niên, Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám, Trích Sài.

Quận Đống Đa có 100 xe tại Giảng Võ, Hào Nam, Hoàng Cầu, Thái Hà, Láng. Quận Hoàn Kiếm có 280 xe tại Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng... Gần 300 xe còn lại được đặt tại quận Thanh Xuân và Hai Bà Trưng.

Dự án xe đạp công cộng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình tại các địa phương đã triển khai dịch vụ, đặc biệt, các bạn trẻ là đối tượng rất thích thú với trải nghiệm mới lạ này.

Giai đoạn 2, dự kiến từ năm 2023 đến 2024, dự án mở rộng vùng phục vụ: Tập trung phát triển mở rộng vùng dịch vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm, chi tiết các địa điểm này sẽ được đơn vị thực hiện và các cơ quan có liên quan khảo sát và lựa chọn cụ thể.

Theo đó, trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, mặc dù các quận đã bàn giao đầy đủ mặt bằng, chủ đầu tư thực hiện công đoạn lắp đặt, sơn kẻ các trạm xe. Tuy nhiên, mốc thời gian thí điểm trước 15/12/2022 đã không thể thực hiện.

Ghi nhận của PV Báo Sức khỏe & Đời sống tại một số điểm dự kiến đặt xe đạp công cộng vẫn trống không, phủ bụi, thậm chí hệ thống biển báo giới thiệu về dự án xe đạp công cộng được lắp đặt trước đó cũng "không cánh mà bay".

Tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác có thể sẽ nhân rộng dịch vụ xe đạp công cộng trong thời gian tới.

Trái ngược với Hà Nội, các thành phố đang triển khai dịch vụ xe đạp công cộng nhận được sự hưởng ứng và phản hồi rất tốt từ phía người dân. Theo đó, sau 15 tháng triển khai thí điểm, dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 305.000 người đăng ký tài khoản, trong đó hơn 80% sử dụng dịch vụ.

Tổng cộng có hơn 473.000 chuyến đi, trung bình 1.100 chuyến/ngày. Quãng đường sử dụng xe đạp công cộng là hơn 2,1 triệu km, trung bình 5.120km/ngày, tương đương 4,5km/chuyến. Thống kê cho thấy, tất cả các giờ trong ngày đều có người sử dụng xe đạp công cộng, nhất là cao điểm sáng và chiều, cuối tuần.

Thời gian tới thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục mở rộng dịch vụ sang các quận, huyện, nơi có nhu cầu trên địa bàn thành phố. Đồng thời, sẽ rà soát các vị trí ở trung tâm thương mại, trường học, chung cư để bổ sung thêm các vị trí đậu xe đạp công cộng.

Cục Đăng kiểm VN: Tỷ lệ phương tiện không đạt kiểm định lần đầu lên đến 40%.

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/xe-dap-cong-cong-lo-hen-voi-nguoi-dan-thu-do-169230417122157742.htm