Xe buýt đã phủ sóng tới hầu khắp các điểm du lịch

Trong những năm qua, Hà Nội đã phát triển hệ thống xe buýt với đa dạng hóa các loại hình xe buýt. Bên cạnh các tuyến xe buýt tới sân bay, nhà ga, các địa điểm trung tâm, còn có các tuyến xe buýt phục vụ du lịch và cả những tuyến từ nội đô kết nối với các khu du lịch, địa danh nổi tiếng của Thủ đô như Chùa Hương, Vườn Quốc Gia Ba Vì, Làng cổ Đường Lâm, Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, Làng nghề Bát Tràng...

Với những người dân, khách du lịch như bà Phạm Thanh Thủy ở quận Long Biên, kể từ khi biết có tuyến buýt 07 đi từ Kim Mã tới tận Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam ở Ba Vì, thỉnh thoảng bà lại cùng với các bạn đến đây thăm quan, trải nghiệm.

Theo đó, đối với những người cao tuổi, việc đi lại tới các điểm di tích, danh thắng của thủ đô không còn xa xỉ bởi chỉ cần tới các điểm buýt gần nhà, bắt xe buýt và đến được nơi cần đến một cách an toàn. Đặc biệt, với tấm thẻ miễn phí, người cao tuổi có thể đi tới các địa điểm du lịch cách thành phố 40-50 km mà không quá tốn kém:

Ngoài tuyến số 07 đến Làng Văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam thì hiện khu vực huyện Ba Vì nơi có nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng cũng còn nhiều tuyến xe buýt khác đến Vườn quốc Gia Ba Vì như tuyến 110 hay các tuyến đi Bát Bạt , Đá Chông. Các tuyến buýt này đã giúp người dân tiếp cận các điểm du lịch, danh thắng thuận lợi hơn rất nhiều so với việc phải sử dụng phương tiện cá nhân.

Không chỉ người lớn tuổi, giờ đây xe buýt tới các điểm du lịch thu hút lượng lớn các bạn trẻ bởi giá thành rẻ, chỉ từ 7 đến 9 nghìn đồng một lượt xe là các bạn đã có thể tới được các địa bàn xa trung tâm thành phố để trải nghiệm vào những ngày nghỉ lễ hoặc cuối tuần. Đặc biệt, phải kể tới tuyến xe buýt luôn luôn quá tải vào các giờ cao điểm là tuyến xe buýt đi chùa Hương. Việc có được tuyến xe buýt vào thẳng khu vực chờ gần bến Đục và tại đây khách có thể bắt tiếp xe điện để đi sâu vào trong khu vực chùa Hương đã tạo thuận lợi rất nhiều cho bà con không chỉ ở khu vực nội đô mà nhiều người đến từ các tỉnh lân cận hoặc các huyện vùng sâu xa khác cũng có thể đi du lịch một cách dễ dàng. Vì vậy, không phải mùa du lịch lễ hội nhưng nhiều người dân vẫn đến các điểm di tích, danh thắng để tham quan và trải nghiệm.

Bên cạnh đó, vào các mùa lễ hội hay mùa hoa sen, hoa súng là thời điểm mọi người tới khu vực chùa Hương nhiều thì tuyến xe này luôn trong tình trạng khách phải đến bắt xe từ đầu bến tại Mỹ Đình để tránh bị lỡ chuyến. Cho dù về khu vực chùa Hương hiện đã có hai tuyến 103A và 103B song do tuyến đi qua nhiều khu vực dân cư đông nên thường giờ cao điểm vẫn khá khó khăn cho khách đi xe.

Những năm qua, tuy quãng thời gian không dài song Hà Nội với tốc độ phủ sóng xe buýt nhanh tới khắp 30 quận, huyện , thị xã đã cho thấy những nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc quyết liệt thực hiện chủ trương giảm phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông. Là địa phương dẫn đầu cả nước về dịch vụ xe buýt, xe buýt Hà Nội dù còn nhiều khó khăn song đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người già và học sinh, sinh viên. Nhờ xe buýt đi lại thuận tiện mà các khu di tích, danh thắng không phải mùa du lịch cũng hàng ngày đón tiếp nhiều người dân đến tham quan, vui chơi, trải nghiệm.

Không thể phủ nhận sự tiện lợi mà những tuyến xe buýt kết nối tới các địa danh du lịch đã đem lại cho nhiều người dân, về cả giá thành cũng như sự an toàn trong quá trình đi lại. Hiện nay, xu hướng trải nghiệm du lịch cùng xe buýt cũng đem lại nhiều thú vị cho các tầng lớp nhân dân Thủ đô, không chỉ riêng du khách các tỉnh khi đến với Hà Nội. Việc kết nối các tuyến buýt đến những điểm tham quan, du lịch góp phần giảm lượng phương tiện cá nhân đến các vùng và đáp ứng nhu cầu đi lại không chỉ của người dân khu vực vùng sâu, vùng xa thành phố mà tạo thuận lợi cho người dân , du khách trong và ngoài nước khi đến với thủ đô.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/xe-buyt-da-phu-song-toi-hau-khap-cac-diem-du-lich-205691.htm