Xây mới, thành lập mới hơn 30 trường học các cấp phục vụ năm học mới

Tại hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá, Hà Nội là địa phương luôn quan tâm đầu tư phát triển giáo dục đào tạo, đạt nhiều kết quả nổi bật và có đóng góp ngày càng hiệu quả trong kết quả của giáo dục cả nước.

Đạt nhiều kết quả tích cực

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, năm học 2022 - 2023, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển. Toàn thành phố có 2.840 trường mầm non, phổ thông với gần 2,2 triệu học sinh và gần 123.000 giáo viên. Tính đến tháng 6.2023, toàn thành phố có 72,4% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Đây là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp trung học phổ thông, các trường đã thực hiện tốt theo đúng hướng dẫn, trong đó có việc tổ chức cho học sinh lựa chọn tổ hợp môn học.

Chuẩn bị cho năm học mới, thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học. Ảnh: Minh Anh

Năm học 2022 - 2023, dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hà Nội tiếp tục duy trì chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn. Học sinh Hà Nội giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi với 8 học sinh đạt giải quốc tế; 141 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp trung học phổ thông. Đặc biệt, Hà Nội còn đứng đầu cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ V; 4/4 dự án thi khoa học kỹ thuật quốc gia đều đoạt giải. Đây là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực của các nhà trường trong việc đổi mới phương pháp dạy học, gắn lý thuyết với thực hành, tăng cường rèn cho học sinh kỹ năng ứng dụng kiến thức vào thực tế và chủ động nghiên cứu khoa học.

Các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục được đầu tư tốt hơn, ngành đã chủ động tham mưu UBND thành phố để có nhiều giải pháp ổn định công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, phân tuyến hợp lý, không để xảy ra tình trạng thiếu chỗ học. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng; cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường đầu tư; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cao. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đầu cấp và quản lý học sinh được chú trọng đẩy mạnh, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục.

Chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn có chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tăng cường, bảo đảm chất lượng chuyên môn và năng lực sư phạm. Công tác quản lý, kiểm tra đánh giá không ngừng được đổi mới; nề nếp và kỷ cương được duy trì. Xã hội hóa giáo dục có nhiều bước chuyển biến, huy động được các nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục. Các hoạt động, phong trào thi đua được tổ chức sôi nổi, thiết thực, có ý nghĩa.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Hà Nội cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, đặc biệt chú trọng về "chất" trong tất cả các khía cạnh: trong dạy - học, kiểm tra - đánh giá; bảo đảm hạ tầng thiết bị, an toàn thông tin; đảm bảo dữ liệu ngành đúng, đủ, kịp thời phục vụ công tác quản lý; tăng cường kho học liệu số; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, thúc đẩy học tập suốt đời với sự hỗ trợ của công nghệ số.

Bộ trưởng đề nghị hành phố cố gắng trong công tác tuyển sinh, dứt khoát không còn cảnh phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng. Với thời đại công nghệ số, quản trị hiện đại, Thủ đô dẫn đầu cả nước nên không thể để tình trạng phải xếp hàng.

Sẵn sàng cho năm học mới

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội, để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới 2023 - 2024, khối quận, huyện thị xã đã xây mới được 31 trường, 732 phòng học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em Nhân dân trên địa bàn thành phố.

Trong đó, cấp mầm non có 14 trường, tiểu học 10 trường và THCS 7 trường với tổng số 732 phòng học đáp ứng cho 27.128 chỗ học cho học sinh tương đương 756 lớp. Trong đó, công lập xây mới, thành lập mới 23 trường (11 trường mầm non, 9 trường tiểu học và 3 trường THCS) và tư thục xây mới, thành lập mới 10 trường (3 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 4 trường THCS).

Năm học mới 2023 - 2024, thành phố Hà Nội đã quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất cho các trường trực thuộc, cụ thể, thành phố đã xây mới, thành lập mới 1 trường học công lập (Trường THPT Thọ Xuân huyện Đan Phượng) với tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng; ngoài ra, Thành phố đã bố trí vốn đầu tư xây dựng cho 8 dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo các trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo với tổng số vốn kế hoạch là 189.000 triệu đồng, dự kiến có 03 dự án hoành thành phục vụ năm học mới (Trường Mầm Non B, THPT Tự Lập, THPT Phúc Thọ).

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Sở hiện đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục như mô hình trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC) phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn thành phố. IOC bao gồm có các chức năng xây dựng và quản lý hệ thống báo cáo thuộc phạm vi của Sở bằng công cụ hiện đại, thông minh, trực quan; Tích hợp hệ thống Hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành bằng các bảng điều khiển thông minh.

Các mô hình sẽ được triển khai trong năm học mới 2023 - 2024 là mô hình chuyển đổi số trong quản lý hồ sơ chuyên môn, học bạ số tích hợp chữ ký số cá nhân trong trường học - Phục vụ đổi mới trong quản trị trường học, quản lý chuyên môn của Giáo viên; Tiền đề để thực hiện dịch vụ công trong việc chứng thực học bạ của học học sinh.

Mô hình thư viện số trường học phục vụ triển khải chuyển đổi số trong dạy học nền tảng số hóa - Giúp các nhà trường có hệ thống thư viện điện tử, tích hợp kho học liệu số kết nối liên thông với kho dữ liệu số của ngành; Các cơ quan quản lý giáo dục có công cụ để giám sát, kiểm định thư viện trường học; Thư viện trường học có phần mềm để quản lý thư viện truyền thống.

Giải pháp quản lý khoản thu không sử dụng tiền mặt - Giúp minh bạch, hiệu quả trong thực hiện các khoản thu trong trường học, giúp các cơ quan quản lý theo dõi, giám sát, chỉ đạo hoạt động tài chính của các nhà trường.

Văn Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/xay-moi-thanh-lap-moi-hon-30-truong-hoc-cac-cap-phuc-vu-nam-hoc-moi-i340374/