Xây dựng xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời

Đề án 'Xây dựng xã hội học tập' (XHHT) được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh hướng đến mục tiêu tạo mọi cơ hội, điều kiện thuận lợi để mọi người dân, mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, suốt đời ở mọi nơi, mọi lúc, phù hợp với nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh của mỗi cá nhân nhằm nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

Trường Tiểu học Kim Đức, thành phố Việt Trì tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, góp phần thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

(baophutho.vn) - Đề án “Xây dựng xã hội học tập” (XHHT) được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh hướng đến mục tiêu tạo mọi cơ hội, điều kiện thuận lợi để mọi người dân, mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, suốt đời ở mọi nơi, mọi lúc, phù hợp với nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh của mỗi cá nhân nhằm nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Giai đoạn 2012 - 2020, đề án “Xây dựng XHHT” được quan tâm triển khai, thực hiện và mang lại những kết quả, hiệu ứng tích cực. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong việc xây dựng XHHT ngày càng được nâng cao. Quá trình triển khai đề án luôn có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, tổ chức, đặc biệt là giữa ngành Giáo dục và Đào tạo với Hội Khuyến học các cấp. Các đề án thành phần về công tác xóa mù chữ đến năm 2020; dạy nghề cho lao động nông thôn; đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, phát triển đào tạo từ xa, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng... được các cấp, ngành tập trung triển khai hiệu quả. Qua tám năm triển khai, Phú Thọ đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai nhân rộng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”. Năm 2020, các huyện, thành, thị đã tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại và công nhận cho 225/225 “Cộng đồng học tập” cấp xã trong toàn tỉnh, trong đó, xếp loại tốt 56,88%; khá 41,33%; trung bình 1,77%. Tổng kết giai đoạn 2012-2020, tỉnh Phú Thọ vinh dự được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen cho hai tập thể, hai cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong triển khai công tác xây dựng XHHT.Để đạt hiệu quả cao nhất, Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” đề ra một số giải pháp như: Tập trung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về xây dựng xã hội học tập, trong đó chú trọng xây dựng kế hoạch tổ chức hiệu quả Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời; Tháng khuyến học, Ngày khuyến học Việt Nam; tổ chức Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam dưới nhiều hình thức giao lưu, giáo dục cộng đồng, trải nghiệm, mở rộng không gian học tập trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ, khuyến khích mô hình gia đình đọc sách, câu lạc bộ đọc sách liên thế hệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi và cung cấp cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi cho người học ở mọi độ tuổi. Phát động rộng rãi các phong trào thi đua học tập thường xuyên, học tập suốt đời, nhằm thúc đẩy phong trào học tập trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng, khu dân cư để mọi người đều coi học tập là nhu cầu cần thiết. Quan tâm triển khai cơ chế, chính sách về xây dựng XHHT. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời và chú trọng hoạt động học tập suốt đời cho người lớn. Ông Đỗ Thanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: “Chuyển đổi số sẽ hỗ trợ đổi mới giáo dục - đào tạo theo hướng chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất người học, giảm diễn thuyết một chiều, tăng sự tương tác và hướng tới sự tự học, chủ động giao lưu, kết nối tri thức. Đây là kỹ năng cần thiết giúp mọi người học tập suốt đời theo mục tiêu và mong muốn tự thân của mình, góp phần tạo ra xã hội học tập và tạo động lực học tập suốt đời”.Tin tưởng rằng, với tinh thần “học, học nữa, học mãi”, đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức, trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/khuyen-hoc-khuyen-tai/202112/xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-dap-ung-nhu-cau-hoc-tap-suot-doi-181895