Xây dựng vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành đầu tàu kinh tế

(Chinhphu.vn) - Xây dựng vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trở thành một trong những đầu tàu của cả nước về phát triển kinh tế.

Ảnh minh họa

Đây là một trong những mục tiêu của Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Xây dựng vùng trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục... chất lượng cao

Kế hoạch đặt mục tiêu xây dựng vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là địa bàn tiên phong của cả nước thực hiện các “đột phá chiến lược”, tái cấu trúc kinh tế, đổi mới thành công mô hình tăng trưởng, trở thành một trong những đầu tàu của cả nước về phát triển kinh tế (bao gồm cả kinh tế biển), góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; cải thiện môi trường sinh thái; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Đồng thời, huy động tối đa sức mạnh tổng hợp, phát huy triệt để tiềm năng, lợi thế để xây dựng vùng Đồng bằng sông Hồng thực sự trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học và du lịch chất lượng cao. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực trong vùng…

Đẩy nhanh tốc độ phát triển các tỉnh Nam Đồng bằng sông Hồng

Theo Kế hoạch, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, chỉ đạo tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ, các nhiệm vụ về đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh theo Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị, tập trung xây dựng cơ chế liên kết phối hợp giữa các địa phương để điều phối các hoạt động chung trong Vùng nhằm giải quyết những vấn đề mang tính chất vùng và liên vùng, đồng thời phát huy tối đa lợi thế của từng địa phương.

Duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững; phát triển có trọng tâm, trọng điểm đối với một số ngành mũi nhọn có khả năng tạo động lực và dẫn dắt các ngành khác phát triển. Ưu tiên hỗ trợ đối với vùng sản xuất lúa gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, hạn chế việc chuyển đất lúa để làm công nghiệp, đô thị, giữ gìn, bảo vệ đất trồng lúa. Hình thành và phát triển một số sản phẩm chủ lực của Vùng mang thương hiệu Việt Nam, có sức cạnh tranh quốc tế. Chú trọng đẩy nhanh tốc độ phát triển các tỉnh Nam Đồng bằng sông Hồng, phát huy tốt hơn nữa vai trò đầu tàu của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vai trò của trục động lực phát triển kinh tế: Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh trong việc phát triển kinh tế của Vùng.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng xanh, sạch

Cùng với đó, tăng cường đầu tư giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của Vùng và cả nước; tiếp tục đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, y tế chất lượng cao đạt trình độ khu vực và quốc tế ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam... Phát triển mô hình bệnh viện vệ tinh tại các tỉnh để giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương; chú trọng phát triển lĩnh vực y tế tư nhân.

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng xanh, sạch, phát thải thấp, tăng cường khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng...

Phương Nhi

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/chi-dao-quyet-dinh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu/xay-dung-vung-dong-bang-song-hong-tro-thanh-dau-tau-kinh-te/192509.vgp