Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí

Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ban hành ngày 25/12/2023 đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có vấn đề xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích Nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm tập trung mọi nguồn lực để xây dựng đất nước.

Từ trước đến nay, trong quá trình xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước ta nhất quán trong chính sách THTK, CLP. Trong các nghị quyết của Đảng, vấn đề THTK, CLP đã được đề cập, tập trung nhất là Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 103/2007/ NĐ-CP “Quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Năm 2013, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ra đời và được sửa đổi vào các năm 2017, 2018. Bên cạnh đó, Nghị định số 84/2014/ NĐ-CP “Quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” được Chính phủ ban hành đã thể hiện rõ quan điểm về THTK, CLP của Đảng, Nhà nước.

Thực tế những năm qua cho thấy, hiện tượng lãng phí xảy ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống KT-XH. Khi đời sống được cải thiện, nâng lên một bước, tình trạng lối sống xa hoa, lãng phí đã xuất hiện, diễn ra ở nhiều nơi, trong các cơ quan, đơn vị, địa phương nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời.

Trong quản lý ngân sách nhà nước, một số cơ quan, đơn vị có sự buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng các cơ quan đua nhau xây dựng trụ sở mới trong khi trụ sở cũ vẫn còn sử dụng được; hay đua nhau mua xe ô tô mới trong khi xe cũ vẫn còn hoạt động tốt. Nói rộng hơn, ở một số địa phương còn để xảy ra quy hoạch treo, trong khi người dân không có đất để sản xuất, làm lãng phí tài nguyên đất đai.

Thêm vào đó là tình trạng sử dụng vật tư, phương tiện, nhân lực, tài nguyên, khoáng sản... không có kế hoạch, không tiết kiệm, làm lãng phí nguồn lực đất nước, gây bức xúc trong dư luận; nhiều vụ việc kéo dài nhiều năm qua chưa được ngăn chặn, xử lý triệt để.

Để đẩy mạnh công tác THTK, CLP, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần tập trung xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội; khuyến khích Nhân dân tăng cường THTK, CLP trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm quy định về mua sắm công, xây dựng và sử dụng trụ sở, tổ chức hội nghị, lễ kỷ niệm, tiếp khách, đi công tác, đi nước ngoài bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không lãng phí, phô trương.

Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về THTK, CLP trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Về lâu dài, cần đưa nội dung THTK, CLP vào lồng ghép, giảng dạy trong các bậc học phổ thông, để trang bị ngay từ đầu văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật. Đồng thời, tập trung cho nhiệm vụ cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý; gắn THTK, CLP với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, thúc đẩy việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Hoàn thiện các hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dịch vụ công các cấp kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia. Tập trung xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực quốc gia.

Để việc THTK, CLP trở thành việc làm thường xuyên, có sức lan tỏa trong xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cần nêu gương THTK, CLP ngay tại cơ quan, đơn vị của mình. Trong đó, mỗi người khi thực hiện nhiệm vụ phải luôn đặt lợi ích của Nhân dân, của tập thể lên trên lợi ích cá nhân; sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tất cả đều hướng đến mục đích đem lại lợi ích cho Nhân dân, cho đất nước. THTK, CLP là nhiệm vụ quan trọng, góp phần để xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh, văn minh.

Minh Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/xay-dung-van-hoa-tiet-kiem-chong-lang-phi/182822.htm