Xây dựng văn hóa giao thông, ngăn ngừa vi phạm

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn giao thông và tình trạng vi phạm quy định pháp luật về an toàn (ATGT) hiện nay là do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao. Vì vậy, bên cạnh xử lý, xử phạt, xây dựng văn hóa giao thông được coi là giải pháp bền vững, hiệu quả.

Khi tham gia giao thông, hầu như ai cũng dễ dàng bắt gặp những hình ảnh vi phạm, không đẹp mắt như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chen lấn làn, dàn hàng ngang, nhấn còi liên tục, bật đèn pha trong phố; sử dụng điện thoại khi đang lái xe… Đây là những hành vi vi phạm dễ dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT).

Cán bộ CSGT, Công an thị xã Việt Yên tuyên truyền, phát tài liệu ATGT cho học sinh.

Những năm gần đây, việc tuyên truyền, giáo dục về ATGT được đẩy mạnh, tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức khác nhau. Ban ATGT các cấp yêu cầu, đôn đốc các cơ quan, địa phương tăng cường tuyên truyền, ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự ATGT đối với cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, người lao động và học sinh, thanh thiếu niên.

Riêng Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh và công an các huyện, thị xã, TP đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại 100% các trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của hơn 200 nghìn học sinh, giáo viên; duy trì hoạt động của 295 mô hình “Cổng trường ATGT”. Tổ chức cho gần 29 nghìn doanh nghiệp và công nhân, người lao động ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật về ATGT…

Hoạt động tuyên truyền có tác động lớn đến phụ huynh, học sinh nói riêng và người tham gia giao thông nói chung. Chị N.T.H ở phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) nói: “Do con còn nhỏ nên tôi thường xuyên đưa đón đi học. Trên đường, tôi làm gương cho con trong việc tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, đi đúng phần đường, trước khi lên xe phải đội mũ bảo hiểm…

Những việc làm đó tuy nhỏ nhưng sẽ tạo thành nền nếp cho các con, hạn chế rủi ro khi tham gia giao thông”. Được biết, hiện nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh đều tổ chức ký cam kết với cha mẹ học sinh về tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức tham gia giao thông cho học sinh; không giao xe máy cho con em khi chưa có giấy phép lái xe; thực hiện tốt văn hóa giao thông.

Trong hai tháng qua, toàn tỉnh xảy ra 62 vụ TNGT làm chết 33 người, bị thương 39 người. Phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn cho thấy, nhiều vụ xảy ra do không đi đúng phần đường, làn đường quy định; không chú ý quan sát; chuyển hướng, vượt xe không đúng quy định; không chấp hành quy định về tốc độ… Qua đó phản ánh ý thức chấp hành của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, thói quen xấu, chậm chuyển biến, thiếu văn hóa giao thông.

Tuy vậy, thực tế cho thấy, nhiều gia đình, cha mẹ, người thân chưa nghiêm túc, quản lý thiếu chặt chẽ con em trong việc chấp hành quy định ATGT. Gần đây, Đội CSGT, Công an huyện Lạng Giang trong quá trình tuần tra ở xã Thái Đào phát hiện 3 người đi trên một xe máy không đội mũ bảo hiểm.

Khi dừng phương tiện, cán bộ CSGT kiểm tra người điều khiển là HVĐ, 15 tuổi (SN 2009), là học sinh một trường trên địa bàn xã. Tiếp tục làm rõ, lực lượng công an lập biên bản xử lý anh ĐHA (SN 2003) ở xã Thái Đào, là người thân của em Đ về hành vi cho Đ mượn xe, để người không đủ điều kiện tham gia giao thông.

Trong hai tháng qua, toàn tỉnh xảy ra 62 vụ TNGT, làm chết 33 người, bị thương 39 người. Phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn cho thấy, nhiều vụ xảy ra do đi không đúng phần đường, làn đường quy định (8 vụ); không chú ý quan sát (5 vụ); chuyển hướng, vượt xe không đúng quy định (5 vụ); không chấp hành quy định về tốc độ (1 vụ)… Qua đó phản ánh ý thức chấp hành của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, hình thành thói quen xấu, chậm chuyển biến, thiếu văn hóa giao thông.

Trao đổi về vấn đề này, thạc sĩ Tâm lý học Hán Thị Hương Giang, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt – Hàn cho rằng, việc xây dựng văn hóa giao thông góp phần tạo ra môi trường giao thông an toàn, văn minh, giảm thiểu tai nạn và những thiệt hại do TNGT gây ra. Muốn xây dựng văn hóa giao thông cần bắt đầu từ mỗi gia đình vì con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, các bậc phụ huynh có chấp hành tốt quy định, luật pháp về ATGT thì con cái mới có gương sáng noi theo, hình thành ý thức tự giác.

Do đó, mỗi gia đình, cha mẹ, ông bà, người trưởng thành phải có những hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực xã hội của người tham gia giao thông, chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác đối với những quy định pháp luật về ATGT. Mỗi gia đình, cá nhân chấp hành tốt sẽ lan tỏa, xây dựng cộng đồng, xã hội ATGT.

Ông Hoàng Văn Hải, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết, bên cạnh việc phát hiện kịp thời, xử lý kiên quyết những hành vi vi phạm, Ban yêu cầu các ngành thành viên, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT. Trong đó, chú trọng tuyên truyền quy định “Đã uống rượu, bia không lái xe”; phổ biến, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh tai nạn, cảnh báo các nguy cơ cao gây ra TNGT...

Công tác tuyên truyền, giáo dục phải được mở rộng từ cơ quan nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp đến các khu dân cư, tổ dân phố, mỗi gia đình và từng thành viên trong xã hội theo hướng nhanh chóng, dễ tiếp cận, phát huy sức mạnh công nghệ thông tin và lợi thế của các mạng xã hội. Chương trình, nội dung tuyên truyền gắn với đặc thù của từng nhóm đối tượng, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động, đưa công tác tuyên truyền văn hóa giao thông đi vào thực chất, hiệu quả theo chủ đề năm 2024: “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” .

Bài, ảnh: Quốc Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/xay-dung-van-hoa-giao-thong-ngan-ngua-vi-pham.bbg