Xây dựng và quản lý mã số vùng trồng nông sản

Bài 2: Quản lý chặt chẽ, xử lý kịp thời Thời gian qua, công tác cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được đẩy mạnh và có hiệu quả rõ rệt trên cả nước. Tuy nhiên, khâu quản lý và việc xử lý vi phạm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại nhiều địa phương vẫn đang gặp không ít khó khăn, cần sớm khắc phục.

Sơ chế xoài xuất khẩu tại Công ty TNHH Kim Nhung, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh Hữu Nghĩa)

Theo Cục Bảo vệ thực vật, tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của các địa phương hiện còn thấp so với yêu cầu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm kéo dài, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sự minh bạch và uy tín của nền nông nghiệp Việt Nam.

Hạn chế về nhận thức và nguồn lực quản lý, giám sát

Cục trưởng Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết: Một số địa phương hiện chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Do đó, công tác giám sát sau cấp mã số còn bị buông lỏng. Cán bộ địa phương, doanh nghiệp chưa hiểu rõ quy định của các nước; cập nhật thông tin thay đổi điều kiện nhập khẩu của các nước còn chậm.

Doanh nghiệp đầu tư chưa đúng mức để thiết lập và duy trì vùng trồng đáp ứng điều kiện của nước nhập khẩu; không tập huấn cho người sản xuất và nhân công làm việc tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói. Thậm chí, nhận thức của một số doanh nghiệp chưa cao còn dẫn đến gian lận sử dụng mã số. Tuy nhiên, các trường hợp này khi phát hiện chỉ bị thu hồi mã số nên chưa có tính răn đe cao, từ đó kéo theo bất cập ở các vùng trồng, như: một số vùng trồng còn trồng xen, chưa áp dụng thực hành nông nghiệp tốt; hồ sơ, sổ sách ghi chép không đầy đủ, không cập nhật; thông tin ghi chép hồ sơ và khi phỏng vấn kiểm tra của nước nhập khẩu không nhất quán.

Do nhận thức và trình độ của người sản xuất không đồng đều nên nhiều vùng trồng vẫn chưa sử dụng phần mềm quản lý, gây khó khăn truy xuất nguồn gốc nông sản. Đối với cơ sở đóng gói, một số cơ sở chỉ là điểm cân, hoạt động theo mùa vụ nên chưa được đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của nước nhập khẩu, dẫn đến tình trạng không có khu vực kiểm tra sinh vật gây hại, không có biện pháp loại bỏ sinh vật gây hại hiệu quả.

Thực tế, đợt kiểm tra tháng 6/2023 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, có 12/13 cơ sở đóng gói được kiểm tra chưa có biện pháp quản lý và loại bỏ các đối tượng sinh vật gây hại.

Còn theo ông Trần Minh Hải- Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay nông dân và cơ quan chức năng các địa phương chỉ mới tập trung phát triển mã số vùng trồng cho các nông sản đi Trung Quốc mà chưa quan tâm đến các thị trường khác như Mỹ, châu Âu... Mặt khác, không ít hộ dân, hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng vẫn nghĩ có mã số là có tất cả nên không chú trọng đến việc duy trì, bảo vệ tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm, gây ra nhiều rủi ro cho những mã số đã được cấp.

Những hạn chế này bắt nguồn từ công tác giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân là nhiều địa phương chưa bố trí đủ nguồn lực, chưa xây dựng kế hoạch hoặc không lồng ghép nhiệm vụ giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trong các chương trình khác.

Nhiều tỉnh mặc dù đã được phê duyệt kế hoạch, đề án nhưng chưa bố trí được nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ, trong khi đó lại chưa có chế tài xử lý các vi phạm về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Ngoài ra, nguồn nhân lực ít, thay đổi thường xuyên cũng ảnh hưởng đến hỗ trợ vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Cùng quan điểm với Cục Bảo vệ thực vật, ông Trần Thanh Tâm- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Hiện địa phương đã và đang giám sát các mã số đến thời hạn nhưng với diện tích vùng trồng lớn, mã vùng nhiều nên các huyện, thành phố mặc dù có quan tâm nhưng chưa đủ nguồn lực, vật lực để giám sát hết toàn bộ mã vùng được cấp theo yêu cầu đề ra.

Bà Ninh Thị Hoa, Trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết: Hiện nay, hệ thống văn bản về hoạt động quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa hoàn thiện đầy đủ, chưa đồng bộ nên công tác quản lý, giám sát còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhiều cơ sở sau khi được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói thiếu sự duy trì chất lượng; vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng và vi phạm về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm.

Về kinh phí triển khai, hiện mới chỉ bố trí được nguồn kinh phí để tuyên truyền tập huấn, các hoạt động như thiết lập vùng trồng, kiểm tra thực tế… hiện chưa được bố trí kinh phí. Ngoài ra, do mới được phân cấp về địa phương nên trong quá trình thực hiện công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng vẫn còn lúng túng, đặc biệt là việc giám sát sử dụng mã số.

Nâng cao nhận thức và đẩy mạnh chuyển đổi số

Tại các địa phương, nhiều giải pháp đã và đang được tích cực triển khai. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn cho biết: UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản.

Theo đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối, chủ động phối hợp triển khai, hướng dẫn cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu; cung cấp thông tin về quy định của nước nhập khẩu cho các địa phương, tổ chức, cá nhân biết để chủ động thực hiện; phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật giải quyết các trường hợp không tuân thủ theo thông báo của nước nhập khẩu; giám sát đột xuất vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được phê duyệt mã số…

Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan Đắk Lắk tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi gian lận thương mại về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu. Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội sầu riêng đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về các quy định, yêu cầu của nước nhập khẩu; vận động hội viên, nhân dân nhận thức rõ về mục đích, ý nghĩa của mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

Bên cạnh việc thay đổi nhận thức thì vấn đề thực hiện chuyển đổi số là vô cùng cần thiết để nâng cao quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Theo Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Thu Hương, hiện Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng hệ sinh thái sẵn sàng xuất khẩu.

Trong đó có website trang thông tin tổng hợp về quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm phục vụ xuất khẩu (https://sansangxuatkhau.ppd.gov.vn); cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm cơ sở dữ liệu trung tâm, phần mềm quản lý vùng trồng, phần mềm quản lý cơ sở đóng gói; nền tảng E-training platform đào tạo trực tuyến về sẵn sàng xuất khẩu, cung cấp thông tin và cấp chứng chỉ đào tạo về xuất khẩu nông sản. Cục cũng đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản chỉ đạo yêu cầu vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số phải sử dụng phần mềm quản lý theo lộ trình cụ thể.

Đối với các địa phương, cần tăng cường truyền thông nhận thức về cơ sở dữ liệu và các nền tảng hỗ trợ xuất khẩu; phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn hướng dẫn các địa phương, vùng trồng, cơ sở đóng gói triển khai sử dụng phần mềm; bố trí nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu và khai thác các nền tảng phục vụ xuất khẩu.

Ngoài ra, một vấn đề quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói là phải có hành lang pháp lý đầy đủ cả về hoạt động quản lý và xử phạt vi phạm. Do đó, Cục Bảo vệ thực vật đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hoàn thiện dự thảo Nghị định quản lý nhà nước về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để trình Chính phủ.

Từ năm 2022 đến hết tháng 7/2023, Cục Bảo vệ thực vật đã giám sát được 292 mã số vùng trồng và 68 mã số cơ sở đóng gói; trong đó, thu hồi 13 mã số vùng trồng (4,4%) và 30 mã số cơ sở đóng gói (44,1%) tại các tỉnh Bắc Giang, Đắk Nông, Đồng Tháp, Sơn La; yêu cầu khắc phục 42 mã số vùng trồng tại Bắc Giang, Đồng Nai, Long An, Hưng Yên, Lạng Sơn, Hà Nội, Kiên Giang; 13 cơ sở đóng gói tại Bắc Giang, Lạng Sơn, Hưng Yên và Hà Nội. Bên cạnh đó, còn có chương trình giám sát của nước nhập khẩu, như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản giám sát hằng năm; Australia và New Zealand giám sát 2 năm/lần; Liên minh châu Âu giám sát 3 năm/lần... Riêng thị trường Trung Quốc có những đặc thù riêng. Hằng năm, phía Trung Quốc sẽ cử chuyên gia phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật thực hiện giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xay-dung-va-quan-ly-ma-so-vung-trong-nong-san-post782270.html