Xây dựng tương lai bền vững cho đô thị ven biển

PGS. TS. KTS. Nguyễn Vũ PhươngXu hướng phát triển đô thị của Việt Nam trong tương lai là lựa chọn khu vực giáp biển. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thúc đẩy kiến trúc bền vững cùng với quy hoạch đô thị xanh, thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng tương lai cho các đô thị này.

Xu thế tất yếu

Các đô thị ven biển đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như an ninh quốc phòng của quốc gia. Cả nước có 28 đơn vị hành chính cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có biển, với dân số khoảng 19 triệu người và diện tích 56.048km2 (mật độ 340 người/km2). Trong gần 60 đô thị biển, đảo các loại từ đặc biệt, loại 1 - 5, động lực kinh tế phát triển đô thị mới chỉ dựa vào nguồn lợi hải sản, dầu khí và khai thác chế biến dưới dạng thức sơ cấp, hoặc khai thác tài nguyên thiên nhiên cảnh quan cho du lịch nghỉ dưỡng, chất lượng chưa cao nên nhiều nơi đã ảnh hưởng đến môi trường đa dạng sinh thái vùng cửa sông, ven biển.

Một góc thành phố Nha Trang. Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp

Xu hướng phát triển đô thị của Việt Nam trong tương lai là lựa chọn khu vực giáp biển; xây dựng các trung tâm đô thị mới gắn với kinh tế biển và hệ thống cảng hàng hải; tạo dựng môi trường sống có trách nhiệm với cộng đồng và môi trường, từ đó hình thành văn hóa đô thị biển văn minh, hiện đại và có bản sắc. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan gây tác động tiêu cực tới cuộc sống, sinh kế của người dân và môi trường đô thị ven biển, việc phát triển đô thị theo hướng bền vững là xu thế tất yếu. Đã đến lúc chúng ta cần có những tư duy đổi mới, đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế biển, đặt ra các yêu cầu mới về mô hình kiến trúc - đô thị bền vững, không chỉ bảo đảm sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả mà còn giúp giảm lượng khí nhà kính và bảo vệ môi trường sinh thái.

Đến nay, đã có nhiều nghị quyết và chương trình hành động quốc gia liên quan đến phát triển bền vững các đô thị ven biển như thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; quản lý chất thải và xây dựng đô thị xanh, thông minh và ứng phó với biến đổi khí hậu… Trong đó, có thể kể đến một số cơ sở pháp lý như Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22.10.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường… Các chương trình hành động mà Chính phủ đang hướng đến sẽ là những hướng dẫn quan trọng cho việc xây dựng môi trường sống bền vững vì cộng đồng và môi trường cho các đô thị ven biển.

Thúc đẩy kiến trúc bền vững, quy hoạch đô thị xanh

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu, thúc đẩy kiến trúc bền vững cùng với quy hoạch đô thị xanh, thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng tương lai cho các đô thị ven biển tại Việt Nam.

Kiến trúc bền vững là một phương pháp thiết kế và xây dựng nhằm tạo ra các công trình và không gian sống có khả năng tồn tại và phát triển trong thời gian dài mà không gây hại đến môi trường xung quanh, đồng thời không làm suy giảm tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ tương lai. Kiến trúc bền vững không chỉ tập trung vào việc tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, mà còn bảo đảm tương tác tích cực giữa con người và môi trường xung quanh. Muốn thúc đẩy kiến trúc bền vững tại các đô thị ven biển, chúng ta có thể thực hiện nhiều hành động như đề xuất và áp dụng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sự đổi mới trong lĩnh vực kiến trúc; xúc tiến việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh, phát thải carbon thấp trong xây dựng và quản lý dự án…

Kiến trúc bền vững có liên quan đến thúc đẩy công trình xanh, trung hòa carbon. Nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đức đã thực hiện Công trình cân bằng năng lượng - Zero Energy Buildings (ZEBs) nhằm giảm thiểu tác động tiêu thụ năng lượng lên môi trường, giảm chi phí vận hành và nâng cao hiệu suất của tòa nhà hoặc hệ thống. Điều này có thể thực hiện bằng cách sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguồn năng lượng tái tạo và quản lý thông minh để tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng.

Muốn thúc đẩy thực hiện các công trình cân bằng năng lượng, trung hòa carbon, Việt Nam cần xây dựng các chính sách phù hợp. Tại các đô thị ven biển, bước đầu có thể áp dụng với các công trình thương mại, dịch vụ du lịch và các hệ thống sản xuất năng lượng. Điều này cũng sẽ tạo cơ hội cạnh tranh, các mô hình đặc trưng hấp dẫn cho các điểm đến đô thị du lịch văn hóa - sinh thái biển.

Cùng với đó, cần nghiên cứu xây dựng được các mô hình quy hoạch đô thị xanh, thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu cho quá trình đô thị hóa khu vực đô thị ven biển. Mạng lưới Đô thị thông minh ASEAN (ASEAN Smart City Network, ASCN) do Singapore khởi xướng và hiện đã có 26 thành phố của 10 quốc gia ASEAN được chọn thí điểm của mạng lưới này, trong đó có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Việt Nam cũng đã có kế hoạch phát triển 100 thành phố thông minh vào năm 2025.

Khí hậu nóng ẩm và quá trình đô thị hóa là những yếu tố chính gây phát thải, nhu cầu làm mát gia tăng tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Với công nghệ phát triển hiện nay, nhiều nước đã sử dụng năng lượng tái tạo để xây dựng các hệ thống làm mát trung tâm và dẫn tới các công trình ở đô thị, tương tự như hệ thống sưởi bằng nước nóng của châu Âu đã phát triển hơn 100 năm qua. Như tại Singapore, quốc gia luôn đứng đầu trong top 20 đô thị thông minh trên thế giới đã áp dụng công nghệ và kiến thức để xây dựng và phát triển hệ thống làm mát tập trung (CDS - Cooling Districs system), qua đó giúp giảm hiện tượng đảo nhiệt đô thị, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị.
CDS là một phần quan trọng của chiến lược xây dựng đô thị thông minh và bền vững. Do đó, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm này để phát triển CDS trong dài hạn cho các phân cấp quy mô: khu công nghiệp, các khu đô thị mới ven biển và các khu kinh tế như Vân Phong - Khánh Hòa; khu kinh tế du lịch Phú Quốc, giúp giảm tải lên hệ thống điện, đồng thời tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng tái tạo ở khu vực ven biển nhiều tiềm năng.

Tựu trung, phát triển đô thị xanh, thông minh và bền vững là chủ đề phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp quản lý liên ngành trong việc ban hành và thực thi các chính sách; áp dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng và khai thác hiệu quả hệ thống dữ liệu nhằm tạo dựng không gian môi trường bền vững cho cộng đồng. Cùng với đó, cần phải đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ quản lý phát triển đô thị xanh, thông minh và ứng phó với biến đổi khí hậu ở các đô thị và địa phương.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/xay-dung-tuong-lai-ben-vung-cho-do-thi-ven-bien-i345114/