Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên

Các đại biểu đã tập trung góp ý cho các mục tiêu của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; về 3 khâu đột phá, 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trong dự thảo; đánh giá bối cảnh thực hiện; đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn nhiệm kỳ qua...

Tại phiên làm việc đầu tiên của Đại hội Công đoàn TP HCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, diễn ra sáng 22-9, 549 đại biểu tham dự đã chia thành 16 tổ thảo luận các nội dung dự thảo văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).

Trong đó, tập trung góp ý các mục tiêu của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; về 3 khâu đột phá, 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trong dự thảo; đánh giá bối cảnh thực hiện; đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn nhiệm kỳ qua.

Ngoài ra, từ kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động Công đoàn và từ địa bàn, cơ quan, đơn vị, các đại biểu đề xuất thêm những vấn đề mới, có tác động lớn đến tổ chức Công đoàn, hoạt động Công đoàn; các giải pháp, nhiệm vụ để nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong 5 năm tới.

Tổ thảo luận số 7 góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tổ thảo luận số 7 góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tại tổ 3, Đại biểu Lê Thị Kiều Oanh, cán bộ Công đoàn chuyên trách LĐLĐ quận 3, TP HCM, góp ý tại Điều 3 Điều lệ Công đoàn Việt Nam là nên cấp mã số đoàn viên, thực hiện app thay vì in thẻ Công đoàn. Bà Oanh đề xuất: "Nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động Công đoàn trong nhiệm kỳ mới là áp dụng công nghệ thông tin. Vì thế, cần thay đổi mạnh mẽ áp dụng công nghệ trong việc quản lý đoàn viên".

Đại biểu tổ thảo luận số 2 góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đại biểu tổ thảo luận số 2 góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cùng ý kiến này, Đại biểu Nguyễn Thành Tài, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Nhựa Đại Đồng Tiến (quận 5, TP HCM), phản ánh có hiện tượng người lao động đang ở một công ty là đoàn viên, khi họ chuyển công ty hết là đoàn viên. Khi qua doanh nghiệp mới, người lao động lại phải kết nạp lại, việc này vừa mất thời gian vừa gây tốn kém, bất cập trong việc quản lý đoàn viên. Vì thế, ông Tài đề nghị tổ chức Công đoàn cần chuyển đổi số trong việc quản lý đoàn viên.

Với mục tiêu đến hết nhiệm kỳ có 83% doanh nghiệp có đủ điều kiện thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể mà dự thảo văn kiện đề ra, Đại biểu Lưu Mộ Nhì, cán bộ Công đoàn chuyên trách LĐLĐ quận 5, TP HCM cho rằng chỉ tiêu này khá cao. Căn cứ vào Bộ luật Lao động mới, thỏa ước là sự thương lượng giữa 2 bên. Cán bộ Công đoàn cơ sở lãnh lương của doanh nghiệp nên rất khó thực hiện. Thực tế nhiều doanh nghiệp lấy lý do đã chăm lo tốt không cần ký kết thỏa ước nữa.

Đại biểu tổ thảo luận số 12 góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đại biểu tổ thảo luận số 12 góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Liên quan đến nhiệm vụ "Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động vào Công đoàn Việt Nam", đại biểu Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TP HCM), cho rằng dự thảo khá chi tiết khi đưa ra nhiều nhiệm vụ nhỏ trong việc thực hiện tiêu chí này. Tuy nhiên, dự thảo chưa đưa ra giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là cán bộ Công đoàn khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Do vậy, dự thảo cần bổ sung thêm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thuận tiện trong quá trình thực hiện mục tiêu đề ra.

Đại biểu Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng, góp ý dự thảo. Ảnh: MAI CHI

Đại biểu Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng, góp ý dự thảo. Ảnh: MAI CHI

Góp ý dự thảo, Đại biểu Liêu Quang Vinh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam (TP Thủ Đức, TP HCM), cho rằng ngoài công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn, cần tạo sân chơi riêng cho đội ngũ cán bộ Công đoàn để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Với sân chơi này, cán bộ Công đoàn có thể tiếp nhận được những bài học thực tế nhất mà đôi khi không có trong sách vở, quy định nào.

Bên cạnh đó, không chỉ quan tâm đến các Công đoàn cơ sở có số lượng đoàn viên đông mà cũng phải có cơ chế hỗ trợ cho cán bộ Công đoàn ở những đơn vị có số lượng đoàn viên ít (dưới 25 người). Vì thực tế các cán bộ Công đoàn ở đây yếu về kiến thức pháp luật, không phát huy được vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doàn viên, người lao động. Cán bộ Công đoàn chuyên trách phải phát huy được vai trò dìu dắt, gắn kết cán bộ Công đoàn theo từ từng cụm đến liên cụm…

Đồng thời, cần thêm sắc màu Công đoàn ở các doanh nghiệp quy mô nhỏ đang vắng hình bóng Công đoàn bằng việc thực hiện các hoạt động có quy mô nhỏ phù hợp với năng lực, nguồn nhân lực của cơ sở, thu hút đoàn viên tham gia, tạo dựng niềm tin Công đoàn với người lao động. "Khi đã có bản sắc Công đoàn và niềm tin của người lao động đối với tổ chức thì sự xuất hiện của tổ chức đại diện người lao động mới sẽ không còn là vấn đề" - ông Vinh nói

Đại biểu Liêu Quang Vinh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam góp ý dự thảo. Ảnh: MAI CHI

Đại biểu Liêu Quang Vinh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam góp ý dự thảo. Ảnh: MAI CHI

Đại biểu Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP HCM), chia sẻ trong bối cảnh sắp tới sẽ có nhiều tổ chức đại diện người lao động được thành lập trong các doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn đang đặt ra cho đội ngũ cán bộ Công đoàn rất nhiều trọng trách, nhưng chưa chú trọng đến công tác chăm lo, nâng chất cho cán bộ Công đoàn, hay tạo điều kiện đủ đầy cho cán bộ Công đoàn phát triển toàn diện.

Theo ông An, tổ chức Công đoàn cần lưu ý nội dung này và đưa vào phương hướng nhiệm kỳ tới. Có như vậy mới tạo được động lực cho người cán bộ Công đoàn yên tâm công tác, không bị tác động bởi tổ chức khác.

Đại biểu Đỗ Đình Thụy, LĐLĐ huyện Củ Chi, TP HCM, cho biết hiện tổ chức Công đoàn thực hiện rất tốt chức năng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhưng đối với chức năng đại diện, bảo về quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên – lao động chưa thực sự phát huy tốt. Khi xảy ra tranh chấp lao động, cán bộ Công đoàn cơ sở vốn đang hưởng lương từ doanh nghiệp nên không thể đứng ở phía đối trọng với chủ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Công đoàn hiện chủ yếu dừng lại ở bước tham gia hòa giải tranh chấp lao động, trường hợp hòa giải không thành, người lao động phải tự thực hiện các thủ tục tiếp theo nếu muốn khởi kiện ra tòa đòi quyền lợi. Điều này đối với người lao động là việc làm rất khó khăn.

"Tôi cho rằng, tổ chức Công đoàn cần quan tâm vấn đề này, nên có quy định cụ thể hướng dẫn Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở về quy định tố tụng nhằm hỗ trợ cho người lao động đòi quyền lợi chính đáng, từ đó khẳng định vai trò đại diện, bảo vệ của tổ chức Công đoàn nhất là trong bối cảnh sắp tới sẽ có thêm tổ chức đại diện người lao động bên cạnh tổ chức Công đoàn" - ông Thụy đề xuất.

Bài: NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/xay-dung-to-chuc-cong-doan-vung-manh-xung-dang-la-cho-dua-tin-cay-cua-doan-vien-20230922140240644.htm