Xây dựng thương hiệu "Diệp Hạ Châu Cát Tiên"

Về Cát Tiên (Lâm Đồng) những ngày này, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những cánh đồng Diệp Hạ Châu (còn gọi là cây chó đẻ) cực kỳ xanh tốt thay cho những cánh đồng lúa chín vàng như vẫn thường thấy trước đó.

Thấy lạ, tôi trao đổi với ông Huỳnh Văn Đẩu, còn có biệt danh khá thân thuộc với bà con nơi đây là “ông Sáu Đẩu” – Bí thư Huyện ủy Cát Tiên (Lâm Đồng) thì mới ngỡ ngàng: Sau khi Cát Tiên làm thành công thương hiệu Gạo Cát Tiên nức tiếng, thì huyện cũng đang nỗ lực sản xuất ra một loại cây trồng mang tính đột phá và đầy thế mạnh, đó là cây Diệp Hạ Châu.

Triển vọng từ mô hình mới

Gặp tôi, ông Sáu Đẩu phấn khởi cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI, nhiệm kỳ 2010-2015 và kết luận của Huyện ủy Cát Tiên về một số chủ trương, định hướng lớn phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 – 2015 và những năm tiếp theo.

Theo đó Cát Tiên đã xác định phải chuyển đổi một số diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang phát triển cây dược liệu Diệp Hạ Châu, nhằm tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, tạo thu nhập cao cho người nông dân. Đồng thời, việc phát triển vùng nguyên liệu hàng hóa đặc trưng này sẽ phát huy lợi thế của địa phương, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm “Diệp Hạ Châu Cát Tiên” để quảng bá trong và ngoài nước.

Là người rất tâm huyết với việc chuyển đổi cây trồng này, ông Sáu Đẩu tâm sự: Diệp Hạ Châu còn gọi là cây chó đẻ thân xanh hay chó đẻ răng cưa (có tên khoa học là Phyllanthus amarus Schum. Et Thonn) thuộc họ thầu dầu (Euphorbiales) là vị thuốc quý được dùng nhiều trong y học cổ truyền để điều trị các bệnh về gan, đái tháo đường và sỏi thận...

Hiện nay, cây Diệp Hạ Châu đã được nhiều nơi chế biến, sản xuất thuốc trị bệnh về gan, mụn nhọt... dưới nhiều dạng như trà túi lọc, trà thuốc, cao lỏng, viên nang mềm, viên nang cứng, viên nén…

Từ nhiều năm trước, ông Sáu Đẩu đã âm thầm cho tìm giống Diệp Hạ Châu về trồng thử với diện tích 1,5 ha tại 2 xã Tư Nghĩa và Mỹ Lâm. Thật bất ngờ, cây Diệp Hạ Châu nơi đây cho năng suất tới trên 3 tấn/ha.

Ngạc nhiên hơn, kết quả của mô hình thử nghiệm cho thấy cây Diệp Hạ Châu rất hợp với vùng đất Cát Tiên và các hàm lượng dược chất trong cây qua phân tích đều rất cao (cao hơn từ 1,8 đến 3,1 lần so với hàm lượng dược chất của cây Diệp Hạ Châu được trồng ở khu vực khác).

Sẽ tạo thương hiệu riêng

Từ cơ sở thành công của mô hình sản xuất thử nghiệm, đầu năm 2013, ông Sáu Đẩu cùng lãnh đạo huyện Cát Tiên quyết định cho triển khai nhân rộng sản xuất cây Diệp Hạ Châu theo quy trình VietGAP với diện tích 100 ha.

Bên cạnh đó, huyện cũng đồng loạt cho triển khai các đề tài khoa học nghiên cứu, sản xuất cây Diệp Hạ Châu và ban hành các quy trình kỹ thuật sản xuất để áp dụng đồng bộ vào sản xuất, tạo nguồn sản phẩm hàng hóa đặc trưng cho địa phương.

Để hiệu quả của chương trình đạt như kỳ vọng, Cát Tiên còn liên kết chặt chẽ với Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng (thuộc Sở KH- CN Lâm Đồng) để chuẩn bị chế biến sản phẩm trà túi lọc Diệp Hạ Châu.

Lãnh đạo huyện Cát Tiên thăm cánh đồng Diệp Hạ Châu

Theo ông Sáu Đẩu, tiến tới bước này sẽ mở ra một hướng đi mới trong việc trồng - chế biến - tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu “Trà túi lọc Diệp Hạ Châu made in Cát Tiên”. Ông Sáu rất tự tin và kỳ vọng: Mình ở vùng rốn lũ, hằng năm bà con chịu quá nhiều ảnh hưởng từ thiên tai lũ lụt thì cũng phải tạo ra một cái gì đó rất …Cát Tiên để bà con được nhờ.

Theo như tính toán của huyện Cát Tiên, khi mà dự án phát triển vùng dược liệu Diệp Hạ Châu sản xuất ra các sản phẩm phục vụ cho sức khỏe con người thì thu nhập trung bình sẽ đạt ít nhất từ 70 - 100 triệu đ/ha và có thể hơn nữa. Thu nhập này sẽ hiệu quả hơn nhiều so với trồng lúa, đồng thời công việc lại nhẹ nhàng.

Từ những quyết tâm cao, hiện nay Cát Tiên đang triển khai mở rộng diện tích sản xuất cây Diệp Hạ Châu và tập trung xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm thị trường.

Trước mắt huyện đang tổ chức việc liên kết với các công ty dược trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm. Theo định hướng đến năm 2015, Cát Tiên sẽ phát triển, sản xuất ổn định cây Diệp Hạ Châu theo quy trình VietGAP với diện tích 200 ha và có thể tăng hơn nhiều vào những năm sau đó.

Đến nay, huyện đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư phát triển - sản xuất; đồng thời, đổi mới phương thức sản xuất, hình thành các tổ hợp tác, HTX để sản xuất quy mô tập trung, tạo nguồn sản phẩm hàng hóa lớn cung ứng cho thị trường…

Ông Sáu Đẩu khẳng định: Dù có khó khăn đến mấy thì toàn huyện cũng sẽ quyết tâm vượt qua để từ nay đến năm 2014, Cát Tiên sẽ có thương hiệu “Diệp Hạ Châu made in Cát Tiên” chất lượng cao đưa ra thị trường.

Những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên địa bàn, huyện Cát Tiên đã tạo ra bước đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp đạt trên 10%; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt trên 50 triệu đ/ha; đồng thời bước đầu triển khai có hiệu quả chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với ứng dụng công nghệ cao.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/15/111831/xay-dung-thuong-hieu-diep-ha-chau-cat-tien.aspx