Xây dựng thư viện trường học thân thiện

Để tạo môi trường nghiên cứu, học tập, giải trí lành mạnh, phát triển văn hóa đọc, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, các nhà trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang quan tâm xây dựng thư viện theo tiêu chí thân thiện, hiện đại.

Nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung nguồn sách

Hằng tuần, em Nguyễn Thu Thảo, lớp 2A6, Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang) luôn hào hứng mỗi khi đến giờ đọc sách tại thư viện nhà trường. Nơi đây sạch đẹp, rộng rãi, có nhiều sách báo cho em lựa chọn. Em Thảo nói: “Em thích đọc những quyển truyện tranh, truyện cổ tích và các tờ báo: Chăm học, Nhi đồng cười vui, Khoa học khám phá. Sau khi đọc, chúng em được cô giáo hướng dẫn vẽ tranh theo cốt truyện hoặc kể lại cho các bạn cùng nghe. Giờ ra chơi, chúng em thường lên thư viện mượn truyện về lớp, về nhà đọc”.

Giờ đọc sách tại thư viện Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên.

Thư viện có diện tích hơn 120 m2 gồm hai phòng đọc dành cho giáo viên, học sinh và kho sách báo, tài liệu với gần 10 nghìn bản được sắp xếp khoa học, ngăn nắp. Không gian sạch đẹp, thân thiện, trên bàn và giá sách trang trí những chậu cây xanh, giỏ hoa. Được biết, hằng năm, nhà trường dành kinh phí bổ sung trang thiết bị, sách báo, tài liệu và huy động phụ huynh, học sinh ủng hộ sách cho thư viện. Nhờ đó, không chỉ thư viện trường khang trang, nguồn sách phong phú mà tại 42 lớp học đều xây dựng được tủ sách riêng phục vụ học sinh mượn, đọc.

Toàn tỉnh có 751 thư viện tại 751 cơ sở giáo dục ở các bậc học. Cơ bản các thư viện đáp ứng được điều kiện về số lượng sách và học liệu điện tử, diện tích cùng thiết bị chuyên dùng như máy tính kết nối Internet, phần mềm quản lý, bố trí nhân viên làm công tác thư viện.

Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), những năm gần đây, các trường tập trung xây dựng trường chuẩn quốc gia, trong đó quan tâm bảo đảm thư viện, phòng đọc đạt chuẩn, tăng số lượng sách báo, thu hút bạn đọc.

Hiện toàn tỉnh có 751 thư viện tại 751 cơ sở giáo dục ở các bậc học. Cơ bản các thư viện đáp ứng được điều kiện về số lượng sách và học liệu điện tử, diện tích cùng thiết bị chuyên dùng như máy tính kết nối Internet, phần mềm quản lý và bố trí nhân viên làm công tác thư viện. Hiện tất cả các trường tiểu học trong tỉnh đã xây dựng mô hình thư viện thân thiện. Tại thư viện, sách, báo được sắp xếp, phân loại phù hợp với trình độ, sở thích của học sinh ở các khối lớp, tạo thuận lợi cho các em tiếp cận, sử dụng.

Hằng năm, nhiều trường bổ sung sách hay, đa dạng, hấp dẫn phù hợp với nhu cầu và tâm lý lứa tuổi học sinh. Tài liệu tham khảo chuyên môn, tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp cũng được các trường chú trọng đầu tư thường xuyên nhằm phục vụ công tác dạy và học. Đặc biệt, nhiều trường đã trang bị sách tiếng Anh mới, sách kỹ năng sống nhằm hỗ trợ việc tự học, tự ôn luyện và nâng cao kỹ năng sống cho học sinh. Quá trình xây dựng thư viện trường học được nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân chung tay.

Từ năm 2015 đến năm 2020, tổ chức Room To Read (tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục) hỗ trợ 40 trường học trong tỉnh xây dựng, duy trì mô hình thư viện thân thiện với mức 100 triệu đồng mỗi trường. Hằng năm, từ nguồn vận động xã hội hóa, Thư viện tỉnh tặng hàng nghìn cuốn sách cho thư viện trường học. Năm 2023, Đoàn Thanh niên Báo VietNamNet phối hợp với Viện nghiên cứu Truyền thống và Phát triển tặng 2 thư viện điện tử cho hai điểm trường tại xã Sơn Hải (Lục Ngạn).

Cô giáo Nguyễn Thị Hương, cán bộ thư viện Trường THCS xã Cao Xá (Tân Yên) cho biết: “Hằng năm, cùng với nguồn kinh phí của nhà trường, nhiều phụ huynh, doanh nghiệp, cá nhân tại địa phương ủng hộ hàng trăm cuốn sách cho thư viện. Hiện nay, thư viện trường có gần 7 nghìn bản sách báo, tài liệu các loại đáp ứng nhu cầu sử dụng của giáo viên và học sinh”.

Giáo dục các em thêm yêu sách

Cơ sở vật chất, thiết bị tại thư viện khang trang, đầy đủ tạo điều kiện cho các trường học tổ chức hiệu quả hoạt động giáo dục, phát triển văn hóa đọc. 100% trường tiểu học tổ chức tiết đọc, tiết học tại thư viện. Cô giáo Thân Thị Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên cho biết: “Hằng tuần, các lớp đều có tiết đọc sách trên thư viện theo thời khóa biểu. Giáo viên hướng dẫn học sinh đọc sách theo nhóm, cá nhân rồi vẽ tranh hoặc kể lại chuyện và có các hình thức khen thưởng những em làm tốt để khuyến khích học sinh đọc sách”.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện trường học, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, từ năm 2021, Sở GD&ĐT có công văn hướng dẫn công tác thư viện trong trường học. Nhiều trường bắt đầu xây dựng thư viện điện tử nhằm bắt kịp xu thế phát triển của xã hội, thực hiện chuyển đổi số toàn diện như: THPT Ngô Sĩ Liên, THCS Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang), THPT Tân Yên số 1, THCS Thị trấn Thắng (Hiệp Hòa)… từng bước bổ sung máy tính có kết nối mạng Internet phục vụ xây dựng thư viện điện tử, hỗ trợ học sinh tự học, tự tra cứu thông tin, tài liệu, đọc sách online.

Trong đó, Thư viện Nguyễn Tất Thành tại Trường THPT Ngô Sĩ Liên đã xây dựng thư viện điện tử giúp giáo viên, học sinh có thể tra cứu hơn 1 nghìn tài liệu, sách báo dưới dạng ảnh chụp, sách nói bằng thao tác quét mã QR. Nhân dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hằng năm, giáo viên, học sinh nhà trường tham gia gian trưng bày sách và trải nghiệm ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động thư viện. Câu lạc bộ Sách và hành động của nhà trường tổ chức cuộc thi tuyên truyền, giới thiệu sách; thi kể chuyện, xếp sách nghệ thuật hoặc tặng sách cho đoàn viên thanh niên, học sinh.

Tại nhiều thư viện bố trí các góc hoạt động như: Góc trò chơi phát triển ngôn ngữ, tra cứu, sáng tạo; giới thiệu sách mới, khuyến khích học sinh đọc nhiều loại sách khác nhau và phát huy tính sáng tạo của các em. Việc đầu tư xây dựng thư viện chuẩn đã góp phần xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Hiện nay, toàn tỉnh có 95,2% trường chuẩn quốc gia trong đó có 26,5% trường chuẩn mức độ 2.

Theo đồng chí Đào Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Sở tiếp tục chỉ đạo các trường nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học, trong đó xây dựng thư viện bảo đảm tiêu chí để đến năm 2025 toàn tỉnh có 97,3% trường đạt chuẩn quốc gia. Các trường chú trọng củng cố thư viện, tổ chức những hoạt động thiết thực giúp học sinh hình thành, phát triển thói quen đọc sách, biết cách tìm kiếm và chọn lọc sách, thông tin phù hợp với nhu cầu đọc nhằm bổ trợ tốt cho việc học. Yêu cầu đặt ra là cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên thư viện biết cách tổ chức, quản lý hoạt động thư viện nhằm xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường và lan tỏa rộng rãi. Các hoạt động thư viện trong trường học bảo đảm thân thiện, an toàn, dễ tiếp cận và đa dạng, lấy học sinh làm trung tâm, thu hút được sự tham gia của gia đình, cộng đồng. Đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng, tổ chức hoạt động, quyên góp sách và các nguồn học liệu cho thư viện.

Vi Lệ Thanh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/xay-dung-thu-vien-truong-hoc-than-thien-082432.bbg