Xây dựng Thủ đô thêm xanh

Nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh 'Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân', người dân Thủ đô tích cực tham gia Tết trồng cây.

Năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu trồng hơn 400.000 cây xanh đô thị, cây ăn quả; trồng bổ sung 20-30ha rừng và bảo vệ diện tích rừng hiện có, tiếp tục góp phần xây dựng Thủ đô thêm xanh, sạch, đẹp hơn mỗi ngày.

Mùa xuân là Tết trồng cây

Thời điểm này, từ quận đến huyện, trong các cơ quan, đơn vị, trường học của Hà Nội không khí phấn khởi của Tết trồng cây đã thu hút rất nhiều tầng lớp nhân dân cùng tham gia, làm đẹp thêm môi trường sống. Mỗi gốc cây được trồng xuống là một niềm hy vọng, một khí thế mới đón chào mùa xuân.

Tết trồng cây năm nay, cán bộ, nhân dân xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai trồng hàng trăm cây xanh trên các tuyến đường quanh xã. Từ sáng sớm, người dân đã nhộn nhịp chuẩn bị cuốc, xẻng, cọc tre, xe kéo... chở những bầu cây non, tập kết dọc con đường bê tông. Ai ai cũng hồ hởi, đồng lòng chung sức xây dựng, cải tạo cảnh quan, môi trường nông thôn. Chia sẻ về hoạt động trồng cây đầu năm, ông Hoàng Tiến Lợi ở xã Yên Sơn cho rằng: “Tết trồng cây là hoạt động xã hội rất đặc biệt. Bác Hồ nói Tết trồng cây ý muốn nói đây là hoạt động lặp đi lặp lại, song hành với đời sống con người, chúng ta phải làm suốt cuộc đời. Bà con nhân dân đã thực hiện cải tạo vườn tạp, đẩy mạnh trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cho người dân. Hơn nữa, người xưa có câu “Tháng Giêng rét đài, tháng Hai rét lộc” nên đây là thời điểm rất thuận lợi để trồng cây”.

Nhiều khu vực của Hà Nội rợp bóng cây.

Tết trồng cây là nét đẹp văn hóa của dân tộc, cũng là để mở đầu một năm mới tạo ra không khí sôi nổi, thiết thực. Bà Nguyễn Thị Hoan, người dân xã Yên Sơn chia sẻ: “Diện tích đất ở trong các gia đình ngày càng thu hẹp. Để tạo không gian xanh, nhiều năm nay, gia đình tôi trồng hoa, cây cảnh trong chậu. Thuận thời tiết “tháng Hai cắm mai cũng mọc”, gia đình tôi trồng thêm cây vừa thư giãn, vừa làm đẹp ngôi nhà”.

Ngoài việc tiến hành công tác tuyên truyền tới các cấp, ngành và thế hệ trẻ trong huyện về ý nghĩa thiết thực của Tết trồng cây, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai nhấn mạnh việc yêu cầu các đơn vị, địa phương bố trí khu vực trồng cây và chọn cây trồng phù hợp, với tinh thần thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức. Thực hiện đúng tinh thần của Bác Hồ, các đơn vị phấn đấu trồng cây nào sống cây đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho một đơn vị chăm sóc đúng kỹ thuật, bảo vệ an toàn cây mới trồng. Theo kế hoạch, năm 2023, huyện Quốc Oai trồng 3.000 cây bóng mát, 10.000 cây ăn quả các loại và trồng mới, trồng bổ sung 10ha rừng...

Góp phần tô đẹp Thủ đô

Nhờ đẩy mạnh trồng cây, đến nay, nhiều tuyến đường ở huyện Ba Vì luôn rợp bóng hàng cây xanh, đường hoa đẹp mắt. Ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì cho biết: “Năm qua, mô hình “Hàng cây nông dân” đã giúp các xã của huyện thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Mô hình đã thu hút hơn 5.000 lượt cán bộ, hội viên tham gia, thực hiện được 46 mô hình “Hàng cây nông dân” với tổng chiều dài hơn 13.000m, tương ứng với 2.749 cây được trồng, trị giá hơn 1,2 tỷ đồng”.

Là một quận nội thành có tốc độ đô thị hóa nhanh, quận Đống Đa có mật độ dân số cao, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, quỹ đất hạn chế nên việc quy hoạch, bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh trên địa bàn quận gặp nhiều khó khăn. Khẳng định quyết tâm hưởng ứng phong trào trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ và phong trào Tết trồng cây do Chủ tịch UBND thành phố phát động, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết: “Quận Đống Đa luôn xác định việc trồng và chăm sóc, bảo vệ cây xanh là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, thúc đẩy phong trào thi đua hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội hằng năm của quận. Giai đoạn 2021-2025, quận tập trung cải tạo, chỉnh trang đồng bộ hạ tầng 7 tuyến phố. Hiện toàn quận có hơn 25.700 cây bóng mát, 15.000 cây hoa, cây bụi, 27.000m2 thảm cỏ các loại. Các cây đều phát triển và sinh trưởng tốt, cảnh quan đô thị trên địa bàn quận ngày càng xanh, đẹp và đồng bộ hơn”.

Theo Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 18-1-2023 tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão 2023 của UBND TP Hà Nội, Hà Nội đề ra mục tiêu trồng mới 200.000-250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến giao thông đô thị; trồng 200.000 cây ăn quả; trồng mới, trồng bổ sung 20-30ha rừng; chăm sóc 3.546ha rừng trồng; quản lý, bảo vệ 6.483ha rừng phòng hộ, đặc dụng. Lễ phát động Tết trồng cây Xuân Quý Mão 2023 được các địa phương kết hợp tổ chức lồng ghép vào lễ hội đầu xuân. Địa điểm tổ chức phát động phong trào trồng cây là các khu di tích lịch sử, văn hóa, các khu đô thị mới, các công trình công cộng, trường học, bệnh viện, công viên, ven trục giao thông; bảo đảm đa dạng về chủng loại, duy trì phát triển cây bản địa, bổ sung giống, loài cây nhập nội mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đất đai địa bàn thành phố...

Là Thủ đô nhưng Hà Nội vẫn còn hơn 27.000ha rừng. Tết trồng cây cũng chính là sự khởi đầu cho các hành động bảo vệ rừng. Hoạt động không chỉ nêu cao ý thức gìn giữ “lá phổi xanh” cho thành phố, làm cân bằng sinh thái, mang lại giá trị kinh tế mà còn trở thành nét đẹp văn hóa, tô đẹp thêm làng quê, góc phố của Hà Nội. Qua đó, góp phần quan trọng, thiết thực vào công cuộc xây dựng, phát triển bền vững Thủ đô và đất nước.

Bài và ảnh: HÀ TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/xay-dung-thu-do-them-xanh-718093