Xây dựng quy trình đấu giá chặt chẽ, khoa học, tiến bộ

Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung so với Luật hiện hành. Đóng góp ý kiến với dự thảo Luật, nhiều đại biểu Quốc hội yêu cầu, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định để xây dựng một quy trình, thủ tục đấu giá chặt chẽ, khoa học, tiến bộ, qua đó, tạo điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động này.

Sẽ ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động đấu giá như thế nào?

Trong bản dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu giữ nguyên các quy định của Luật hiện hành đang còn phù hợp và phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Dự thảo Luật cũng sửa đổi 25 điều, bổ sung một điều mới, qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tổ chức đấu giá và hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Một điểm nổi bật, theo Chủ tịch Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa, các quy định được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, địa phương khi áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá tài sản chung với một số tài sản đặc thù (quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện). “Những quy định tại dự án Luật đã giúp tăng cường sự công khai, minh bạch, khắc phục phần nào những sơ hở, bất cập, chồng chéo, có nguy cơ tạo ra tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong hoạt động đấu giá tài sản, góp phần khơi thông nguồn lực của đất nước, xử lý tài sản…”, ông Nguyễn Tiến Thỏa nhận định.

Trên thực tế, Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định trình tự, thủ tục đấu giá các loại tài sản được pháp luật quy định phải thông qua đấu giá. Từ góc độ này, ĐBQH Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cho rằng, quy trình, thủ tục đấu giá tài sản được quy định tại một số điều khoản trong dự thảo Luật còn lạc hậu, vẫn hoàn toàn theo kiểu... thủ công. Vậy với dự thảo Luật này, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động đấu giá như thế nào?

ĐBQH Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cho ý kiến với dự án Luật tại thảo luận tổ

“Với hoạt động đấu giá biển số xe vừa qua, người tham gia đấu giá không phải đến tận nơi xem biển số xe như thế nào. Nếu quy định như dự thảo Luật và giao cho Chính phủ hướng dẫn thì không thể hướng dẫn được, không thể hiện thực hóa được. Vì theo dự thảo Luật, đối với đấu giá đất đai thì mời người đấu giá đất đai đến “xem trực tiếp” mảnh đất được đấu giá. Nếu đấu thầu qua mạng thì “xem trực tiếp” như thế nào? Bây giờ có rất nhiều hình thức đấu giá, người ta có thể ngồi ở bất cứ nơi đâu, thậm chí là ở nước ngoài cũng vẫn tham gia đấu giá được”. Do đó, ĐBQH Nguyễn Hữu Toàn đề nghị, nên sửa đổi toàn diện Luật Đấu giá tài sản, bảo đảm ứng dụng công nghệ vào hoạt động đấu giá.

Bổ sung trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án

Bản dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu đã thực hiện được nhiều mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, trong Luật hiện hành và dự thảo Luật lần này đều chưa có quy định về thủ tục riêng cho việc đấu giá tài sản thi hành án, do đó có thể sẽ gây khó khăn cho quá trình thực hiện.

Theo ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình), thời gian để đưa tài sản thi hành án ra bán đấu giá thường kéo dài từ lúc kê biên, thỏa thuận giá, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá. Trường hợp bán đấu giá không thành sẽ giảm giá tài sản để tiếp tục bán. Mỗi hành vi, công việc nêu trên của chấp hành viên, của các tổ chức, cơ quan đều có thể bị chủ tài sản, người phải thi hành án khởi kiện, tố cáo và quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo mất rất nhiều thời gian.

Nhiều trường hợp người dân sợ rủi ro khi mua tài sản thi hành án, nên việc bán đấu giá tài sản thi hành án thường tổ chức rất nhiều lần mà chưa có người mua. Trong khi đó, ngay cả khi bán đấu giá thành, thì không ít trường hợp người phải thi hành án, chủ tài sản chống đối bằng nhiều hình thức, dẫn đến chậm bàn giao tài sản cho người mua. Điều này kéo theo quyền lợi của người được thi hành án, người trúng đấu giá bị ảnh hưởng, cơ quan thi hành án đối mặt với nguy cơ khiếu nại, tố cáo và bồi thường nhà nước. Do vậy, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung các quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án trong dự thảo Luật.

ĐBQH Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) phát biểu tại Tổ

Từ thực tế công tác thi hành án, ĐBQH Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) cho rằng, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung hủy kết quả đấu giá trong trường hợp đã có quyết định bản án hoặc quá trình cưỡng chế kê biên có vi phạm pháp luật dẫn đến đầu vào đấu giá có sai sót (Điều 72, Luật Đấu giá tài sản hiện hành).

“Thực tiễn đã có những vụ việc quá trình đấu giá tài sản không có vi phạm gì, nhưng trong quyết định hành chính để tịch thu hay bản án có quyết định tịch thu, đặc biệt trong thực hiện cưỡng chế kê biên tài sản có vi phạm mà vẫn đưa tài sản đó ra đấu giá sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Bởi, về nguyên tắc và theo quy định hiện hành thì không có cơ sở để hủy kết quả đấu giá, nên phải thực hiện bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá ngay thẳng thì phải bàn giao. Nhưng nếu bàn giao tài sản này thì cơ quan Nhà nước sẽ phải bồi thường cho người trúng đấu giá, rất khó khăn, nên địa phương không bao giờ dám triển khai nội dung này”.

Dẫn ra ví dụ trên, đại biểu Lê Tất Hiếu đề nghị, cần bổ sung vào Điều 72, dự thảo Luật về hủy kết quả đấu giá trong trường hợp đã có quyết định nhưng bản án hoặc quá trình cưỡng chế kê biên có vi phạm pháp luật dẫn đến đầu vào đấu giá có sai sót. Nếu quy định như vậy, sẽ có cơ sở xem xét trách nhiệm của các cơ quan có vi phạm pháp luật trong các khâu trước.

Một trong những mục tiêu đề ra với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đó là phải đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, góp phần chấn chỉnh lại và tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản, tạo cơ sở cho người có tài sản lựa chọn tổ chức đấu giá một cách công khai, minh bạch, hạn chế "sân sau", tiêu cực.

Để thực hiện mục tiêu này, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan cần tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để có thể xây dựng được một quy trình đấu giá chặt chẽ, khoa học và tiến bộ.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/xay-dung-quy-trinh-dau-gia-chat-che-khoa-hoc-tien-bo-i359183/