Xây dựng phong trào thi đua theo đặc trưng nghề nghiệp

Phát động các phong trào thi đua mang tính đặc trưng nghề nghiệp và luôn nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của NLĐ đang là cách làm hiệu quả được các cấp CĐ ở Điện Biên quán triệt, áp dụng.

Đối với phong trào thi đua, các cấp CĐ căn cứ tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị xây dựng nội dung tổ chức thực hiện triển khai cho đoàn viên LĐ đăng ký thi đua, tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa các khối. Các phong trào thi đua được phát động thành từng đợt chào mừng các ngày lễ, ngày kỷ niệm, các sự kiện chính trị đã thu hút đông đảo CB, đoàn viên CNVCLĐ tham gia đạt nhiều kết quả thiết thực. Ngoài các phong trào trọng tâm, các cấp CĐ còn phát động các phong trào thi đua mang tính đặc trưng nghề nghiệp như: Khối hành chính đẩy mạnh phong trào thi đua cải cách hành chính gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; xây dựng người cán bộ CCVC “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”; phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Khối sự nghiệp, đẩy mạnh phong trào “Dạy tốt, học tốt” gắn với cuộc vận động “Hai không - Bốn nội dung”; xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong ngành giáo dục; phong trào “thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp” trong CB ngành y tế. Phong trào thi đua “CB ngân hàng giỏi, có trí tuệ, an toàn, chất lượng, hiệu quả” của CĐCS khối Ngân hàng. Khối SXKD với phong trào “LĐ giỏi, tăng năng suất LĐ, tiết kiệm vật tư, nâng cao chất lượng công trình, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch”… Các đoàn viên, NLĐ ở mỗi lĩnh vực đều tìm thấy động lực trong phong trào thi đua ở đơn vị vì có tính nghề nghiệp cao. Với sự hưởng ứng đó, hằng năm có hàng trăm tập thể, hàng ngàn cá nhân điển hình tiên tiến, hàng ngàn sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, vào lĩnh vực quản lý, công tác; nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn làm lợi hàng chục tỉ đồng. Theo ông Hoàng Ngọc Vinh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Điện Biên - chính việc tận dụng được tính đặc trưng nên phong trào thi đua nào cũng mang lại hiệu quả, minh chứng cho điều này là hằng năm có tới 80% số tập thể và 90% số cá nhân đạt LĐ tiên tiến, 15% đạt chiến sĩ thi đua các cấp.
Chia sẻ về kinh nghiệm này, ông Hoàng Ngọc Vinh cho biết, để xây dựng được phong trào thi đua đặc trưng tính nghề nghiệp, CB CĐ cần có sự hiểu biết sâu sắc về đơn vị, bao gồm cả quá trình vận hành, từ đó phối hợp với chuyên môn đề ra những tiêu chí thi đua. Yếu tố này làm cho NLĐ thấy phong trào thi đua này là của riêng đơn vị mình; không dập khuôn, sao chép của đơn vị khác. Điều này sẽ tạo thêm hứng khởi cho NLĐ thi đua.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cach-lam-hay/xay-dung-phong-trao-thi-dua-theo-dac-trung-nghe-nghiep-591131.bld