Xây dựng nông thôn mới ở xã Suối Cát: Niềm vui và những trăn trở

Năm 2021, xã Suối Cát (huyện Cam Lâm) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Tuy vậy, xã đang gặp một số khó khăn, cần sự chung tay hỗ trợ từ nhiều phía để duy trì đạt chuẩn.

Tháng 7-2022, xã Suối Cát tổ chức lễ công bố quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2021. Với 19 tiêu chí đạt được đã giúp xã thay da đổi thịt. Ông Phan Văn Toàn (thôn Tân Xương 1) cho biết, từ chỗ đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư bài bản, đến nay diện mạo nông thôn của xã hoàn toàn thay đổi; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Đến nay, hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế đã được quan tâm đầu tư, phục vụ tốt cho đời sống, sinh hoạt của người dân trong xã. Ông Mang Tính (thôn Suối Lau 1) chia sẻ, người dân trong thôn hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Hiện nay, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, người dân đã có ý thức nỗ lực vươn lên thoát nghèo, tích cực chuyển đổi cây trồng, phát triển sản xuất, từng bước khắc phục khó khăn, nâng cao đời sống.

Xã Suối Cát đón bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo ông Lê Thành Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Cát, 9 tháng năm 2023, toàn xã sản xuất 146ha lúa vụ đông xuân và hè thu; một nửa trong số đó là sản xuất lúa giống theo đơn đặt hàng, cho thu nhập ổn định với mức cao hơn so với sản xuất thông thường. Xã có 800ha cây ăn quả, chủ yếu là xoài, chuối... đang phát triển tốt. Cùng với trồng trọt, người dân trên địa bàn xã còn có thu nhập từ việc đi làm công nhân tại các doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Suối Dầu; một số hộ dân xây dựng các mô hình du lịch sinh thái, khu du lịch suối khoáng nóng, các điểm vui chơi… để đa dạng sinh kế, tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, trong số gần 3.000 hộ dân với hơn 11.000 nhân khẩu của xã, vẫn còn nhiều hộ gặp khó khăn, nhất là khoảng 620 hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống kinh tế bấp bênh, nguy cơ tái nghèo. Ngoài ra, sau khi xã đạt chuẩn NTM, nhiều học sinh dân tộc thiểu số không còn được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước gây khó khăn cho các gia đình và trường học.

Bà Võ Thị Thanh Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Hòa - Jeju cho biết, trường có 305 học sinh dân tộc thiểu số. Những năm học trước, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, 100% học sinh của trường đều ở lại ăn bán trú, giúp các gia đình yên tâm cho con tới trường, bám trường bám lớp. Tuy nhiên, khi đạt chuẩn NTM, xã chỉ còn thôn Suối Lau 3 thuộc diện thôn đặc biệt khó khăn nên 131 học sinh của thôn này được hưởng chế độ hỗ trợ; số còn lại không còn được hỗ trợ tiền ăn 260.000 đồng/tháng và chi phí học tập 70.000 đồng/tháng, phải tự túc chi phí bán trú và sách vở, dụng cụ học tập. Trong khi đó, nhiều gia đình còn khó khăn nên không hộ nào đăng ký bán trú cho con em mình khi không còn chính sách hỗ trợ của Nhà nước; nhiều em nhà cách xa gần 3km nên mỗi ngày có khoảng 10 - 15% học sinh ra về buổi trưa và nghỉ luôn buổi chiều, các thầy, cô giáo phải đến từng nhà vận động các em trở lại lớp. Phần lớn học sinh mầm non ở điểm trường Suối Lau 3 - Trường Mầm non Vành Khuyên cũng trong tình cảnh tương tự.

Không chỉ học sinh, đội ngũ giáo viên ở các trường học này cũng gặp khó khi mức phụ cấp bị cắt giảm. Cụ thể, trước đây, các giáo viên đứng lớp của Trường Tiểu học Khánh Hòa - Jeju ngoài mức lương còn được hưởng phụ cấp thu hút 70% lương. Tuy nhiên, hiện nay, chính sách hỗ trợ giáo viên đứng lớp chỉ còn 35% như các xã đồng bằng khác. Bà Võ Thị Thanh Hương mong muốn Nhà nước xem xét có chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh; đồng thời có chế độ đãi ngộ cho các giáo viên giảng dạy tại các trường có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số như Trường Tiểu học Khánh Hòa - Jeju.

Được biết, chính quyền địa phương cùng nhà trường đã và đang tích cực vận động các mạnh thường quân quan tâm, hỗ trợ bữa ăn bán trú nhằm giải quyết phần nào khó khăn cho học sinh.

HỒNG ĐĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202310/xay-dung-nong-thon-moi-o-xa-suoi-catniem-vui-va-nhung-tran-tro-ba76a22/