Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Hoàng Su Phì là huyện vùng cao biên giới phía Tây của tỉnh Hà Giang, gồm 22 xã và 1 thị trấn, trong đó, 4 xã có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc là: Bản Máy, Thàng Tín, Thèn Chu Phìn và Pố Lồ. Hiện, Hoàng Su Phì là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Người dân xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Phạm Văn Phú

Sau gần 14 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từ năm 2010 đến nay, huyện Hoàng Su Phì đã có 3/23 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới, đó là các xã Thông Nguyên, Hồ Thầu và Nậm Ty. Tính đến thời điểm tháng 9/2023, toàn huyện Hoàng Su Phì đã đạt 243 tiêu chí, bình quân đạt 10,5 tiêu chí/xã và không còn xã nào đạt dưới 9 tiêu chí, tăng 146 tiêu chí so với kết thúc giai đoạn 1 của quá trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010-2015.

Xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và là cơ sở, nền tảng để xây dựng nông thôn mới, huyện Hoàng Su Phì đã xác định những cây trồng, vật nuôi thế mạnh trong phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một cơ sở quan trọng nhằm nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho người nông dân. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn của huyện Hoàng Su Phì về trước mắt cũng như lâu dài.

Xuất phát từ mục tiêu đó, Nghị quyết chuyên đề của huyện Hoàng Su Phì đã xác định 3 cây chủ đạo là cây chè Shan tuyết, cây dược liệu và cây mận máu; 3 con chủ yếu là dê, bò và trâu; 3 sản phẩm đặc thù là chè Shan tuyết, cá chép ruộng và mật ong hoa thảo quả. Tính đến thời điểm tháng 9/2023, tổng diện tích chè Shan tuyết và Shan tuyết cổ thụ của huyện Hoàng Su Phì đạt trên 4.650ha, trong đó, diện tích cho thu hoạch 3.600ha và sản lượng chè búp tươi đạt trên 14.200 tấn/năm.

Hiện nay, Hoàng Su Phì đã có 2 sản phẩm chè Shan tuyết đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia là Hồng trà hộp 100g và Trà xanh hộp 100g của Hợp tác xã (HTX) chế biến chè Phìn Hồ xã Thông Nguyên. Ngoài ra, còn một số sản phẩm chè Shan tuyết của Hoàng Su Phì đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 4 sao cấp tỉnh như: Chè Shan tuyết Hạnh Quang của HTX chế biến chè Hạnh Quang, chè Shan tuyết Túng Sán của Công ty cổ phần Túng Sán...

Các sản phẩm chè Shan tuyết Hoàng Su Phì, Hà Giang đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh và 5 sao cấp quốc gia. Ảnh: Phạm Văn Phú

Trong những năm qua, Hoàng Su Phì đã đẩy mạnh phát triển trồng thảo quả dưới tán rừng, nhờ đó đã có nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện có nguồn thu nhập cao từ cây thảo quả, bình quân từ 70-120 triệu đồng/hộ/năm, điển hình như hộ gia đình anh Lê Văn Thảo, thôn Chiến Thắng, xã Hồ Thầu có trên 50ha thảo quả, mỗi năm thu nhập từ 550-600 triệu đồng. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã có 30 HTX đang hoạt động hiệu quả (chủ yếu là các HTX chế biến chè, làm dịch vụ nông, lâm nghiệp...). Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng hình thành nhiều mô hình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng gia trại và nuôi ong theo hướng hàng hóa...

Ông Triệu Văn Cung, dân tộc Dao, thôn Chiến Phố, xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì cho biết: Trong những năm qua, nhờ chủ trương của huyện đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp nên bộ mặt của xã Hồ Thầu và các xã khác trên địa bàn huyện đã có nhiều khởi sắc trên các lĩnh vực của đời sống. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp của xã Hồ Thầu cũng thu được nhiều kết quả cao hơn trong cả lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người nông dân.

Ông Cháng Kim Sinh, dân tộc Nùng, thôn Sà Phìn, xã Bản Luốc, huyện Hoàng Su Phì cho biết thêm, trong những năm qua, huyện đã đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp nên hệ thống đường giao thông, lớp học và các hệ thống dân sinh của xã Bản Luốc đã có nhiều đổi mới khang trang; thu nhập của người dân từ chăn nuôi và trồng trọt không ngừng được nâng lên, giúp đời sống của người dân ngày càng thêm ấm no, hạnh phúc.

Nhằm tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Hoàng Su Phì đặt mục tiêu trong quý IV năm 2023 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng một cách bền vững trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hàng hóa; đảm bảo an ninh lương thực và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, huyện Hoàng Su Phì tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế nông lâm nghiệp và các làng nghề truyền thống; bảo vệ, phát triển thương hiệu các loại đặc sản của địa phương như chè Shan tuyết và chè Shan tuyết cổ thụ, mận máu, rượu Nàng Đôn, mật ong hoa thảo quả...

Ông Vàng Đình Chiến, Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Hoàng Su Phì cho biết: Để thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục vận động và hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa mang thương hiệu của địa phương; tiếp tục đầu tư các chợ đầu mối tiêu thụ gia súc cho người nông dân. Cùng với đó, phát huy hiệu quả nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025.

Phạm Văn Phú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-dung-nong-thon-moi-gan-voi-tai-co-cau-nganh-nong-nghiep-post468796.html