Xây dựng nông thôn mới: Đổi thay ở những vùng quê

Sau hơn 10 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước và sự chung tay, góp sức của người dân, diện mạo, cuộc sống người dân ở nhiều vùng quê trên địa bàn tỉnh đã có sự đổi thay rõ nét.

Sau nhiều năm nỗ lực, cố gắng, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 86 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 17 xã NTM nâng cao và 2 xã NTM kiểu mẫu. Một điều dễ nhận thấy ở các xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu chính là diện mạo không ngừng thay đổi, các công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, cảnh quan đường làng, ngõ xóm được giữ gìn sáng – xanh – sạch – đẹp. Xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng là một ví dụ.

Diện mạo nông thôn tại thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn không ngừng đổi mới

Diện mạo nông thôn tại thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn không ngừng đổi mới

Năm 2022, xã Trùng Khánh là 1 trong 10 xã điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM. Ông Nông Văn Ngoan, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước khi bắt tay vào xây dựng NTM, hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, trường học…trên địa bàn xã còn nhiều khó khăn. Năm 2022, với sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước và sự chung sức của người dân (người dân hiến đất, đóng góp công, tiền mặt trị giá 3,7 tỷ đồng), trên địa bàn xã đã được đầu tư xây dựng 16 công trình cơ sở hạ tầng. Qua đó không chỉ góp phần quan trọng vào việc thay đổi diện mạo nông thôn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Ông Lục Văn Hoan, thôn Khuổi Chang, xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng cho biết: Trước đây, nhà văn hóa thôn nhỏ, hẹp không đáp ứng yêu cầu của việc sinh hoạt, hội họp của bà con trong thôn. Năm 2022, khi Nhà nước có chủ trương xây dựng nhà văn hóa thôn, gia đình tôi đã hiến 400 m2 đất. Từ đó công trình nhanh chóng được xây dựng khang trang, sạch đẹp và phục vụ tốt hơn hoạt động chung của thôn.

Tương tự xã Trùng Khánh, trong những năm qua, từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự chung sức của người dân, trên địa bàn xã Cường Lợi, huyện Đình Lập cũng đã xây dựng, nâng cấp được các công trình hạ tầng tạo thuận lợi cho sinh hoạt, phát triển sản xuất của người dân. Qua đó năm 2017 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Bà Mai Thị Chiên, Chủ tịch UBND xã Cường Lợi cho biết: Bên cạnh các công trình hạ tầng được đầu tư khang trang, từ khi xã đạt chuẩn NTM đến nay, các thôn trên địa bàn đã chia tổ để định kỳ 2 lần/tháng ra quân tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, giữ gìn cảnh quan môi trường luôn sáng-xanh-sạch-đẹp.

Trong những năm, với nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự chung sức của người dân, nhiều công trình cơ sở hạ tầng ở các xã được đầu tư xây dựng. Cụ thể từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã mở mới hơn 800 km đường, bê tông hóa thêm khoảng 4.000 km đường giao thông nông thôn; các công trình điện được đầu tư xây dựng, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,89%. Cùng với đó các công trình trường học, cơ sở vật chất văn hóa, trạm y tế…được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đến nay trên địa bàn tỉnh có 256/554 trường học trên địa bàn các xã đạt chuẩn về cơ sở vật chất; 879/1.523 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn…

Cuộc sống mới

Không chỉ đổi thay diện mạo bên ngoài, sau một thời gian bắt tay vào xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng không ngừng được cải thiện.

Ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Sau nhiều năm không ngừng nỗ lực, cố gắng, năm 2014, xã Chi Lăng được công nhận xã đạt chuẩn NTM, năm 2019 đạt chuẩn xã NTM nâng cao và năm 2022 đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Tiết mục văn nghệ tại lễ đón bằng xây dựng xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng đạt chuẩn NTM nâng cao

Tiết mục văn nghệ tại lễ đón bằng xây dựng xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng đạt chuẩn NTM nâng cao

Trong quá trình triển khai, xã luôn xác định muốn xây dựng NTM bền vững thì việc tìm giải pháp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân đóng vai trò quan trọng. Chính vì vậy trong những năm, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả như trồng na, bưởi và một số loại cây ăn quả khác với diện tích khoảng 450 ha; hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…Qua đó góp phần vào việc nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 52,55 triệu đồng/người/năm, tăng 35 triệu đồng so với năm 2014.

Bên cạnh tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, các xã NTM đều quan tâm đến các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Ông Hoàng Quang Phiệt, Chủ tịch UBND xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn cho biết: Từ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp của người dân, xã đã xây dựng được Nhà văn hóa, sân thể thao xã, thôn đầy đủ trang thiết bị để phục vụ phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Từ đó làm cơ sở để xã xây dựng các câu lạc bộ bóng chuyền hơi, câu lạc văn nghệ ở các thôn thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện, thi đấu…

Ông Chu Thanh Xuân, thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng cho biết: Buổi chiều hằng ngay, nhiều người dân trong thôn tập trung tại sân nhà văn hóa để tập luyện bóng chuyền. Việc duy trì phong trào thể thao không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe mà còn góp phần tạo sự gắn bó, đoàn kết trong nhân dân.

Từ chương trình xây dựng NTM đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh. Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: Để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, hàng năm từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, các cơ quan liên quan đã rà soát, lựa chọn hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; giúp người dân tiếp cận chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nhà văn hóa, sân thể thao…Đến nay trên địa bàn tỉnh có 99/181 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; 161/181 xã đạt tiêu chí văn hóa; 95/181 xã đạt tiêu chí thu nhập; 90/181 xã đạt tiêu chí nghèo đa chiều.

Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh.

“Giai đoạn I thực hiện chương trình xây dựng NTM (2011-2015), trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào cơ sở hạ tầng thì trong giai đoạn II (2016-2020) tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng các nội dung của chương trình, tăng cường chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM tập trung vào 3 nhóm mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng xây dựng NTM theo hướng phát triển bền vững gồm: thúc đẩy phát triển sản xuất, các mô hình phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn; hoàn thiện nhóm các tiêu chí về văn hóa – xã hội; hoàn thiện nhóm các tiêu chí hạ tầng kinh tế – xã hội và về môi trường nông thôn. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo xây dựng xã NTM; tập trung củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM một cách bền vững, đi vào thực chất; xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; giữ gìn cảnh quan môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp”.

TÂN AN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/nong-thon-moi/578999-xay-dung-nong-thon-moi-doi-thay-o-nhung-vung-que.html