XÂY DỰNG NHÀ LƯU TRÚ CẢ TRONG VÀ NGOÀI KHU CÔNG NGHIỆP SẼ TẠO THUẬN LỢI CHO CÔNG NHÂN

Góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong và ngoài khu công nghiệp. Đa số các đại biểu tán thành với việc xây dựng nhà lưu trú công nhân cả trong và ngoài khu công nghiệp, giúp giải quyết được nhiều vướng mắc, tạo thuận lợi cho công nhân khu công nghiệp.

Tán thành với việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) Về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp tại Điều 92 và Điều 94, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của khu công nghiệp như quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 5. Bởi theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xây dựng nhà lưu trú trong khu công nghiệp giúp giải quyết được nhiều vướng mắc, tạo thuận lợi cho công nhân khu công nghiệp, để bảo đảm thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để bảo đảm chặt chẽ, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung vào các điều 94, 95, 96 của dự thảo Luật quy định về quy hoạch, bố trí quỹ đất, yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và giao Chính phủ quy định điều kiện về môi trường, quy mô, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; xác định rõ đối tượng thuê nhà lưu trú công nhân chỉ bao gồm cá nhân công nhân đang làm việc tại chính khu công nghiệp đó để phù hợp với tính chất lưu trú của công trình, tập trung chính sách cho đối tượng thụ hưởng là người có thu nhập thấp. Đồng thời, sửa đổi Điều 19 của Luật Đầu tư để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Tán thành với quan điểm xây dựng nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, đây là nhu cầu thiết thực của công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, đem lại nhiều tác động tích cực cho công nhân, tạo sự thuận tiện trong sinh hoạt của người lao động; đặc biệt là góp phần hỗ trợ công nhân có thu nhập thấp, chưa có điều kiện để mua nhà ở hay công nhân mới đến sinh sống, làm việc tại khu công nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe, môi trường sống, điều kiện của công nhân, người lao động thì cần quy định chặt chẽ các điều kiện về quy mô xây dựng nhà lưu trú, khoảng cách đảm bảo an toàn môi trường.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị bổ sung thêm tại khoản 3 Điều 93 quy định việc xét duyệt đối tượng thuê, mua nhà lưu trú công nhân do doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng thì do chủ đầu tư thực hiện. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất đầu tư hoặc thuê nhà lưu trú công nhân để cho công nhân thuê lại thì do doanh nghiệp đó thực hiện. Việc thuê, cho thuê nhà lưu trú cho công nhân là quan hệ dân sự, nên quy định trao quyền xét duyệt cho thuê cho chủ đầu tư là phù hợp. Tuy nhiên, đây cũng là một chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động; đồng thời, chủ đầu tư cũng được hưởng những ưu đãi riêng. Vì vậy, để đảm bảo nhà lưu trú cho công nhân được sử dụng đúng mục đích, đúng người, đúng đối tượng, đề nghị bổ sung thêm quy định: sau khi xét duyệt và cho thuê phải báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền quản lý theo định kỳ 1 lần/1 tháng, nhằm tăng cường công tác quản lý của Nhà nước cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ đầu tư trong việc cho thuê, nhà lưu trú cho công nhân.

Đồng thời bổ sung khoản 2 Điều 95 quy định dự án xây dựng nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp phải đáp ứng một số yêu cầu, trong đó có yêu cầu tại điểm b là "có các khu chức năng và không gian phục vụ nhu cầu lưu trú, bao gồm nhà trẻ, y tế, sinh hoạt văn hóa, sân chơi thể dục, thể thao, dịch vụ, thương mại và tiện ích công cộng". Quy định này rất cần thiết với mục đích đảm bảo các điều kiện sống của công nhân và người lao động. Tuy nhiên, tôi thấy rằng nên có tiêu chí phân loại việc yêu cầu xây dựng, bố trí các khu chức năng và nhu cầu phục vụ lưu trú dựa trên quy mô của nhà lưu trú. Bởi vì, nếu quy mô nhà lưu trú nhỏ mà bắt buộc phải đáp ứng quá nhiều các điều kiện về không gian phục vụ thì sẽ tạo áp lực cho chủ đầu tư, từ đó không thu hút được chủ đầu tư và dẫn tới chính sách sẽ không được khả thi trong thực tế.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cũng bày tỏ tán thành với quy định xây dựng nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp, thống nhất việc giao Chính phủ quy định điều kiện bảo đảm an toàn về môi trường, quy mô, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Xác định rõ đối tượng thuê nhà lưu trú công nhân chỉ bao gồm cá nhân công nhân đang làm việc tại chính khu công nghiệp đó để phù hợp với tính chất lưu trú của công trình xây dựng, không bao gồm đối tượng là chuyên gia, người lao động khác để tập trung chính sách cho đối tượng thụ hưởng là người có thu nhập thấp như Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại biểu Khương Thị Mai, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định

Nghiên cứu quy định về xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp

Ủy ban Pháp luật cho biết, ngày 10/10 Chính phủ đề nghị bổ sung thêm quy định về xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp tại Điều 92 và Điều 94. Hiện UBTVQH nhận bày tỏ không tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp do một số hạn chế trong chính sách này. Theo quan điểm của UBTVQH, việc mở rộng, cho phép xây dựng các nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp sẽ dễ dẫn đến lạm dụng, trục lợi chính sách. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến tán thành với việc xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp nhằm thúc đẩy thực hiện Đề án 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội và Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị. Theo đại biểu Khương Thị Mai, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, việc xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp cũng cần thiết, tuy nhiên phải quy định rõ doanh nghiệp, hợp tác xã ngoài khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân để bố trí cho công nhân của mình và phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh quản lý, kiểm soát về chất lượng, tiêu chuẩn, diện tích nhà ở công nhân. Trong thời gian vừa qua tại các doanh nghiệp hoặc các hợp tác xã có rất nhiều người dân xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê; các nhà thuê trọ này không đảm bảo về diện tích cũng như không đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy dẫn đến điều kiện cho người công nhân không được đảm bảo.

Cùng quan điểm, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cũng tán thành với bổ sung quy định xây dựng nhà lưu trú công nhân cả trong, ngoài khu công nghiệp, nhằm thúc đẩy việc thực hiện Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cũng như Nghị quyết số 6 của Bộ Chính trị ngày 24/1/2022. Tuy nhiên, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung đề nghị phải quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà lưu trú cho công nhân ngoài khu công nghiệp, làm rõ các doanh nghiệp chỉ được phát triển nhà lưu trú công nhân sau khi đã có quyền sử dụng đất hợp pháp, đồng thời rà soát chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án để bảo đảm phù hợp.

Với quy định về nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đây là nội dung mới được Chỉnh phủ đề xuất ngày 10/10 và chưa có đánh giá tác động. Do vậy Ban soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra sẽ cân nhắc hết sức thận trọng để tránh sơ hở chuyện lạm dụng chính sách để trục lợi. Hiện nay ngoài khu công nghiệp đã có nhà ở xã hội các doanh nghiệp, các hợp tác xã tập trung phát triển nhà ở xã hội ở ngoài khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao động của mình. Còn nhà lưu trú là một cơ chế đặc thù và chỉ nên cho phép xây dựng trong khu công nghiệp. Với phương án Chính phủ trình không lập dự án đầu tư, không phải phê duyệt chủ trương đầu tư, chủ đầu tư là những doanh nghiệp sản xuất có người lao động, thì ban soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu tính đồng bộ với cả Luật Đất đai, Luật Đầu tư, v.v.. Đây là vấn đề này cần được giải trình thấu đáo để tiếp thu, giải trình trước khi Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật này.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=81443