Xây dựng Hòa Bình lãi trở lại

Dù đã có lãi trong quý cuối năm 2023, khoản lỗ lũy kế đến cuối năm 2023 của nhà thầu xây dựng này vẫn ở mức gần 2.900 tỷ đồng do kết quả kinh doanh thua lỗ ở các quý trước.

Cuối năm 2023, Xây dựng Hòa Bình lỗ lũy kế gần 2.900 tỷ đồng. Ảnh: HBC.

Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với doanh thu thuần đạt hơn 2.190 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm mạnh, công ty xây dựng này báo lãi gộp đạt 53 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gộp 426 tỷ.

Nhà thầu xây dựng này cho biết trong quý cuối năm ngoái đã ghi nhận 20 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, cải thiện mạnh so với mức âm gần 113 tỷ của cùng kỳ. Chi phí tài chính phát sinh trong quý vừa qua giảm trong khi chi phí bán hàng tăng nhẹ.

Đáng chú ý, trong 3 tháng cuối năm ngoái, nhà thầu xây dựng này đã được hoàn nhập 223 tỷ đồng phí quản lý doanh nghiệp, trong khi cùng kỳ phải chi ra gần 500 tỷ đồng cho khoản chi phí này. Theo thuyết minh, đây là khoản hoàn nhập trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi với các đối tác.

Với các số liệu kể trên, Xây dựng Hòa Bình báo lãi ròng hơn 100 tỷ đồng trong quý cuối năm 2023, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn lỗ hơn nghìn tỷ.

Như vậy sau quý thua lỗ liền trước đó, Xây dựng Hòa Bình đã có lãi trở lại trong quý cuối năm.

Lũy kế cả năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 7.546 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2022. Do kết quả kinh doanh không mấy khả quan ở những quý trước đó, doanh nghiệp này lỗ ròng 782 tỷ đồng trong cả năm 2023, nâng khoản lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán lên gần 2.900 tỷ đồng.

Kết thúc năm, vốn chủ sở hữu của Hòa Bình chỉ còn 453 tỷ đồng, giảm gần 3 lần so với đầu năm.

Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình ở mức 13.055 tỷ đồng, giảm hơn 2.500 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn chiếm phần lớn với trên 8.800 tỷ đồng, giảm khoảng 2.000 tỷ sau một năm. Lượng tiền mặt và tiền gửi chỉ còn gần 400 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp xây dựng này ở mức hơn 12.600 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính chiếm hơn 4.700 tỷ đồng, giảm khoảng 1.400 tỷ đồng so với đầu năm.

Sau một năm khó khăn, Xây dựng Hòa Bình đặt kỳ vọng lớn vào sự hồi phục của năm 2024 với mục tiêu doanh thu 10.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng.

Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 của Xây dựng Hòa Bình cũng tương đương với năm 2019, thời điểm mà các doanh nghiệp xây dựng chưa bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 và sự suy giảm của thị trường bất động sản.

Tại diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi” ở TP.HCM được tổ chức chiều 18/1, ông Lê Viết Hải cho biết ngành xây dựng và vật liệu xây dựng cùng bất động sản có quan hệ như môi với răng, do đó "môi hở thì răng lạnh". Ông nhấn mạnh bất động sản gặp khó khăn đã làm ảnh hưởng lớn đến ngành xây dựng và vật liệu xây dựng.

"Chúng tôi phụ thuộc rất lớn vào việc thanh toán của chủ đầu tư. Việc chậm thanh toán cho các nhà thầu khiến các nhà thầu chậm thanh toán lại cho nhà thầu phụ và các nhà cung cấp đã ảnh hưởng đến giải quyết vấn đề công ăn, việc làm cho lực lượng lao động”, ông nói.

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/xay-dung-hoa-binh-lai-tro-lai-post1458059.html