Xây dựng công trình trên đất được chuyển đổi từ đất lúa phải bóc tách tầng đất mặt thế nào?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất quy định bóc tách và sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa khi chuyển sang mục đích phi nông nghiệp.

Quy định trên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa.

Độ sâu tối thiểu 20 cm

Theo đó, tổ chức, cá nhân xây dựng công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa phải bóc tách tầng đất mặt trên diện tích xây dựng đó để sử dụng hiệu quả vào mục đích nông nghiệp và xây dựng phương án sử dụng tầng đất mặt.

Độ sâu tầng đất mặt phải bóc tách tối thiểu từ 20 cm trở lên tính từ mặt đất.

Phương án sử dụng tầng đất mặt là thành phần hồ sơ xin phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Trường hợp công trình xây dựng trên đất chuyên trồng lúa nhưng bị trũng, ngập nước không thể thực hiện bóc tách tầng đất mặt thì tổ chức, cá nhân phải nộp một khoản tiền cho cơ quan nhà nước.

Tùy vào điều kiện cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định diện tích, vị trí đất trũng, ngập nước phải nộp tiền thay thế việc bóc tách tầng đất mặt.

Theo dự thảo, mức tiền phải nộp không thấp hơn 50% số tiền được xác định theo diện tích công trình không thể bóc tách tầng đất mặt xây dựng trên đất chuyên trồng lúa phải chuyển sang mục đích phi nông nghiệp nhân với giá của loại đất trồng lúa tính theo Bảng giá đất tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất.

Trình tự thẩm định phương án sử dụng tầng đất mặt

Dự thảo nêu rõ, tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị thẩm định phương án sử dụng tầng đất mặt.

Hồ sơ gồm: 1- Đơn đề nghị thẩm định; 2- Phương án sử dụng tầng đất mặt; 3- Bản vẽ vị trí sử dụng khối lượng đất mặt sau khi bóc tách.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ hợp lý, khả thi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản chấp thuận phương án sử dụng tầng đất mặt gửi cho tổ chức, cá nhân.

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lý, khả thi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ.

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức, cá nhân phải hoàn thiện hồ sơ và gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thời gian hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hoàn thiện đúng theo yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản chấp thuận phương án sử dụng tầng đất mặt.

Trường hợp tổ chức, cá nhân không hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn theo yêu cầu hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không đồng ý với hồ sơ hoàn thiện thì thông báo bằng văn cho tổ chức, cá nhân biết và nêu rõ lý do.

Trường hợp cần thiết phải tiến hành thẩm định vị trí, diện tích bóc tách tầng đất mặt ngoài thực địa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đoàn kiểm tra, lập biên bản kiểm tra trước khi ban hành văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm: thẩm định phương án sử dụng tầng đất mặt; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc bóc tách; sử dụng hiệu quả, đúng mục đích tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa khi chuyển sang đất phi nông nghiệp và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/xay-dung-cong-trinh-tren-dat-duoc-chuyen-doi-tu-dat-lua-phai-boc-tach-tang-dat-mat-the-nao-119240416172710444.htm