Xây dựng con người Đồng Nai phát triển toàn diện (Bài 1)

Kể từ ngày Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào Nam kinh lược xứ Đàng Trong đã hơn 325 năm, xứ Đồng Nai không ngừng phát triển, biến động qua dòng người và lịch sử. Mặc dù Biên Hòa xưa, Đồng Nai nay đã có nhiều đổi khác nhưng điều làm nên bản sắc, diện mạo đích thực của mảnh đất này vẫn là con người sinh sống trên đó, dù cho họ có gốc gác ở đây hay người các nơi kéo về sinh cơ lập nghiệp...

Tiết mục nghệ thuật Niềm tin hội tụ do Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn, phục vụ các tầng lớp Nhân dân. Ảnh: Ly Na

Bài 1: Dòng mạch ngầm chảy mãi

Là địa phương có hơn 50 dân tộc anh em từ khắp mọi miền đất nước đến sinh sống, lập nghiệp, Đồng Nai có nền văn hóa hội tụ, giao thoa, kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa của các dân tộc từ nhiều vùng, miền trong cả nước. 325 năm lịch sử đã trôi qua trên vùng đất này, nhưng trong mỗi nhịp sống vẫn lấp lánh mãi nét son về vẻ đẹp của đất và người Đồng Nai.

* “Cảo thơm” còn mãi…

Ngược dòng lịch sử, trước thế kỷ XVI, Biên Hòa - Đồng Nai vẫn là vùng đất hoang vu, chưa có người khai phá. Đầu thế kỷ XVII, vùng đất này trở nên sôi động với sự xuất hiện của người Việt từ vùng Thuận Quảng vào khai phá lập làng sinh sống. Năm 1679, nhóm người Hoa gồm: Dương Ngạn Địch, Huỳnh Tấn, Trần Thượng Xuyên đem 50 thuyền, 3 ngàn gia nhân đến xin trú ngụ, chúa Nguyễn Phúc Tần cho khai khẩn đất phương Nam, góp phần xây dựng cù lao Phố thành thương cảng sầm uất.

Đặc biệt, mùa xuân năm 1698, Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào Nam kinh lược xứ Đàng Trong, lấy đất Đồng Nai lập phủ Gia Định gồm 2 huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên và huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Chỉ trong một thời gian ngắn, Nguyễn Hữu Cảnh đã thu nạp, chiêu mộ thêm dân, khai khẩn ruộng đất, đặt đơn vị hành chính, chuẩn định thuế, lập bộ tịch đinh điền… tạo cơ sở cho việc phát triển Đồng Nai - Gia Định, đưa vùng đất này trở thành lãnh thổ chính thức của nước Việt Nam.

Trong quá trình phát triển, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai trải qua nhiều thử thách, những biến động của lịch sử. Chính những thách thức khắc nghiệt của cuộc sinh tồn đã buộc bao thế hệ người Đồng Nai phải tranh đấu và vươn lên không ngừng. Như cách nói của người xưa: “Địa linh nhân kiệt”, nhiều danh nhân, tướng lĩnh, nhà văn: Trịnh Hoài Đức, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đức Ứng, Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn… trưởng thành từ vùng đất này. Lớp sau nối tiếp lớp trước, bền bỉ đóng góp trí tuệ, công sức xây dựng, bồi đắp những giá trị văn hóa truyền thống cho vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

PGS-TS Huỳnh Văn Tới, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Đồng Nai, cho biết vùng đất, con người Đồng Nai gắn chặt trong những trang sách của nhà văn Hoàng Văn Bổn (ở xã Bình Long, quận Tân Uyên, nay là huyện Vĩnh Cửu). Quê hương vốn êm ả với đời sống “khoai củ”, với sông Đồng Nai trong lành, người và vật hồn nhiên, mưa nắng hữu tình, nghèo của cải nhưng rất giàu ân nghĩa. Vùng đất ấy không được bình yên, tủi nhục trong đời sống nô lệ, quật khởi trong đấu tranh giành độc lập tự do, thành cái nôi của Chiến khu Đ lẫy lừng, giàu kỳ tích chiến đấu, cũng rất nhiều mất mát, tang thương. Chính trong gian khó đã hun đúc cho con người và vùng đất Đồng Nai trở thành “vàng trong lửa”.

PGS-TS Huỳnh Văn Tới, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Đồng Nai, nhấn mạnh: “Bản sắc văn hóa, con người Đồng Nai phải gắn với quá khứ, biết tôn trọng quá khứ có chiều sâu, với môi trường hiện tại phải phong phú, đa dạng sinh thái. Trên con đường hội nhập hôm nay, người Đồng Nai đã và đang ứng dụng công nghệ số, góp phần quảng bá giá trị văn hóa, con người ra khắp năm châu”.

Trong câu chuyện của già làng K’Gie (dân tộc Mạ, ngụ khu phố Hiệp Nghĩa, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán), tâm hồn, hào khí người Đồng Nai được hun đúc từ trong chiến tranh. Các thế hệ người Đồng Nai xếp bút nghiên lên đường ra trận. Bản thân già K’Gie cũng lớn lên trong những năm tháng ác liệt, khi mà thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giày xéo quê hương Định Quán khiến cuộc sống đồng bào Mạ vô cùng khó khăn. Giặc nhiều lần đến cướp, giết những người dân vô tội khiến họ sợ hãi, bỏ làng chạy trốn vào rừng sâu. Giữa sự sống và cái chết, già và thanh niên trong làng vẫn tham gia vào cuộc kháng chiến, nuôi giấu bộ đội cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Suốt hơn 3 thế kỷ qua, bao nhiêu thế hệ cư dân khắp mọi miền Tổ quốc đã “kéo về” Biên Hòa - Đồng Nai sinh cơ lập nghiệp, lập ra các làng, ấp, phố phường. Bấy nhiêu thế hệ đã đem đến cho vùng đất này những lề thói của địa phương mình, song chung đúc lại, chắt lọc ra, hòa với người Biên Hòa xưa, Đồng Nai nay tạo thành “một vùng” văn hóa với đa dạng phong tục, tập quán nảy sinh từ sự hòa hợp. Bởi vậy, khi soi vào Biên Hòa - Đồng Nai, soi vào cộng đồng dân cư trên vùng đất này, người ở các địa phương khác đều cảm thấy có mình trong đó, thấy Đồng Nai là vùng đất gắn bó xương máu với mình.

* Đô thị hóa và những tiếp biến về văn hóa

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Đồng Nai đã và đang chứng kiến nhiều chuyển biển lớn. Đây cũng là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh. Quá trình đô thị hóa và những biến đổi văn hóa khiến con người Đồng Nai đang đứng trước nhiều hệ lụy về gia tăng dân số, quy hoạch không đồng đều..., song cũng khiến vùng đất này vận động theo hướng năng động hơn. Văn hóa, nếp sống của người Biên Hòa - Đồng Nai vì thế mang những hơi thở mới để hòa hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vấn đề nhập cư, di cư, xuất cư được bàn luận, chia sẻ trên nhiều diễn đàn.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyết, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh Đồng Nai, cho biết người dân các địa phương khi chuyển đến Đồng Nai sinh sống, học tập và làm việc sẽ mang theo những phong tục, tập quán, cũng như truyền thống văn hóa của vùng quê họ. Việc người Đồng Nai tiếp thu thêm văn hóa của các vùng, miền để làm giàu thêm văn hóa của mình cũng là điều hết sức dễ hiểu. Vấn đề đặt ra ở đây là người dân tiếp thu như thế nào và tiếp biến ra sao. Ở Đồng Nai hiện nay, nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa đã được ghi lại trong các hương ước, quy ước của các địa phương, được triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở.

Cũng theo PGS-TS Huỳnh Văn Tới, bản sắc Đồng Nai không thoát khỏi bản sắc con người Việt Nam. Con người Đồng Nai hôm nay phải phản ánh được đời sống, mục tiêu của Đồng Nai, phải có môi trường để phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

“Chúng ta đã vượt qua ăn no, mặc ấm, phải tiến tới ăn ngon, mặc đẹp, làm hay và tôn vinh những giá trị cao cả. Những phẩm chất của người Đồng Nai hôm nay phải trên cơ sở 5 mối quan hệ: với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội, đất nước và với truyền thống bản sắc của Đồng Nai. Quá trình phát triển kinh tế (là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước), người Đồng Nai nhanh nhạy, tiếp thu cái mới, nhanh chóng tiếp thu khoa học - công nghệ. Tuy nhiên, trong quá trình đó, con người phải giữ gìn truyền thống, di sản, góp sức vào vun đắp giá trị văn hóa” - PGS-TS Huỳnh Văn Tới chia sẻ.

Ly Na

Bài 2: Con người Đồng Nai - trung tâm của phát triển văn hóa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202403/xay-dung-con-nguoi-dong-nai-phat-trien-toan-dien-bai-1-8db5da2/