Xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt từ sự kết nối

Được coi là lợi thế riêng có của Việt Nam song việc kết nối giữa sản xuất, tiêu thụ, phân phối để hình thành chuỗi cung ứng nông sản chặt chẽ vẫn là vấn đề mà nhiều DN còn 'đau đáu'.

Chuỗi cung ứng được coi là công cụ cạnh tranh của DN Ảnh: Nguyễn Hiền

Lỏng kết nối

Thanh long đổ cho bò ăn, dưa hấu ùn ứ tại cửa khẩu mỗi khi vào vụ, các “chiến dịch” giải cứu nông sản… là những hình ảnh, thông tin không còn xa lạ và liên tục xảy ra trong vài năm trở lại đây. Thực tế này bắt nguồn từ việc cung dư thừa so với cầu, hay nói cách khác đó là sản xuất chưa tuân theo tín hiệu thị trường.

Câu hỏi đặt ra là: “Biết rồi nhưng sao vẫn thế?”.

Có thể thấy, bên cạnh thực tế người nông dân còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên chưa đáp ứng được các yêu cầu về quy chuẩn an toàn, sạch, nguồn gốc xuất xứ thì chuỗi cung ứng hàng Việt đang “có vấn đề” khi sự liên kết giữa các khâu từ sản xuất, tiêu thụ, phân phối còn lỏng lẻo. Do vậy, nhiều bất cập trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng Việt, vấn đề về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nông sản không an toàn… luôn là những bài toán khó đặt ra cho các nhà quản lý.

Bình luận về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế cho hay, có nhiều biểu hiện trong mối quan hệ giữa nhà cung ứng và một số các nhà bán lẻ. Theo đó, ép chiết khấu, chi phí tạo mã, phí đầu kệ, ép giá bán, thanh toán chậm không có lý do... đến nỗi nhiều DN chán nản vì khó khăn đưa hàng vào khâu bán lẻ. Điều này làm tổn hại đến việc lưu thông, tiêu thụ hàng Việt trên thị trường Việt Nam.

Nói về sự liên kết, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam nhìn nhận, việc thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu trình độ quản lý, thiếu sự liên kết, đặc biệt là các cơ chế chính sách cho tổ chức DN tham gia chuỗi đôi khi vẫn còn chung chung, chưa đi vào thực tiễn. “Đây là rào cản lớn đối với DN khi tham gia chuỗi cung ứng”, ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Tuấn, thời gian qua đối với một số mặt hàng, việc liên doanh liên kết gần như còn rất lỏng lẻo, thậm chí tạo ra cạnh tranh không lành mạnh và không cần thiết dẫn đến các thành phần khi tham gia chuỗi cung ứng chưa phát huy tối đa về hiệu quả cũng như chưa xây dựng được các chuỗi đủ bền vững, đủ mạnh, đủ lớn để tham gia thị trường kinh tế hội nhập.

Đi từ mô hình thí điểm

Thực tế hiện nay cho thấy, chuỗi cung ứng có tác động quan trọng đến việc chiếm lĩnh thị trường, tạo niềm tin với khách hàng, gia tăng lợi nhuận và gia tăng kết nối với các đối tác trên phạm vi toàn cầu. Do vậy, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, đây còn được coi là công cụ cạnh tranh của DN.

Chính vì thế, ông Tuấn cho rằng cần xây dựng chính sách cụ thể, thiết thực dễ áp dụng vào đời sống, đồng thời giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy các thành phần kinh tế tích cực tham gia chuỗi cung ứng. Triển khai xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn rất cần các cơ chế chính sách cụ thể cho việc xây dựng chuỗi, trong đó phải xác định mục tiêu và xây dựng thị trường là trọng tâm vì “thị trường luôn là mệnh lệnh của sản xuất”.

Một DN khác cũng đề xuất, Bộ Công Thương làm đầu mối lựa chọn các tổ chức doanh nghiệp, xây dựng các mô hình thí điểm về phát triển chuỗi cung ứng theo cơ chế thị trường, đặc biệt là trong chuỗi nông sản, thực phẩm an toàn mang thương hiệu Việt Nam.

Tất nhiên, để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng, theo giới chuyên gia, điều quan trọng là phải có sự liên kết chặt chẽ 3 nhà (nhà quản lý, nhà sản xuất và nhà doanh nghiệp), trong bối cảnh phần lớn các DN Việt đều là DN nhỏ. Theo đó, DN phân phối và nhà sản xuất đều phải chủ động tìm đến nhau, thay đổi tâm thế bị động chờ đợi, từ đó có sự trao đổi, ký kết về tiêu thụ sản phẩm.

Trong khi phía DN phân phối cam kết đảm bảo đầu ra ổn định thì phía nhà sản xuất cũng cần có sự đảm bảo được chất lượng, giá cả cạnh tranh, đặc biệt là khi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu như hiện nay.

Chia sẻ kinh nghiệm khi xây dựng thương hiệu trứng gà Ba Huân, ông Phạm Thanh Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Trứng sạch Ba Huân cho biết, điều mà DN luôn coi trọng đó là chữ tín. Khi đã tin tưởng cùng hợp tác, chắc chắn sẽ có sự bền vững lâu dài. DN phải luôn giữ chữ tín với nhà sản xuất bằng việc giữ đúng cam kết và không bao giờ để nhà sản xuất, bà con nông dân chịu thiệt. “Nếu giá trứng gia cầm trên thị trường xuống thấp, DN sẽ có sự hỗ trợ về giá để làm sao giá thu mua từ bà con với giá tốt nhất. Chính vì đặt niềm tin vào DN nên trong giao dịch, làm việc, bà con nông dân sẽ không bỏ qua cam kết với DN để bán hàng cho thương lái”, ông Hùng nói.

Phan Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/xay-dung-chuoi-cung-ung-hang-viet-tu-su-ket-noi.aspx