Xây dựng, chỉnh trang các điểm vui chơi cho người dân đô thị

Bằng những chương trình, hành động, mục tiêu cụ thể trong việc đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa thể thao, những năm qua, thành phố Vĩnh Yên đã từng bước đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, góp phần xây dựng thành phố phát triển theo hướng hiện đại, văn minh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí cho người dân.

Khu luyện tập TDTT ngoài trời tại công viên Quảng trường Hồ Chí Minh thu hút đông đảo người dân luyện tập. Ảnh: Thế Hùng

Nhằm tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân được thụ hưởng và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao (VHVN-TDTT), nâng cao chất lượng cuộc sống, thành phố đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã, phường thị trấn triển khai hiệu quả các đề án, chương trình như Đề án 1722/ĐA ngày 31/10/2016 về xây dựng văn hóa, văn minh đô thị giai đoạn 2016-2020, Chương trình số 1181/Ctr-UBND ngày 5/8/2016 của UBND thành phố Vĩnh Yên về chương trình phát triển TDTT thành phố Vĩnh Yên giai đoạn 2016-2020.

Chỉ riêng 2 năm 2020-2021, kinh phí đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở đạt trên 573 tỷ đồng.

Trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên hiện có 13 công viên vườn hoa do thành phố đầu tư xây dựng với 582.000 m2; 1 thư viện thành phố; 8 thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, phường; 105 thiết chế văn hóa thể thao cấp thôn, tổ dân phố với tổng diện tích đang sử dụng trên 89.000 m2 phục vụ nhu cầu vui chơi, TDTT của người dân trên địa bàn.

Thành phố đã lắp đặt 14 điểm tập gym ngoài trời với 518 bộ thiết bị phục vụ việc luyện tập TDTT. Một số tổ dân phố đã làm tốt công tác xã hội hóa (XHH) trong đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp nguồn kinh phí lớn để đầu tư mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa, nhà luyện tập thể thao như Tổ dân phố Tô Hiệu, An Sơn, An Định của phường Đống Đa; Tổ dân phố Gốc Đề, Thanh Giã 2 của phường Khai Quang...

Hoặc nhà văn hóa phường Ngô Quyền xây dựng khá đồng bộ thiết chế văn hóa từ phường đến tổ dân phố với việc lắp đặt một số dụng cụ thể thao cơ bản tại các nhà văn hóa theo hình thức mở rộng để nhân dân được tự do luyện tập vào tất cả các ngày trong tuần.

Hiện, hầu hết các nhà văn hóa đều phát huy được công năng sử dụng. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao, thu hút đông đảo nhân dân đến vui chơi, giải trí, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, rèn luyện thể chất; đồng thời là phương tiện nhằm tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.

Nhờ đó, nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt từ việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái.

Ông Nguyễn Xuân Phan, Tổ trưởng Tổ dân phố Gốc Đề, phường Khai Quang cho biết: Năm 2019, nhà văn hóa tổ dân phố Gốc Đề được đầu tư thêm 1 bộ máy tập thể dục ngoài trời gồm 16 dụng cụ gồm máy ngồi kéo xô và đẩy ngực; máy tập tay vai 2 chức năng, máy đi bộ lắc tay, máy tập lưng eo, xà đơn 3 hướng... Người dân rất vui mừng, tích cực rèn luyện TDTT. Nơi đây đã trở thành địa điểm để người dân “Sống vui, sống khỏe”, gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Nhằm phục vụ các nhu cầu vui chơi, giải trí, TDTT, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, cũng như hoàn thiện kết cấu hạ tầng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, hiện nay, thành phố đang thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng Khu thiết chế văn hóa, thể thao thành phố với tổng diện tích hơn 14 ha với 2 dự án hợp phần: TP1 và TP2.

Trong đó, dự án TP1 được khởi công từ ngày 1/10/2021, công trình đang triển khai thi công theo đúng tiến độ; dự án TP2 đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, đơn vị tư vấn đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự kiến hoàn thành thủ tục xây dựng cơ bản của dự án để khởi công trong năm 2022. Cùng với đó, xây dựng Công viên vui chơi giải trí thành phố Vĩnh Yên với tổng diện tích trên 16ha, tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng.

Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục cân đối nguồn ngân sách địa phương hàng năm để đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, phường, thôn, tổ dân phố; đồng thời cấp kinh phí đầu tư trang thiết bị hoạt động cho hệ thống thiết chế, bổ sung các trang thiết bị cho hệ thống thiết chế văn hóa hiện có nhằm đảm bảo các hoạt động được diễn ra thường xuyên, có hiệu quả theo quy định.

Huy động mọi nguồn lực xây dựng xây thiết chế văn hóa, thể thao thực hiện theo cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm. Đẩy mạnh các hoạt động VHVN quần chúng, đưa nội dung hoạt động này vào nội dung bắt buộc trong sinh hoạt của các nhà văn hóa thôn, làng; tổ chức có hiệu quả hoạt động của các loại hình câu lạc bộ, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa...

Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/82534/xay-dung-chinh-trang-cac-diem-vui-choi-cho-nguoi-dan-do-thi.html