Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã xác định, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Đồng Nai có trách nhiệm lãnh đạo bảo đảm sự phát triển của tỉnh, thực hiện khát vọng trở thành tỉnh phát triển trong nhóm đầu của cả nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng gặp gỡ, trao đổi với cán bộ, lãnh đạo của tỉnh tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Công Nghĩa

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng gặp gỡ, trao đổi với cán bộ, lãnh đạo của tỉnh tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Công Nghĩa

Để thực hiện được nhiệm vụ này, cần gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó xây dựng Đảng là then chốt.

* Đảm bảo đủ sức lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị

Đồng chí Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy nêu rõ, xác định xây dựng Đảng là then chốt, trước tiên phải xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đủ sức lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh ở nhiệm kỳ mới.

Theo đó, để xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là những vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng Đảng. Kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước sát hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện đúng đắn, có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, tính chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên; trước hết là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc, quy định của Đảng, thực hành dân chủ gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả công tác tư tưởng. Chú trọng tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tăng cường bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Nắm chắc, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý kịp thời các vấn đề tư tưởng ở các cấp ủy Đảng và trong xã hội. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về công tác xây dựng Đảng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.

Cùng với xây dựng Đảng về chính trị và tư tưởng, tiếp tục xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức. Ủy viên Ban TVTU, Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đặng Minh Nguyệt cho biết, thời gian qua Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Do đó, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở các đơn vị được đồng bộ, thống nhất hơn do không còn khâu trung gian, giúp cho hiệu quả hoạt động của các đơn vị được nâng lên. Kết quả, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính của tỉnh đã tăng theo hằng năm, đưa tỉnh từ nhóm có mức xếp hạng trung bình thấp lên nhóm xếp hạng trung bình cao. Đồng thời, việc sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế đã góp phần tiết kiệm ngân sách chi cho hoạt động thường xuyên; nâng cao hiệu quả công tác của cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của tỉnh.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới. Song song với đó, thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đảng viên. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, lối sống mẫu mực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Kiên quyết thay thế, cho thôi chức vụ đối với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, yếu kém về năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, lối sống, uy tín giảm sút. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của cấp ủy, chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng; khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh những điều sai trái.

* Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, lãnh đạo

Đối với xây dựng Đảng về đạo đức, theo Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà, cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng và các quy định của Đảng về thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy viên, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Qua hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong toàn Đảng bộ tỉnh, khẳng định đây là nội dung quan trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; là sự tiếp tục thực hiện quan điểm xây dựng đạo đức cách mạng, coi đạo đức là một bộ phận cấu thành quan trọng trong công tác xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà cho rằng, để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thời gian tới sẽ tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, gắn chặt hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị 05 với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và các quy định của Trung ương, Tỉnh ủy, Ban TVTU về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp để củng cố vững chắc nền tảng tinh thần và đạo đức cách mạng của Đảng. Việc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là cuộc chiến đầy cam go nhưng không thể không làm, vì liên quan đến vận mệnh của Đảng ta và chế độ ta như tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, cần bám sát quan điểm và nguyên tắc giữa “xây” và “chống”, nói ít làm nhiều, làm đến đâu chắc đến đó, bám sát đối tượng, liên hệ chặt chẽ với thực tế, đề cao tính thực chất, “tự soi, tự sửa”, tự phê bình và phê bình. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, lựa chọn những khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm gắn với việc thực hiện nhiệm vụ từng địa phương, đơn vị và những vấn đề bức xúc, nổi cộm để lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết, tạo đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị và toàn dân, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ của tỉnh, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát huy những ưu điểm và kịp thời nhắc nhở, xử lý những sai phạm nhằm nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, đủ sức gánh vác, lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới. Đồng chí Huỳnh Thanh Bình, Ủy viên Ban TVTU, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề xuất, người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp, thường xuyên lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, cách làm hay, điển hình tốt, phát huy sự năng động, sáng tạo của tổ chức Đảng, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Điều lệ Đảng và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, từ đó có căn cứ thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với phòng, chống sự tha hóa quyền lực, tham nhũng, lợi ích nhóm. Kiên quyết xử lý nghiêm minh những tổ chức Đảng, đảng viên cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, cơ quan, đơn vị. Quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, cần gắn bó mật thiết với nhân dân vì kết quả công tác kiểm tra, giám sát thời gian qua cho thấy, nhiều vụ việc, nhất là những vụ án liên quan đến tham nhũng, lãng phí được phát hiện là từ phản ảnh của quần chúng nhân dân. Nhân dân đã rất tích cực trong việc xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh trong thời gian qua.

Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Ban TVTU đã kiểm tra, giám sát chuyên đề 125 tổ chức Đảng và 72 cán bộ diện Tỉnh ủy quản lý. Các cấp ủy trực thuộc đã kiểm tra việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị gần 80 ngàn lượt tổ chức Đảng và đảng viên; đồng thời giám sát 3 ngàn lượt tổ chức Đảng và đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường giám sát chuyên đề, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với hàng ngàn tổ chức Đảng và đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát đã đề nghị thu hồi tổng số tiền gần 74 tỷ đồng, xử lý nhiều cán bộ vi phạm; cảnh báo, nhắc nhở những hạn chế, khuyết điểm, giúp cấp ủy, tổ chức Đảng và toàn hệ thống chính trị đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng bộ tỉnh.

Phương Hằng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202011/xay-dung-chinh-don-dang-la-nhiem-vu-then-chot-3028747/