Xây dựng Bình Thuận thành trung tâm năng lượng xanh của cả nước

Nhấn mạnh năng lượng tái tạo là đột phá ưu tiên, Phó Thủ tướng Chính phú đề nghị Bình Thuận hài hòa trong lựa chọn ưu tiên phát triển, trong đó có lưu ý phát triển trung tâm năng lượng xanh của cả nước.

Sáng 28-2, tại TP Phan Thiết, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện các tỉnh thành cùng dự Lễ Công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng với điều kiện và lợi thế riêng, Bình Thuận được xác định là một trung tâm công nghiệp về năng lượng sạch và du lịch biển là kinh tế mũi nhọn, gắn với du lịch sinh thái.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại lễ công bố quy hoạch tỉnh Bình Thuận

Theo Phó Thủ tướng, quy hoạch Bình Thuận được công bố hôm nay chỉ là bước khởi đầu mang tính định hướng không gian phát triển, theo sự liên kết giữa các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ cũng như các vùng kinh tế xã hội khác như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ… Phó Thủ tướng lưu ý thời gian tới, tỉnh Bình Thuận cần đẩy mạnh quán triệt đầy đủ, sâu sắc Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao bản quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 cho lãnh đạo tỉnh Bình Thuận

Trong đó, Bình Thuận cần tiếp tục tận dụng được lợi thế của vùng đất đầy nắng và gió để phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi… Đó cũng chính là điểm nhấn để tạo sự khác biệt, là nguồn hấp dẫn mạnh nhất đối với các nhà đầu tư trong xu thế hiện nay. Bình Thuận phải coi đây là lĩnh vực ưu tiên và ưu tiên cao nhất để thu hút đầu tư.

Đánh giá cao quan điểm "không đặt lợi ích về khoáng sản cao hơn lợi ích về môi trường, bảo tồn văn hóa và thiên nhiên", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bình Thuận hài hòa trong lựa chọn ưu tiên phát triển.

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận trao chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp

"Những nơi có thể khai thác khoáng sản thì tập trung công nghệ chế biến sâu, hàm lượng giá trị cao, còn nếu mâu thuẫn với công nghiệp xanh thì cần bảo tồn, dự trữ" - Phó Thủ tướng nói.

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, đến năm 2030, Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển, có mức thu nhập bình quân đầu người (GRDP) cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế; một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Phó Thủ tướng cùng các đại biểu tham quan mô hình kinh tế tại hội nghị

Dịp này, Bình Thuận đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư gần 2.100 tỉ đồng. Đồng thời ký ghi nhớ đăng ký đầu tư với 7 nhà đầu tư trên các lĩnh vực: bất động sản, hạ tầng khu cụm công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, năng lượng, khoáng sản…với tổng vốn đăng ký trên 127.000 tỉ đồng.

Châu Tỉnh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xay-dung-binh-thuan-thanh-trung-tam-nang-luong-xanh-cua-ca-nuoc-196240228163312956.htm