Xao xuyến chiều ba mươi...

Đã từng có chiều 30 tết nào bạn còn đứng bơ vơ ven lộ, ngóng một chuyến xe muộn để có thể phóng lên cho kịp về nhà đón giao thừa? Đã có chiều 30 tết nào bạn một mình ngồi lặng lẽ quán cà phê gặm nhấm nỗi nhớ về một người xa thật xa…

Minh họa: ĐẶNG THỊ THỌ

Trong tâm thức của triệu con dân đất Việt, chiều 30 tết luôn là thời điểm riêng tư nhất của mỗi người trước thềm năm mới. Tôi vẫn bảo thủ mà nghĩ rằng những ai vì bất cứ lý do gì, không có mặt với gia đình trong chiều 30 tết sẽ là thiệt thòi lớn nhất, bơ vơ chiều 30 tết nơi đất khách quê người sẽ mãi là nỗi buồn không thể xóa nhòa trong ký ức.

Ba ngày tết là câu dân gian vẫn quen miệng nói, nhưng thực ra với hầu hết mọi người, buổi chiều 30 tết mới là thời điểm lắng đọng nhất. Đó là khoảng thời gian ngập ngừng trước thềm năm mới, bao nhiêu tâm tư khi ngoảnh lại với những ngày đã qua và bao nhiêu mong chờ, hy vọng vào tương lai.

Đó là thời điểm những người con xa nhà, trái tim thôi thúc phải tìm mọi cách trở về nhà đoàn tụ với người thân. Những người con xa xứ mưu sinh, dẫu có vất vả đến đâu, dẫu đò giang cách trở… cũng gác lại tất cả để về nhà thôi, tết rồi.

Bồi hồi nhớ những chiều 30 tết những năm chưa cấm pháo. Trong bầu không khí rất riêng của ngày cuối năm, thi thoảng có tiếng pháo lẻ đì đẹt của lũ trẻ hồn nhiên đi dạo quanh xóm. Nhiều nhà cúng tất niên đốt một bánh pháo để xua đi những gì không trọn vẹn năm cũ, hướng đến một năm mới với bao ước vọng… Lũ con nít trong xóm thập thò ngoài cổng, chờ pháo nổ dứt là lăn xả vào tranh nhau tìm pháo xịt. Cứ thế, xóm làng sao mà gần gũi đến lạ.

Chiều 30 tết trong thoáng mùi nhang trầm xao xuyến, có hạnh phúc nào hơn khi cả nhà quây quần bên nhau chuẩn bị bữa cơm tất niên truyền thống. Trong bữa cơm ấm cúng chiều cuối năm, các thành viên trong gia đình sẽ ôn lại những gì của năm cũ để chuẩn bị hướng về năm mới. Bâng khâng lắm, đầm ấm lắm…

Xong bữa cơm tất niên, các bậc phụ huynh ngồi quanh bàn trà để lát nữa chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa, lũ trẻ kéo nhau ra phố coi chợ hoa những giờ cuối để canh mua hoa cho rẻ…

Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, có một nhạc sĩ xa nhà chiều 30 tết, trong tâm trạng cô đơn đến cực điểm đã để lại cho đời ca khúc nổi tiếng - ca khúc Đêm đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Ông đã từng chia sẻ về ca khúc này rất nhiều lần với độc giả: Vào năm 1939, lúc này ông đang theo học tại trường Thăng Long, do không có tiền nên ông không thể về quê ăn tết với gia đình. Lần đầu tiên phải ăn tết xa nhà, ông rất buồn.

Năm ấy, Hà Nội rất rét. Để chống lạnh, có bao quần áo, ông mặc tất vào người. Như bản năng, ông cứ thế rời phòng trọ lững thững đi về phía ga Hàng Cỏ và nhớ ra là mình không có vé tàu. Trong hồi ức mà ông chia sẻ “Khi tàu chuyển bánh, tôi cũng theo tàu đi về phương Nam, dọc theo đường Nam Bộ bây giờ.

Tiếng còi tàu mỗi lúc một xa càng làm tăng thêm nỗi nhớ nhà da diết! Đến chỗ chắn tàu ở phố Khâm Thiên, tôi chợt nảy ra ý định đi tìm người cùng cảnh ngộ với mình trong đêm nay…

Tôi còn đi lang thang mãi trên nhiều đường phố Hà Nội tối hôm đó cho đến khuya, khi các bà mang hương, đèn ra cúng trước thềm nhà tôi mới quay về căn gác trọ số 10 ngõ Hội Vũ. Lên giường nằm, nhưng nỗi nhớ nhà và cảm giác cô đơn nơi đất khách khiến tôi không tài nào ngủ được.

Và nảy ra ý định sáng tác một bài hát để nói lên cảm xúc và suy nghĩ của mình trong đêm giao thừa đầu tiên phải xa nhà”. Từ đó mà nhạc sĩ khắc khoải đêm 30 tết: Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xa. Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình, yêu đương…

Tôi đã trải qua bao nhiêu buổi chiều 30 tết, nhưng có một chiều 30 không thể nào quên, khi đất nước còn trong những ngày bom rơi đạn nổ. Năm ấy anh Ba trong nhà còn đang ở chiến trường Lào, không hiểu sao cả hai năm bặt tin tức. Những ngày ấy, nỗi lo, niềm linh cảm của người mẹ và tình thương khôn nguôi cứ đè nặng lên vai mẹ. Buổi sáng ấy tự nhiên con chim khách cứ bay qua lại trên ngõ, ríu ran vang trời: có khách, có khách… làm cả ngày mẹ quíu chân tay, không thể làm được gì.

Mắt cứ ngóng ra cổng cho dẫu ngày 30 tết có bao việc phải làm. Buổi chiều chị em tôi lặng lẽ phụ mẹ làm mâm cơm tất niên. Chợt có tiếng ồn ào ngoài ngõ. Là anh Ba tôi được về thăm nhà, đi theo còn có lũ trẻ đầu xóm ríu rít bám theo. Mẹ đang làm cơm chợt đánh rơi cái chảo chiên, đứng như hóa đá bên bếp.

Chị em tôi thét lên: “Anh Ba! Anh Ba...” và lao ra ôm cứng anh cùng chiếc ba lô vẫn trên lưng. Hóa ra là thời gian qua vì nhiệm vụ đặc biệt nên không được phép thư từ, nay đơn vị cho anh về phép để chuẩn bị đi học. Khỏi phải nói, mấy ngày tết mẹ trẻ lại như có phép tiên. Bữa ăn, mẹ cứ chống đũa nhìn đàn con mà mắt rạng ngời… Có từ nào để mô tả cho hết nỗi niềm hạnh phúc của cái tết đoàn viên với người từ đầu tên mũi đạn trở về?

Xuân Giáp Thìn đang ngập ngừng gõ cửa. Bâng khuâng với buổi chiều trước thềm năm mới. Cái buổi chiều 30 sao thật lạ lùng, có ánh mắt ngóng trông của người mẹ, có chút thong dong của người bận rộn, chút bâng khuâng của người thờ ơ, chút vẩn vơ nhớ người phương xa… Cái buổi chiều lạ lùng, dù là ai cũng xao xuyến bên khoảng hiên nhà trong thoang thoảng nhang trầm.

THỦY NGÂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/313188/xao-xuyen-chieu-ba-muoi.html