Xanh hóa - 'mệnh lệnh' của thị trường

Không chỉ là khẩu hiệu, hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp cận và xâm nhập thị trường quốc tế bằng sản phẩm sạch, sản xuất xanh.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết: Xanh hóa đã trở thành “mệnh lệnh” của thị trường và doanh nghiệp nói chung. Từ tháng 10/2023, EU đã bắt đầu triển khai áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) với thời hạn 3 năm chuyển tiếp trước khi chính thức CBAM được thực hiện đầy đủ vào 1/1/2026. Như vậy, yêu cầu, hàng rào, các biện pháp liên quan đến môi trường sẽ được áp dụng, trước hết là đối với thị trường lớn của Việt Nam như EU và nhiều nước phát triển trên thế giới. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu, có thể bị loại khỏi chuỗi cung ứng, ra khỏi “cuộc chơi”.

Đối tác nhập khẩu trực tiếp tìm hiểu về hệ thống trang trại và nhà máy của Vinamilk. Ảnh: Vi Nam

Minh Trung là một doanh nghiệp điển hình cho sự chủ động chuyển mình, thích ứng để mở rộng thị trường. Từ rất sớm, Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Trung Việt Nam đã đầu tư đồng bộ hệ thống dây chuyền thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, xanh hóa toàn bộ chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Ông Nguyễn Đắc Trung - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Trung Việt Nam - cho biết: Nhờ từ nguyên liệu đến sản xuất, thành phẩm theo tiêu chí xanh, sản phẩm của doanh nghiệp đã có mặt tại nhiều thị trường cao cấp. Tuy vậy, cái khó khi xâm nhập vào các thị trường này, đặc biệt tại châu Âu, Nhật Bản, chính là vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.

Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn tiên phong sản xuất xanh, phát triển bền vững. Không nằm ngoài xu hướng đó, Vinamilk được biết đến là doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam có nhà máy và trang trại đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060:2014. Đây là kết quả của “hành động kép”, nỗ lực cắt giảm phát thải trong sản xuất, chăn nuôi của Vinamilk, đồng thời duy trì quỹ cây xanh của công ty để hấp thụ khí nhà kính trong nhiều năm qua. Vinamilk công bố cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027, cắt giảm và trung hòa 55% lượng phát thải vào năm 2035 và tiến đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 - “Net Zero” vào năm 2050. Vinamilk cũng là doanh nghiệp sữa đầu tiên của Việt Nam đã tham gia Sáng kiến toàn cầu của ngành sữa về “Net Zero” - Pathways to Dairy Net Zero, được sáng lập bởi Liên đoàn sữa thế giới (IDF), Khung phát triển bền vững ngành sữa (DSF), Global Dairy Platform…

Trong lĩnh vực cơ khí, Vinfast là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên và một trong số ít các nhà sản xuất ôtô trên thế giới tham gia Cam kết khí hậu toàn cầu “The Climate Pledge” (TCP), cam kết hướng tới mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. VinFast cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc các đo lường và báo cáo phát thải carbon định kỳ; triển khai các chiến lược giảm phát thải theo thỏa thuận Paris thông qua các cải tiến và đổi mới trong sản xuất, kinh doanh; trung hòa các phát thải dư còn lại bằng các hiệu số bổ sung thực tế, có thể định lượng, dài hạn và có lợi cho xã hội để đảm bảo đạt mức phát thải carbon hàng năm bằng 0 vào năm 2040.

Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - khẳng định: Sản xuất xanh trở thành một trong những yếu tố lợi thế để doanh nghiệp quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu. Đây cũng là yêu cầu tất yếu để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm hàng hóa sang các thị trường lớn trên thế giới, đặc biệt là những thị trường đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với Việt Nam đều đưa ra những tiêu chuẩn, tiêu chí khắt khe về môi trường. Các doanh nghiệp thực hiện tốt sản xuất xanh sẽ nắm bắt cơ hội xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị phần, phát triển ổn định và bền vững tại các thị trường khó tính như: EU, Nhật Bản và Mỹ.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xanh-hoa-menh-lenh-cua-thi-truong-282385-282385.html