Xanh hóa khu công nghiệp, 'lót ổ' đón đại bàng

Với dòng vốn 'khổng lồ' trong và ngoài nước đang rót vào nền kinh tế, việc xây dựng các khu công nghiệp phát triển bền vững đang là yêu cầu cấp thiết. Để bắt kịp xu hướng này, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, chủ đầu tư cần có những giải pháp căn cơ, tháo gỡ khó khăn về chính sách, nguồn tài chính…

Khu công nghiệp (KCN) Nomura (Hải Phòng) được thành lập từ năm 1994. Đây là KCN đầu tiên của miền Bắc được đầu tư bài bản theo các quy chuẩn của đối tác Nhật Bản khi đó. Công tác bảo vệ môi trường, quản lý, quy hoạch không gian, hạ tầng của Nomura được đánh giá là dẫn đầu các KCN trong cả nước nói chung và Hải Phòng khi ấy nói riêng. Tuy nhiên, KCN này đã gặp phải một số vấn đề môi trường theo yêu cầu hiện nay như: xử lý nước thải, ô nhiễm khí thải, ô nhiễm không khí, chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại phát sinh, thiếu diện tích cây xanh,…

Đừng để khu công nghiệp “lỗi thời” bền vững

Không riêng Nomura mà hầu hết KCN ra đời sớm trên cả nước đều rơi vào tình trạng “lỗi thời” về phát triển bền vững. Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, cả nước có hơn 400 KCN đã được thành lập, trong đó gần 300 KCN đã đi vào hoạt động. Mặc dù có nhiều đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam song sự phát triển KCN tại Việt Nam thời gian qua chưa thực sự bền vững, chưa tạo được sự cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường.

Khu công nghiệp xanh đang là yêu cầu cấp thiết của nền kinh tế.

Tại Diễn đàn Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam vừa diễn ra, ông Nguyễn Thi, Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT, cho biết số KCN đã đi vào hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung là 29 KCN. Các nguyên nhân, khó khăn trong việc 18 KCN chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung là do tỷ lệ lấp đầy thấp; chưa giải phóng được mặt bằng phần diện tích quy hoạch xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc chưa có nguồn vốn để đầu tư.

Các KCN chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung chủ yếu tại các địa phương có khó khăn về thu hút đầu tư và nguồn vốn ngân sách. Hiện tại, nước thải của các cơ sở sản xuất hoạt động trong các KCN này do tự các cơ sở đầu tư hệ thống xử lý và yêu cầu phải xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia trước khi xả thải ra môi trường. Cùng với đó, quy hoạch tổng thể các khu công nghiệp chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối là nguyên nhân được xác định đầu tiên của sự “lỗi thời”.

Tuy nhiên, lộ trình “xanh hóa” các KCN gặp phải nhiều khó khăn. PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến – Trường Đại học Luật Hà Nội, đánh giá một số khu công nghiệp, khu kinh tế đã được đặt ra nhưng kết quả thực hiện khác nhau và không đồng đều giữa các địa phương. Một số khu công nghiệp, khu kinh tế chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường, chưa có sự giám sát thường xuyên các hoạt động xả thải, nhất là khí thải. Tác động về môi trường của một số khu công nghiệp có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng sống của cộng đồng dân cư xung quanh.

Đặc biệt, hạ tầng xã hội, các thiết chế văn hóa, thể thao, phúc lợi phục vụ người lao động chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động. Đặc biệt, hạ tầng xã hội, bao gồm nhà ở công nhân, các thiết chế văn hóa, thể thao, phúc lợi phục vụ người lao động trong khu công nghiệp còn thiếu và chưa được gắn kết, đồng bộ với phát triển khu công nghiệp. Điều này đã bộc lộ trong đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 cho thấy hầu hết các khu công nghiệp, các địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân, nên không đảm bảo được việc thực hiện “3 tại chỗ”.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp chỉ ở mức 57,2% (năm 2022) là tương đối thấp. Ngoài ra, tỷ suất thu hút đầu tư trung bình của dự án đầu tư trong khu công nghiệp là 4,61 triệu USD/ha đất công nghiệp đã cho thuê. Tỷ lệ này tuy có gia tăng qua các thời kỳ nhưng vẫn tương đối thấp.

Theo đó, ông Tuyến kiến nghị cần hoàn thiện khung pháp lý, giải quyết các vướng mắc trong hoạt động đầu tư phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm tạo khung pháp lý hoàn chỉnh, đầy đủ cho hoạt động đầu tư phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.

Gỡ khó cho việc chuyển đổi mô hình

Trong khi đó, bà Trần Thị Tố Loan, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ, nhấn mạnh về tiếp cận và mục tiêu, trước đây, các khu công nghiệp truyền thống thường tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế mà không đặt nặng vấn đề bảo vệ môi trường hoặc phúc lợi xã hội. Hiện tại, mô hình khu công nghiệp bền vững được thiết kế và quản lý theo định hướng tích hợp mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội, nhằm đạt được sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, KCN truyền thống thường phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, gây ra các vấn đề về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Hiện tại, phần lớn nguồn năng lượng trong KCN đến từ nguồn cung cấp của EVN, trong đó, nhiệt điện than, dầu chiếm một nửa nguồn cung cấp điện của EVN.

Trong khi đó, KCN bền vững ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và công nghệ hiệu quả năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Ví dụ: Sử dụng năng lượng mặt trời, thay thế nhiệt lò hơi từ than đá bằng khí LNG là loại năng lượng hiệu suất cao hơn và ít ảnh hưởng đến môi trường hơn,…

Để đạt được yêu cầu của KCN bền vững, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ, cho rằng hiện nay, rất nhiều quy định chưa rõ ràng, gây cản trở cho khu công nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình.

“Trong Nghị định 35/2022 có giới thiệu về mô hình KCN sinh thái, khi nói về việc KCN tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn có đưa ra một chỉ tiêu cụ thể đó là phải có 20% doanh nghiệp trong khu phải thực hiện các sản xuất sạch hơn. Nhưng quy định này không cụ thể thế nào là "sạch hơn" hay như thế nào là "sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn". Trong khi để sử dụng tài nguyên sạch hơn, hiệu quả hơn, thì bản thân KCN và các doanh nghiệp trong khu cũng phải đầu tư một nguồn tài chính rất lớn để thay đổi toàn bộ công nghệ, dây chuyền. Trong khi đó, lại không có quy định cụ thể thì rất khó để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi”, bà Loan nêu ví dụ.

Về phía Bộ KH&ĐT, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh vai trò của UBND các tỉnh trong việc hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp, để hỗ trợ việc kết nối và thực hiện các sáng kiến khu công nghiệp sinh thái, cũng như chuyển giao các công nghệ tiên tiến trong khu công nghiệp.

Đồng thời, vai trò quan trọng của việc hỗ trợ thực hiện giải pháp khu công nghiệp sinh thái là ban quản lý các khu công nghiệp tại các tỉnh thành phố. Ban quản lý có thể giao cho một đơn vị công lập thực hiện các chức năng xây dựng, cung cấp thông tin, kết nối, tư vấn quá trình triển khai thực hiện khu công nghiệp sinh thái.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/xanh-hoa-khu-cong-nghiep-lot-o-don-dai-bang-1099011.html