Xăng giảm giá nhiều lần, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn đứng yên

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 24 lần điều chỉnh, trong đó 13 lần tăng, 10 lần giảm và một lần giữ nguyên. Riêng giá xăng đã có kỳ giảm giá lần thứ 7 từ đầu tháng 7.

Theo đó, giá xăng dầu được đánh giá đã trở về mức thấp, tương đương với cuối năm 2021. Hiện giá các mặt hàng xăng dầu đồng loạt giảm hơn 1.000 đồng/lít, theo đó, xăng E5RON92 có giá bán không cao hơn 22.231 đồng/lít; xăng RON95-III: không cao hơn 23.215 đồng/lít; dầu diesel 0.05S: không cao hơn 24.180 đồng/lít. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn đứng yên.

Nhu cầu tiêu dùng của người dân đang trở lại như thời gian trước khi đại dịch diễn ra.

Tại các chợ, giá thịt lợn vẫn ở mức như cách đây khoảng 2 tháng. Sườn thăn 150.000 đồng/kg; nạc thăn, nạc vai, ba chỉ 140.000 đồng/kg; mông sấn, vai sấn 110 - 120.000 đồng/kg; móng giò từ 80.000-90.000 đồng/kg; thịt bò 250.000 - 280.000 đồng/kg. Thực tế giá thịt lợn tại các chợ vẫn đứng ở mức cao. Tương tự, rau xanh gần đây dù đã hạ giá nhưng vẫn khá đắt.

Đối với thực phẩm chế biến sẵn, và một số mặt hàng thiết yếu nhiều mặt hàng không những không giảm giá mà còn tăng. Chị Nguyễn Thị Hoa (chủ cửa hàng tạp hóa tại Hà Đông- Hà Nội) cho biết, sữa Vinamilk hộp 180 ml tăng 10.000 đồng/thùng, lên giá 345.000 đồng/thùng; mì chính, tăng 1.000 đồng/kg, giá bán là 65.000 đồng/kg; đường kính tăng 2000 đồng/kg lên 22000 đồng/kg. Đối với mì ăn liền, sau khi thiết lập mặt bằng giá mới cách đây vài tháng thì mì ăn liền giữ ổn định ở mức cao.

Giám đốc Siêu thị Co.Opmart Hà Đông, bà Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, đến thời điểm hiện tại nhà bán lẻ này chưa nhận được thông báo điều chỉnh giá bán từ các nhà phân phối. Giá bán các hàng hóa khác vẫn được giữ nguyên như khi giá xăng dầu đứng ở mức đỉnh hồi tháng 7.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu không chịu giảm được cho là giá nguyên vật liệu sản xuất trên thế giới vẫn đứng ở mức cao. Trong khi đó, thời gian qua giá dầu giảm ít hơn, thậm chí còn cao hơn giá xăng mà dầu được sử dụng nhiều trong sản xuất, vận tải nên tác động nhiều đến giá thành hàng hóa. Trong thời gian tới, nếu xăng dầu tiếp tục giảm và giữ ổn định cùng với đó, cả chuỗi cung ứng, hệ thống logistic giảm giá thì giá hàng hóa chắc chắn sẽ giảm. Tuy nhiên, để giảm được thì cũng cần có độ trễ và lộ trình vì hiện hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tăng cao, doanh nghiệp chịu nhiều áp lực tăng giá nhiều khâu nên không thể hạ giá thành sản phẩm ngay được.

Theo Tổng cục Thống kê, nhóm hàng lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng khoảng 1/4 trong tổng chi tiêu dùng của dân cư. Dự báo giá nhóm hàng này còn có khả năng tăng trong các tháng cuối năm, nhất là khi dịch đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng của người dân đang trở lại như thời gian trước khi đại dịch diễn ra. Mặc dù là quốc gia có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào nhưng Việt Nam sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng từ giá thế giới khi nguồn cung phân bón và ngũ cốc dùng làm thức ăn chăn nuôi sụt giảm mạnh.

Trân Trân

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/xang-giam-gia-nhieu-lan-gia-ca-nhieu-mat-hang-thiet-yeu-van-dung-yen-i667364/