Xăng dầu tạm nhập chuyển tiêu thụ nội địa không phải xin giấy phép

Tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đối với trường hợp xăng dầu chuyển tiêu thụ nội địa tại Thông tư 69/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cho biết, khi thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu chuyển tiêu thụ nội địa đối với xăng dầu tạm nhập thì không phải xin giấy phép của Bộ Công Thương.

Công chức Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 3 giám sát xăng dầu NK. Ảnh: Thu Hòa

Trước đó, trong quá trình thực hiện Thông tư 69/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, Hải quan địa phương đã phản ánh vướng mắc về hồ sơ hải quan trong trường hợp xăng dầu tạm nhập không tái xuất hết chuyển tiêu thụ nội địa có cần phải xin giấy phép hay không?

Thực tế, hàng xăng dầu không tái xuất hết được quyết toán và chuyển tiêu thụ nội địa liên tục theo từng tờ khai tạm nhập nên việc xin phép Bộ Công Thương gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như cơ quan Hải quan.

Do đó, Hải quan địa phương đề nghị đối với hàng xăng dầu chuyển tiêu thụ nội địa do không tái xuất hoặc tái xuất không hết không cần giấy phép của Bộ Công Thương.

Giải đáp vướng mắc về thủ tục hải quan trong trường hợp này, Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ quy định tại Điều 7, khoản 2 Điều 35 Nghị định 83/2014/NĐ-CP thì thương nhân thực hiện kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu (mặt hàng xăng dầu không thuộc danh mục mặt hàng phải có Giấy phép nhập khẩu của Bộ Công Thương).

Do vậy, khi thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu chuyển tiêu thụ nội địa đối với xăng dầu tạm nhập thì không phải xin Giấy phép của Bộ Công Thương.

Trách nhiệm của thương nhân khi làm thủ tục hải quan đối với xăng dầu, hóa chất, khí chuyển tiêu thụ nội địa được quy định tại Điều 20 Thông tư 69/2016/TT-BTC gồm: Kê khai, nộp đủ thuế theo quy định trên tờ khai hải quan mới và ghi rõ số tờ khai hải quan hàng hóa tạm nhập ban đầu, hình thức chuyển tiêu thụ nội địa…

Trường hợp người nộp thuế chuyển tiêu thụ nội địa nhưng không tự giác kê khai, nộp thuế với cơ quan Hải quan, nếu cơ quan Hải quan hoặc cơ quan chức năng khác kiểm tra, phát hiện thì người nộp thuế bị ấn định số tiền thuế phải nộp theo tờ khai hải quan hàng hóa tạm nhập ban đầu và bị xử phạt theo quy định hiện hành. Người nộp thuế có trách nhiệm nộp đủ số tiền thuế còn thiếu, tiền chậm nộp và tiền phạt (nếu có) theo quyết định của cơ quan Hải quan.

N.Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/xang-dau-tam-nhap-chuyen-tieu-thu-noi-dia-khong-phai-xin-giay-phep.aspx