Xã Xuất Hóa: Dẫn đầu về số người tham gia BHYT hộ gia đình của huyện Lạc Sơn

Xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) có 1.887 hộ với 8.065 nhân khẩu, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 75%. Dù vậy, xã không thuộc diện được Nhà nước cấp BHYT miễn phí cho người dân tộc thiểu số như các xã vùng 135. Do đó, việc triển khai BHYT trên địa bàn thời gian đầu gặp nhiều khó khăn.

Lãnh đạo UBND xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) trao thẻ BHYT hộ gia đình cho bà Bùi Thị Tràn, xóm Thượng Bầu.

Lãnh đạo UBND xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) trao thẻ BHYT hộ gia đình cho bà Bùi Thị Tràn, xóm Thượng Bầu.

Qua tìm hiểu được biết, khi xã được chọn làm điểm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, được điều chỉnh từ khu vực II sang khu vực I, một số chế độ, chính sách của bà con bị cắt giảm gây ra những xáo trộn, nhất là trong khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Từ khi được chiều chỉnh sang khu vực I, bà con dân tộc thiểu số không được cấp BHYT miễn phí như trước mà chỉ một số đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng. Trước tình hình đó, UBND xã phối hợp với BHXH huyện Lạc Sơn tuyên truyền, vận động, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của bà con về chính sách BHXH, BHYT theo đúng quy định hiện hành. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đến người dân, doanh nghiệp, công ty, trường học, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn; chỉ đạo cán bộ chuyên môn tham gia lớp tập huấn, lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT.

Nhờ chỉ đạo kịp thời, công tác tuyên truyền, vận động về chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn đã phát huy hiệu quả. Từ chỗ rất ít người có BHYT sau khi xã chuyển sang khu vực I, đến nay, tỷ lệ người có BHYT toàn xã đạt 85,3%. Công tác BHYT trên địa bàn xã đạt được những kết quả tích cực.

Ông Bùi Văn Nhan, 62 tuổi ở xóm Thượng Bầu là người dân tộc thiểu số không thuộc diện được cấp BHYT miễn phí, khi được cán bộ giải thích, ông hiểu và mua BHYT tự nguyện cho cả gia đình. Hiện, gia đình ông có 5 nhân khẩu, trong đó, 4 người là lao động chính. Ông Nhan cho biết: Cách đây 3 tháng, tôi đi làm đồng bị trượt ngã gãy chân nên phải đi viện để mổ. Mổ lần đầu chưa ổn định nên phải đi mổ lại. Sau 2 lần mổ tốn hơn 6 triệu đồng, còn 1 lần đi mổ rút đinh nữa. Nếu không có BHYT thì mỗi lần đi như vậy phải thanh toán hơn 10 triệu đồng, cộng tất cả chi phí có khi đến 40 triệu đồng. Với hoàn cảnh gia đình tôi thì đây là số tiền khá lớn.

Không chỉ gia đình ông Nhan mà nhiều gia đình ở xã Xuất Hóa cũng gặp những rủi ro tương tự và được BHYT chi trả đầy đủ theo quy định. Một số trường hợp ốm đau, tai nạn nhẹ trực tiếp đến trạm y tế xã được chăm sóc, hưởng các quyền lợi đầy đủ. Năm 2019, trạm y tế xã khám cho gần 2.000 lượt người, điều trị ngoại trú gần 3.000 lượt người có BHYT, trong đó, trên 90% là BHYT hộ gia đình. Đây là xã có tỷ lệ người khám, chữa bệnh bằng BHYT hộ gia đình đứng đầu ở huyện Lạc Sơn.

Để có được kết quả trên, bài học kinh nghiệm được Đảng ủy, UBND xã rút ra đó là: Khi cấp ủy, chính quyền có sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt thì dù khó khăn đến mấy, việc thực hiện chính, sách pháp luật về BHXH sẽ đạt kết quả cao. Đây cũng là bài học kinh nghiệm để BHXH huyện Lạc Sơn nhân rộng ra các xã khác trong thời gian tới, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020 và các mục tiêu cụ thể được xác định tại Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành T.Ư (khóa XII) về cải cách chính sách BHXH.

Bùi Công Nhắn (Trung tâm VH-TT&TT huyện Lạc Sơn)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/136758/xa-xuat-hoa-dan-dau-ve-so-nguoi-tham-gia-bhyt-ho-gia-dinh-cua-huyen-lac-son-.htm