Xã Triệu Trạch tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Triệu Trạch (Triệu Phong) đã có nhiều giải pháp mang tính đột phá cao để phát triển kinh tế nông nghiệp. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 của Đại hội Đảng bộ xã đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp của xã luôn đạt ở mức cao, năm 2020 đạt 93 tỉ đồng, năm 2021 đạt 92 tỉ đồng, năm 2022 đạt 99,3 tỉ đồng. Với kết quả đó đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2022 bình quân đạt 63,8 triệu đồng/người.

Sử dụng máy thu gom rơm sau thu hoạch ở xã Triệu Trạch, Triệu Phong -Ảnh: X.V

Bí thư Đảng ủy xã Triệu Trạch Lê Đình Liêm cho biết, thời gian qua, xã rất quan tâm đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp. Theo đó, đã xây dựng cánh đồng lớn, cánh đồng màu, mô hình canh tác tự nhiên, mô hình sen - cá, phát triển trang trại, gia trại gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Đối với cánh đồng lớn, năm 2020 diện tích chỉ đạt 145 ha, đến nay đạt 205 ha, mô hình canh tác tự nhiên từ 4,78 ha lên 14,78 ha; chuyển đổi diện tích lúa sản xuất kém hiệu quả sang mô hình trồng sen từ 9,7 ha đến nay lên 10,3 ha; triển khai mô hình lúa hữu cơ tại Hợp tác xã (HTX) Lệ Xuyên với diện tích 10 ha, nhiều HTX duy trì cánh đồng màu với diện tích 12 ha.

Để đạt được năng suất và chất lượng cao, người dân đã cải tạo đồng ruộng, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong đó đã thử nghiệm thành công việc phun thuốc bằng máy bay không người lái, đồng thời đưa nhiều giống lúa mới vào sản xuất theo hướng tăng diện tích lúa chất lượng cao, lúa ngắn ngày, giảm dần giống lúa dài ngày để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” với dưa hấu Long Quang và đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu sản phẩm. Hiện nay, xã Triệu Trạch đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng sản phẩm “Ổi sạch Vân Tường”. Trước đó, vào năm 2020, sản phẩm bánh nổ Sương Mai được công nhận là sản phẩm công nghiệp tiêu biểu của tỉnh, hiện đang phấn đấu để đạt sản phẩm OCOP.

Mặc dù từ năm 2020 đến nay, tình trạng chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai nhưng người dân vẫn tiếp tục duy trì và phát triển. Hiện nay, toàn xã có đàn bò hơn 800 con, đàn lợn 2.712 con, đàn gia cầm 99.320 con. Xã cũng đã duy trì và phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản, hằng năm đạt hơn 71 ha diện tích mặt nước.

Một lợi thế nữa đó là diện tích đất rừng của xã khá lớn với hơn 1.825 ha, trong đó rừng trồng 1.767,9 ha, rừng cây tự nhiên 57,6 ha. Hiện nay, các HTX, thôn giao những vùng đất hoang hóa cho tổ chức, hộ dân trồng cây lâm nghiệp. Nhờ phát triển mạnh rừng trồng nên nhiều hộ có thêm nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền xã Triệu Trạch chỉ đạo các HTX thực hiện tốt Luật HTX năm 2012 để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, liên doanh liên kết với doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường để bao tiêu sản phẩm cho xã viên, đồng thời hỗ trợ người dân thực hiện tốt việc xây dựng cánh đồng lớn, mô hình canh tác tự nhiên, mô hình trồng sen, cánh đồng màu, cải tạo đồng ruộng, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất như gieo sạ hàng, canh tác tự nhiên, phun thuốc bằng máy bay không người lái...

Tuy vậy, bên cạnh thuận lợi trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xã Triệu Trạch còn gặp nhiều khó khăn như việc liên doanh liên kết giữa người dân với doanh nghiệp và thị trường chưa nhiều, một số sản phẩm làm ra giá cả còn phụ thuộc vào tiểu thương nên khá thấp. Việc quảng bá nhãn hiệu sản phẩm “Dưa hấu Long Quang”, sản phẩm “Ổi sạch Vân Tường” còn ít nên khó tiếp cận với thị trường. Việc phát triển trang trại, gia trại ra vùng cát còn khó khăn, mô hình kinh tế có hiệu quả cao để nhân rộng còn ít...

Để tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ông Lê Đình Liêm cho biết thêm, trong thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện tốt công tác cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, xã tích cực thực hiện xây dựng cánh đồng lớn, cánh đồng màu, mô hình canh tác tự nhiên, diện tích sen - cá, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh thâm canh, làm tốt công tác giống để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.

Mặt khác, xã chủ động đẩy mạnh liên doanh liên kết với doanh nghiệp và tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Đồng thời phát triển mạnh kinh tế trang trại, gia trại. Duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất của trang trại, gia trại và mô hình công nghệ cao đến với người dân. Chú trọng chăn nuôi theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng, trong đó tăng tỉ lệ zê bu hóa đàn bò cũng như thực hiện tốt việc tái đàn để phát triển chăn nuôi, nhất là tăng mạnh số lượng đàn lợn, gia cầm, gắn phát triển chăn nuôi với bảo vệ môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.

Xã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan các cấp đẩy mạnh quảng bá nhãn hiệu và tiêu thụ sản phẩm dưa hấu Long Quang, ổi sạch Vân Tường, bánh nổ Sương Mai, đồng thời đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, trong đó xác định HTX là “bà đỡ” cho xã viên phát triển kinh tế nông nghiệp. Để HTX làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, cấp ủy, chính quyền xã tạo điều kiện cho cán bộ HTX tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao năng lực quản lý, điều hành HTX trong tình hình mới.

Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của HTX kiểu mới Linh An, Long Quang, qua đó giúp các HTX trở thành điểm sáng trong phát triển nông nghiệp ở địa phương. Triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng hiệu quả, không để xảy ra cháy rừng cũng như tiếp tục trồng rừng ở những nơi đã khai thác.

Tận dụng hết quỹ đất trống để trồng cây phân tán với sự tham gia của người dân cũng như thực hiện Dự án Hiện đại hóa lâm nghiệp (FMCR) gồm quản lý hiệu quả rừng, phục hồi và phát triển rừng, tạo lợi ích bền vững từ rừng ven biển.

Xuân Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/xa-trieu-trach-tap-trung-phat-trien-kinh-te-nong-nghiep/180626.htm