Xã Thuận nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Thuận là xã vùng cao, biên giới của huyện Hướng Hóa. Những năm qua, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng tích cực, chung tay góp sức của Nhân dân nên quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới đã mang lại hiệu quả tích cực, làm cho đời sống và cảnh quan địa phương ngày một đổi thay.

 Một góc xã Thuận - Ảnh: N.Đ.P

Một góc xã Thuận - Ảnh: N.Đ.P

Những ngày đầu năm mới 2022, chúng tôi trở lại xã Thuận, một trong 11 xã biên giới của huyện miền núi Hướng Hóa. Đề cập về quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương, Chủ tịch UBND xã Thuận Hồ A Dung cho biết, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM nên Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành sát đúng với tình hình thực tế. Nhờ vậy, trong quá triển khai thực hiện, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như tập quán canh tác của người dân còn lạc hậu, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiếu đồng bộ; hậu quả thiên tai khá nặng nề... nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hưởng ứng tham gia tích cực, chung tay, góp sức của Nhân dân, nên đã mang lại những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế phát triển; đời sống Nhân dân ngày càng cải thiện; văn hóa - xã hội đều có những chuyển biến tích cực; quốc phòng - an ninh được tăng cường, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Để nâng cao thu nhập cho người dân, trong quá trình xây dựng NTM, xã Thuận đã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng là tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết và đất đai của địa phương. Theo đó, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, đoàn thể về nguồn vốn, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động Nhân dân chú trọng phát triển các loại cây trồng chủ lực như chuối, sắn; trồng mới cao su, gừng, nghệ; tận dụng đất ven triền đồi trồng cây lương thực.

Đến nay, toàn xã đã có diện tích sắn 499 ha, sản lượng gần 5.000 tấn sắn củ tươi; chuối 486 ha, sản lượng gần 7.000 tấn quả tươi, cao su 54,1 ha, 10 ha cà phê, gần 40 ha ngô... Mặt khác, tận dụng địa hình có nhiều đồi bãi và nguồn thức ăn tự nhiên, xã Thuận đã chú trọng phát triển chăn nuôi trâu, bò đàn, lợn, dê và các loại gia cầm. Đến nay đàn trâu, bò có 748 con, 516 con lợn, 868 con dê, hơn 6.700 con gia cầm các loại. Bên cạnh đó, các ngành nghề, dịch vụ cũng được chú trọng phát triển. Thu nhập bình quân của xã đạt 16,6 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 38,92% năm 2021.

Cùng với tập trung đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống của người dân, thông qua nguồn vốn của các chương trình dự án và sự hiến đất, góp công của người dân, như hộ ông Pả Hiền ở Bản 4 hiến 900 m2 , hộ ông Hồ Văn Vai ở Bản 2 hiến 289 m2 , hộ ông Hồ Khăm Xêng hiến 250 m2 đất…, các công trình đường giao thông, trường học, trụ sở làm việc, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng… đã được đầu tư xây dựng phục vụ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo diện mạo mới cho nông thôn vùng biên. Với nguồn vốn gần 3 tỉ đồng của nhà nước và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020, xã đã đầu tư nâng cấp cải tạo nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Thuận 1 thành nhà phòng, tránh lũ; sửa chữa san ủi các tuyến đường vào khu sản xuất, hệ thống điện chiếu sáng khu trung tâm cụm xã, sân và đường bê tông vào nhà cộng đồng thôn Thuận 2, xây dựng sân chơi Trường Tiểu học Bản 4; xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời chiếu sáng tại các thôn Thuận 5, Thuận Hòa và Bản 7, nâng cấp, sửa chữa hệ thống nước sinh hoạt tự chảy, sân chơi điểm trường Bản 4, Trường Tiểu học Thuận, sửa chữa cống Bản 2 và cống bản Úp Ly 2; sửa chữa các tuyến đường vào khu sản xuất bị hư hỏng do mưa lũ... Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân luôn được quan tâm; văn hóa, xã hội đều có những chuyển biến tích cực. Số lượng và chất lượng của các bậc học hằng năm đều tăng. Xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS.

Các hoạt động văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao có nhiều khởi sắc. Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư đã được đông đảo Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho Nhân dân và phòng, chống dịch bệnh, nhất là COVID-19 được triển khai đảm bảo theo quy định. Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ ngày một hiệu quả.

Các hoạt động tình nghĩa và chính sách xã hội luôn được quan tâm. Tình thôn, nghĩa bản ngày một thắt chặt. Lực lượ̣ng công an, dân quân của xã đã phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Thuận và các lực lượng liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý các vụ việc xảy ra trên địa bàn; phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với xây dựng NTM đã góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Công tác xây dựng hệ thống chính trị luôn được chú trọng, được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy các phong trào thi đua và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Với tinh thần nỗ lực vượt khó, cùng sự quyết tâm chung sức, đồng lòng của cấp ủy đảng, chính quyền và người dân, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thực sự đem lại diện mạo mới cho xã Thuận.

Nguyễn Đình Phục

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=164778&title=xa-thuan-no-luc-xay-dung-nong-thon-moi