Xã hội hóa sách giáo khoa: Đừng để thành thương mại hóa

Sách giáo khoa (SGK) là mặt hàng thiết yếu cho hàng triệu học sinh, nhưng giá sách lại đang nhảy múa hàng năm, khiến phụ huynh bức xúc. Việc SGK xã hội hóa tăng giá và đắt đỏ khiến nhiều người lo ngại về hiệu quả xã hội hóa và cảnh báo nguy cơ biến thành thương mại hóa.

SGK đắt đỏ vì gánh thêm chi phí xã hội hóa

Ngày 4/8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn ký báo cáo của Chính phủ gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình một số vấn đề cần lưu ý qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK phổ thông.

Mức chiết khấu trong chi phí phát hành SGK, giá SGK hiện nay là một trong những nội dung đáng quan tâm được Bộ trưởng GD-ĐT giải trình trong báo cáo này.

Báo cáo cho biết theo các quy định hiện nay, Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) chủ trì tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá SGK và rà soát nội văn bản kê khai giá để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý Nhà nước về giá, kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật.

Các nhà xuất bản (NXB) tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá SGK đã kê khai với Bộ Tài chính.

Theo văn bản kê khai giá của NXB giáo dục Việt Nam với Bộ Tài chính, mức chiết khấu phát hành SGK theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 kê khai từ năm 2020 cụ thể là: 23% cho SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6; 22,5% cho sách lớp 3, lớp 7 và lớp 10. SGK lớp 4, 8 và 11 có mức chiết khấu 21%.

Báo cáo được Bộ trưởng GD-ĐT ký đã nhìn nhận mức chiết khấu như vậy có tác động đáng kể đến giá SGK. Vì vậy, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng mức giá trần của SGK theo quy định để tăng cường quản lý của Nhà nước đối với giá sách. Đây là giải pháp quản lý giá, giảm mức chiết khấu phát hành SGK.

Đánh giá về xã hội hóa SGK, báo cáo thừa nhận thực tế giá SGK ở mức cao hơn so với chương trình cũ.

Việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK thu hút được đông đảo đội ngũ trí thức, nhà giáo, chuyên gia giỏi tham gia nên sẽ có sự cạnh tranh về mặt chất lượng, hình thức, nội dung. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ thừa nhận thời gian qua có một số bộ SGK mới có giá cao hơn so với bộ SGK theo chương trình cũ trước đây.

Lý do được báo cáo của Chính phủ liệt kê là khổ sách, số cuốn sách, số màu in các cuốn sách trong bộ sách mới đều cao hơn bộ sách cũ. Hai là chi phí nguyên nhiên vật liệu, chi phí nhân công...tại thời điểm hiện tại đều tăng cao so với trước đây. Ba là một số chi phí như chi phí bản thảo, nhuận bút lần đầu... trước đây được ngân sách nhà nước chi trả nay không được ngân sách nhà nước hỗ trợ nên đã được tính vào giá. Bốn là phát sinh mới một số chi phí gắn với việc xã hội hóa như chi phí quảng bá, giới thiệu sách, lợi nhuận....

Đừng biến SGK thành món hàng thương mại hóa

Từ báo cáo của Chính phủ có thể thấy rõ ràng việc giá SGK cao hơn so với chương trình cũ là thực tế. Trong đó, có lý do là “gánh” thêm nhiều chi phí xã hội hóa SGK như báo cáo đã liệt kê.

Công ty làm bộ SGK Cánh Diều – đơn vị tư nhân đầu tiên làm SGK cũng đã “đổi đời”, từ đang lỗ chuyển sang lãi lớn. Sách của công ty này cũng đắt nhất trong 3 bộ sách hiện nay.

Trước khi làm SGK Cánh Diều, kết quả kinh doanh của VEPIC kém khả quan. Năm 2017, công ty lỗ hơn 1,8 tỷ đồng. Năm 2018 doanh nghiệp ghi nhận số lỗ hơn 10,3 tỷ đồng. Và một năm sau, con số tiếp tục gia tăng khi mức lỗ là 14,4 tỷ đồng. Doanh thu của các năm này cũng rất thấp. Năm 2017-2019 doanh thu chỉ vỏn vẹn 4-6 tỷ đồng mỗi năm.

So với giai đoạn 2017-2019, thì năm 2022, doanh thu của VEPIC đã tăng tới 100 lần với tổng doanh thu năm 2022 là hơn 615,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 46 tỷ đồng. Lý do chủ yếu là từ 2020 công ty này bắt đầu được tham gia biên soạn, phát hành SGK.

Xã hội hóa, có nhiều bộ SGK với mục tiêu là cạnh tranh, giá sách tốt hơn nhưng cuối cùng giá sách xã hội hóa lại cao nhất, doanh nghiệp lãi lớn. Đó là băn khoăn của không ít phụ huynh mỗi lần nhìn giá sách leo thang.

Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn đang toàn quyền về giá sách. Theo quy định hiện hành, SGK chỉ phải thực hiện kê khai giá với Cục Quản ký giá (Bộ Tài chính). Song thực tế do không phải là mặt hàng nhà nước định giá, nên quyền quyết định giá vẫn là của doanh nghiệp. Nhà nước chỉ tiếp nhận kê khai giá của đơn vị. Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có trách nhiệm rà soát xem đơn vị xuất bản có kê khai khoản mục chi phí và biểu mẫu có đúng Thông tư 233 hay không (Thông tư 223 ngày 11/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2014/TT-BTC ngày 28/4/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá).

Bất cập đó đã khiến Quốc hội phải sửa đổi, đưa SGK vào danh mục mặt hàng Nhà nước định giá và áp giá trần. Ngày 19/6/2023, Luật Giá sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2024. Khi Luật Giá có hiệu lực, thì việc quản lý giá SGK khác cơ chế hiện nay. Nhà nước sẽ định giá tối đa sách giao khoa và giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo làm công việc này. Nhà nước định giá khác với doanh nghiệp định giá ở chỗ Nhà nước phải căn cứ vào hồ sơ giá của đơn vị, xem tất cả chi phí đầu vào của họ có hợp lý hợp lệ hay không. Trường hợp không hợp lý thì phải giảm trừ chi phí ra khỏi cơ cấu giá SGK và ban hành giá tối đa. Trên cơ sở giá tối đa đó, Nhà xuất bản sẽ đưa ra giá cụ thể để bán cho người dân.

Tại Hội nghị góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về triển khai thực hiện Chương trình, SGK giáo dục phổ thông 2018 mới đây, GS Trần Ngọc Đường (Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật - Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam) đề nghị, Quốc hội tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục, đồng thời cho rằng, không nên xã hội hóa trong biên soạn SGK mà Nhà nước nên đầu tư để có bộ SGK chuẩn cho học sinh.

Còn ông Nguyễn Túc (Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQVN) chỉ ra bất cập khi xã hội hóa không đến nơi đến chốn khiến xã hội hóa biến thành thương mại hóa, và hậu quả là xảy ra một số vụ án liên quan SGK vừa được phanh phui, trong đó có sự móc ngoặc giữa người có chức có quyền với người làm kinh d oanh.

Duyên Hải

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/xa-hoi-hoa-sach-giao-khoa-dung-de-thanh-thuong-mai-hoa-20180504224287405.htm