Xã hội hóa giáo dục để học sinh vùng cao không 'đánh rơi con chữ'

'Lương thực cho em', 'Tủ sách vùng cao' hay 'Trường bán trú dân nuôi'. Đây là những mô hình xã hội hóa giáo dục đang hoạt động rất hiệu quả tại các trường học vùng cao. Bằng sự chung tay, giúp đỡ của toàn xã hội, các em học sinh tại các trường vùng sâu, vùng xa đã bớt đi những khó khăn trên con đường tìm đến tri thức.

Sau khi chuyển về vùng xã vùng 1, các chế độ hỗ trợ bị cắt giảm, nhưng nhờ việc linh hoạt của các thầy cô mà năm học này trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thanh Bình vẫn duy trì được hoạt động bán trú cho 115 em ở 4 thôn xa và khó khăn nhất của xã.

Nhiều trường học cũng đã chủ động cân đối nguồn lương thực để hỗ trợ học sinh bán trú nhưng không còn được hưởng chế độ theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính Phủ. Đồng thời sắp xếp thời gian để thầy, cô vừa thực hiện tốt công tác giảng dạy, vừa đảm nhiệm thêm phần việc đảm bảo bữa ăn cho các em học sinh bán trú.

Năm học 2022 – 2023, tỉnh Lào Cai có trên 240.000 học sinh được hỗ trợ tiền ăn, học phẩm, sách giáo khoa theo Nghị quyết 09 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, sang năm học 2023-2024 thì các em không còn được hưởng chính sách này. Để giải quyết khó khăn trước mắt, từ đầu năm đến nay, ngành giáo dục tỉnh Lào Cai đã vận động từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ các trường học bán trú.

Từ nguồn xã hội hóa, hàng chục nghìn học sinh ở vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được học tập thuận lợi hơn. Sự chung tay, giúp đỡ của toàn xã hội cũng thể hiện trách nhiệm, kỳ vọng đối với các thế hệ trẻ là những chủ nhân tương lai của đất nước.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Vũ Thắng - Hồng Ngọc

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/xa-hoi-hoa-giao-duc-de-hoc-sinh-vung-cao-khong-danh-roi-con-chu-195358.htm