Xã Hải Quế khai thác hiệu quả vùng cát

Nhiều năm nay, người dân xã Hải Quế, huyện Hải Lăng đã khai thác tốt lợi thế thổ nhưỡng của vùng cát ở địa phương để trồng các loại cây hoa màu, trong đó chú trọng đến cây dưa hấu, dưa quả các loại. Cùng với tập trung sản xuất lúa, hiệu quả của việc chuyên canh cây hoa màu đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp người dân địa phương cải thiện và nâng cao đời sống.

Cây dưa hấu ở vùng cát xã Hải Quế, huyện Hải Lăng mang lại hiệu quả kinh tế cao -Ảnh: Đ.V

Cây dưa hấu ở vùng cát xã Hải Quế, huyện Hải Lăng mang lại hiệu quả kinh tế cao -Ảnh: Đ.V

Ba năm nay, anh Nguyễn Văn Hiền, nông dân thôn Kim Long, xã Hải Quế đã thuê vùng đất cát pha với diện tích gần 5 mẫu (khoảng 50 sào) ở thôn Hội Yên cùng xã để canh tác một vụ lúa và 2 vụ dưa hấu. Vừa kết thúc vụ lúa đông xuân năm nay, vợ chồng anh Hiền đã thuê máy cày lên luống và khẩn trương xuống giống toàn bộ diện tích.

Hiện một phần diện tích dưa hấu đã gần qua tháng thứ 2 đang lên xanh tốt, số diện tích còn lại vừa trồng khoảng 1 tuần. Anh Hiền cho biết, đất cát pha vùng này ẩm mát nên rất phù hợp với canh tác cây dưa hấu. Năm trước năng suất, sản lượng và chất lượng vườn dưa hấu của gia đình anh đạt cao, vừa được mùa vừa được giá.

“Tính ra năm ngoái dưa của gia đình tôi cho thu nhập 7-8 triệu đồng/sào, quả dưa to, ngon, chín tận vỏ nên có giá trị cao. Thương lái thường phải đặt trước và đến thu hái ngay tại vườn với giá trên 8.000 đồng/kg. So với cây lúa thì cây dưa hấu cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần”, anh Hiền cho hay. Trước khi xuống vụ dưa hấu ở vùng đất cát pha này, gia đình anh Hiền cũng vừa thu hoạch xong vụ dưa hấu ở vùng cát thôn Kim Long với diện tích 6 sào.

“Chi phí thu được từ mấy sào dưa hấu ở vùng cát cũng cơ bản đủ để đầu tư phân bón, giống, chi phí cày đất cho diện tích này. Gia đình tôi hy vọng đợt trồng dưa trái vụ này sẽ trúng mùa, được giá để có nguồn thu nhập cao sau khoảng 2 tháng nữa. Do diện tích lớn nên cao điểm gia đình tôi phải thuê thêm người làm cỏ, thu hoạch”, anh Hiền nói thêm.

Ngoài trồng dưa hấu, gia đình anh Hiền còn làm thêm 3 mẫu ruộng. Nhờ cần cù chịu khó và nhạy bén với thị trường nên nhiều năm nay, chỉ tính riêng từ cây dưa hấu gia đình anh Hiền đã có thu nhập khá cao, đạt trên 100 triệu đồng/ vụ.

Ở xã Hải Quế, cây dưa hấu là cây trồng truyền thống có từ cách đây hàng chục năm và đây là loại cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các gia đình. Chị Nguyễn Thị Hồng, thôn Kim Long cho biết: “Năm nay giá dưa hấu loại to tùy thời điểm bán tại vườn đạt từ 5.000 - 7.000 đồng/kg, loại nhỏ khoảng 4.000 đồng/kg. “Gia đình tôi trồng khoảng hơn 5 sào dưa hấu, trong đó do thiếu nước nên một nửa diện tích năng suất kém. Hơn 2 sào còn lại thu được 7-8 triệu đồng. Gia đình tôi còn trồng nhiều loại hoa màu xen canh, luân canh gối vụ như ném, sắn, dưa leo, dưa gang, bắp, đậu, ớt… Nhìn chung cũng nhờ có nguồn thu nhập từ cây trồng ở vùng cát nên đời sống của người dân chúng tôi khá ổn định”.

Chúng tôi gặp bà Hoàng Thị Gái, thôn Đơn Quế tranh thủ thu hoạch lứa dưa hấu cuối vụ trong tổng số 6 sào của gia đình mình để chuẩn bị chuyển trồng sang cây hoa màu khác. Bà Gái cho biết gia đình bà đã canh tác ở vùng cát từ vài chục năm qua.

“Trước đây vùng đất cát này hoang hóa, mùa nam nắng cát bay mù mịt, mùa mưa thì ngập úng trong khi đó đời sống của người dân chúng tôi rất vất vả. Nhờ sự hỗ trợ của nhà nước, chính quyền địa phương mà hiện nay vùng này đã có đường giao thông, điện kéo ra tận nơi để chúng tôi có thể canh tác thuận lợi. Nhiều năm nay, chúng tôi đã chuyển đổi nhiều loại cây trồng phù hợp, trong đó chú trọng trồng cây dưa hấu, dưa leo, dưa quả các loại và đã có nguồn thu nhập thêm ngoài làm ruộng nên đỡ vất vả hơn nhiều”, bà Gái chia sẻ.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Quế Nguyễn Văn Hòa cho biết, diện tích đất vùng cát đã khai thác để canh tác hoa màu và dưa hấu, dưa quả các loại của xã Hải Quế đến nay là khoảng 140 ha, trong đó thôn Kim Long khoảng 70 ha, diện tích còn lại là của các thôn Hội Yên, Đơn Quế...

Trong số các loại hoa màu canh tác hằng năm thì diện tích đưa vào trồng dưa hấu của xã chiếm khoảng gần 1/2, vì đây là cây trồng chủ lực và mang lại giá trị kinh tế cao.

Giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác cây trồng ở vùng cát của xã Hải Quế hiện nay đạt bình quân khoảng 72 triệu đồng/ha. Về cây dưa hấu thì hiện nay toàn xã có khoảng 200 hộ tham gia trồng, chủ yếu ở thôn Kim Long và Đơn Quế. Nhiều năm qua, loại cây trồng này đã mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập khá cho người dân.

Bên cạnh những thuận lợi thì theo ông Hòa, hiện việc canh tác ở vùng cát xã Hải Quế vẫn còn gặp một số khó khăn. “Hệ thống tưới tiêu ở vùng rú cát hiện tại chưa đảm bảo phục vụ sản xuất, vậy nên việc canh tác của người dân hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Ngoài ra độ ẩm trong đất vùng rú cát đã giảm nhiều do ảnh hưởng của hệ thống mương tách nước (chảy về thôn Mỹ Thủy, xã Hải An) quá sâu…

Chúng tôi mong muốn hệ thống tưới tiêu ở vùng rú cát thôn sẽ được đầu tư hoàn thiện để giúp bà con chủ động sản xuất thuận lợi hơn trong những năm tới”, ông Hòa kiến nghị.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/xa-hai-que-khai-thac-hieu-qua-vung-cat/178095.htm