WTO phải bảo vệ vai trò đa phương của mình

Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13 (MC13) của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã kéo dài hơn dự kiến khi có quá nhiều tranh cãi nổ ra. Tuy nhiên, những tranh cãi này lại vô cùng cần thiết để bảo vệ những giá trị nền tảng của tổ chức thương mại lớn nhất thế giới.

Những bước tiến lớn

Hội nghị Bộ trưởng quy tụ gần 4.000 bộ trưởng, quan chức thương mại cấp cao và các đại biểu từ 164 thành viên và quan sát viên của WTO cũng như đại diện từ các tổ chức xã hội dân sự, doanh nghiệp và đơn vị truyền thông toàn cầu. Ban đầu, MC13 dự kiến diễn ra từ ngày 26 - 29/2/2024. Tuy nhiên, hội nghị đã được kéo dài trong nỗ lực cuối cùng nhằm đạt được kết quả về các vấn đề gây tranh cãi khác nhau.

Bài phát biểu bế mạc của Tổng Giám đốc WTO.

Đến ngày 2/3/2024, các thành viên dự MC13 đã thông qua Tuyên bố Abu Dhabi , trong đó họ cam kết duy trì và tăng cường khả năng của hệ thống thương mại đa phương, với cốt lõi là WTO, để ứng phó với những thách thức thương mại hiện tại. Tuyên bố của MC13 nhấn mạnh tầm quan trọng của WTO, công nhận vai trò của hệ thống thương mại đa phương trong việc góp phần đạt được Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc và các Mục tiêu phát triển bền vững của nó. Bản tuyên bố cũng công nhận sự đóng góp của việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ và sự tham gia của phụ nữ vào thương mại đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Các thành viên thừa nhận vai trò và tầm quan trọng của dịch vụ đối với nền kinh tế toàn cầu vì nó tạo ra hơn 2/3 sản lượng kinh tế toàn cầu và chiếm hơn một nửa tổng số việc làm. Họ khuyến khích các cơ quan liên quan của WTO tiếp tục công việc rà soát và rút ra bài học từ đại dịch COVID-19, nhanh chóng xây dựng các giải pháp hiệu quả trong trường hợp xảy ra đại dịch trong tương lai.

Tiến sĩ Thani bin Ahmed AlZeyoudi, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương của nước chủ nhà, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đồng thời là Chủ tịch MC13 trong bài phát biểu bế mạc đã cảm ơn các thành viên tham gia tích cực trong Hội nghị. Ông lưu ý rằng “mặc dù không phải mọi thứ mà các phái đoàn đặt ra đều có thể được thực hiện nhưng cam kết được đưa ra sẽ củng cố hơn nữa hệ thống thương mại đa phương”.

Cơ chế giải quyết tranh chấp ngừng trệ làm giảm uy tín WTO.

Trong “Tuyên bố Abu Dhabi”, lần đầu tiên Hội đồng Bộ trưởng thông qua một quyết định của Bộ trưởng cho phép áp dụng cơ chế kéo dài 23 năm nhằm xem xét các quy định đối xử đặc biệt và khác biệt (S&DT) dành cho các nước đang phát triển và kém phát triển nhất (LDC) nhằm giúp cho các quốc gia này hòa nhập hiệu quả hơn vào môi trường thương mại toàn cầu. Bà Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc WTO cho biết: “Đây là một thắng lợi cho sự phát triển, một chiến thắng sẽ giúp các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển, thực hiện các cam kết WTO, thực hiện các quyền của mình và hội nhập tốt hơn vào thương mại toàn cầu”.

MC13 ghi dấu ấn vì đã kết nạp được Coromos và Đông Timor, những thành viên mới đầu tiên sau 8 năm. Đồng thời với đó là nghị quyết tái khẳng định cam kết đối với Chương trình công tác về các nền kinh tế nhỏ. MC13 cũng gây ấn tượng khi tăng tốc cho Hiệp định Trợ cấp nghề cá, với việc Nam Phi trình văn kiện chấp thuận của mình lên ban giám đốc WTO ngay trước khi Hội nghị bế mạc.

Trước đó trong hội nghị, 10 thành viên WTO khác đã nộp văn kiện chấp nhận Hiệp định Thủy sản, nâng tổng số thành viên WTO chính thức chấp nhận lên con số 71 và đưa thỏa thuận lịch sử về sự bền vững của đại dương đi đúng hướng để sớm thành hiện thực. Cho dù chưa thể kết thúc các cuộc đàm phán cho những thỏa thuận này ngay tại Abu Dhabi thì đây vẫn là bước tiến lớn của MC13 khi những thỏa thuận này đã kéo dài gần 2 thập kỷ. “Tại MC12, chúng tôi thậm chí không thể thống nhất được về một văn bản”, trích phát biểu bế mạc của Tổng giám đốc Okonjo-Iweala.

Và những tranh cãi vẫn tiếp tục

Dù không thể phủ nhận thành công của MC13 nhờ tinh thần trách nhiệm của các bên đàm phán nhưng không thể nói hội nghị lần này đã thành công trọn vẹn. Việc phải kéo dài hội nghị thêm hơn 1 ngày đàm phán cho thấy còn quá nhiều những khác biệt giữa các bên dù tất cả đều muốn vượt qua.

Bản thông cáo Abu Dhabi được thông qua vào ngày họp bổ sung.

Tổng giám đốc Okonjo-Iweala ngậm ngùi cho biết: “Trong làn sóng đàm phán trợ cấp nghề cá thứ hai, chúng ta đã thu hẹp một số khoảng cách còn tồn tại nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống khác”. Bà thừa nhận “đã hy vọng rằng chúng ta có thể kết thúc các cuộc đàm phán này ở Abu Dhabi” nhưng giờ phải “chuẩn bị cho việc kết thúc tại Hội nghị Bộ trưởng tiếp theo, nếu không muốn nói là sớm hơn” bởi “sinh kế của 260 triệu người phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào nghề cá đang bị đe dọa”.

Về nông nghiệp, dù đã đàm phán căng thẳng tại MC13 nhưng các thành viên vẫn chưa tìm được sự đồng thuận. Sự khác biệt vẫn tồn tại trong việc quy định mức dự trữ công cộng (PSH) vì mục đích an ninh lương thực. Quy định này được cho là sẽ giúp bảo vệ các quốc gia nhập khẩu thường dễ bị tổn thương do hạn chế xuất khẩu. Nhưng căng thẳng lớn nhất lại đến từ quốc gia nắm giữ vị trí quan trọng nhất của tổ chức là Mỹ. Cụ thể ở đây là việc Mỹ tiếp tục ngăn chặn việc bổ nhiệm thành viên mới của Cơ quan Phúc thẩm.

Cơ quan Phúc thẩm là hội đồng đóng vai trò giải quyết các kháng cáo đối với kết luận của ban hội thẩm trong các tranh chấp do các thành viên WTO đưa ra. Dù không hoàn hảo nhưng đây là cơ chế giải quyết tranh chấp được thiết kế nhằm cung cấp biện pháp bảo vệ chống lại các hoạt động thương mại không công bằng, đối xử bình đẳng với tất cả các nước bất kể sức mạnh kinh tế của họ. Đây từng được coi là “viên ngọc quý trên vương miện” của WTO.

Tuy nhiên, hệ thống giải quyết tranh chấp hai cấp này đã không hoạt động đầy đủ kể từ ngày 10/12/2019 khi nhiệm kỳ của hai trong số ba thành viên thẩm phán tại Cơ quan Phúc thẩm hết hạn. Do yêu cầu phải có ba thành viên nghe kháng cáo nên không còn cơ quan thường trực nào có thể quyết định kết quả của hội đồng kháng cáo. Điều này khiến các vụ kiện bị đình trệ, làm suy yếu tính hợp pháp của WTO. Lý do của sự đình trệ kéo dài này là bởi Mỹ đã ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới vào Cơ quan phúc thẩm của WTO do có khiếu nại về hoạt động tư pháp và lo ngại ảnh hưởng tới quyền lợi của Mỹ. Những nỗ lực cải cách hệ thống giải quyết tranh chấp nhằm đáp ứng yêu cầu của Mỹ và mở đường cho việc bổ nhiệm thẩm phán mới đều không thành công.

Bất chấp những đề xuất khôi phục lại hội đồng thường trực của cơ quan hoặc mở rộng hội đồng thì ngay tại MC13, Mỹ lại đưa ra đề xuất một hệ thống giải quyết tranh chấp với “điều khoản từ chối” đối với các quốc gia chỉ muốn chấp nhận quyền tài phán của Cơ quan phúc thẩm trên cơ sở từng trường hợp cụ thể. Điều này tương tự như Tòa án Công lý Quốc tế: các quốc gia được quyền “chọn tham gia” mới chịu sự phán quyết của tòa án. Có nghĩa là Mỹ hoặc bất cứ quốc gia nào cũng có thể đứng ngoài phán quyết nếu không muốn.

Đây là đề xuất làm tổn hại tính bình đẳng đa phương của WTO và đã gây ra tranh cãi nảy lửa tại MC13. Đề xuất này bị các nước đang khát triển phản đối mạnh mẽ nhất vì nó có thể cho phép các thành viên mạnh hơn về mặt kinh tế né tránh các phán quyết, làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng quyền lực. Xu hướng như vậy gây nguy hiểm cho triển vọng phát triển kinh tế của các nước nghèo hơn do ảnh hưởng đến các quyết định thương mại và đầu tư dài hạn.

Nhưng lần này, Mỹ cũng không thể thông qua đề xuất của mình khi một loạt nước đang phát triển đã đứng lên chống lại ý tưởng của Mỹ, dẫn đầu là Ấn Độ. Một lập trường cứng rắn của phe “nghèo hơn” đã giúp WTO bảo vệ được những lý tưởng ban đầu của mình. Ở một mức độ nào đó, MC13 với ý nghĩa là cơ quan ra quyết định tối cao của WTO đã cứu sự tồn tại của tổ chức này.

Hội nghị MC13 đã kéo dài hơn dự kiến.

Trong nhiều thập kỷ, cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO đã mang lại sự ổn định và khả năng dự đoán cho việc giải quyết tranh chấp giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, khi các cuộc khủng hoảng toàn cầu leo thang ảnh hưởng đến thương mại thế giới, WTO cần phải cải cách hoặc có nguy cơ trở nên không phù hợp.

Chính những cuộc tranh cãi tại MC13 đã chứng minh điều đó. Để hướng tới cải cách giải quyết tranh chấp, các thành viên đã thông qua một nghị quyết “công nhận những tiến bộ đã đạt được nhằm có được một hệ thống giải quyết tranh chấp hoạt động tốt và đầy đủ mà tất cả các thành viên có thể tiếp cận trong năm 2024”. Các bộ trưởng đã chỉ đạo các quan chức đẩy nhanh các cuộc thảo luận, phát huy những tiến bộ đã đạt được và giải quyết các vấn đề chưa được giải quyết. Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh: “Chúng ta hãy tiếp tục xắn tay áo để thúc đẩy cải cách này và thực hiện trong năm 2024”.

Tử Uyên

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/wto-phai-bao-ve-vai-tro-da-phuong-cua-minh-i724686/