WHO: Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu

Ngày 5/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, đánh dấu sự kết thúc mang tính biểu tượng đối với đại dịch tàn khốc đã gây ra các đợt phong tỏa chưa từng có, làm đảo lộn các nền kinh tế và giết chết gần 7 triệu người trên toàn thế giới.

 Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết Covid-19 không còn được coi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết Covid-19 không còn được coi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Với niềm hy vọng lớn lao, tôi tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu".

Tuy nhiên, ông Tedros cũng lưu ý rằng điều này “không có nghĩa là Covid-19 không còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu”, và các chuyên gia sẽ đánh giá lại tình hình nếu đại dịch một lần nữa đẩy thế giới vào tình trạng nguy hiểm.

Tuyên bố trên được đưa ra vào ngày 5/5, sau khi Ủy ban khẩn cấp của WHO họp 1 ngày trước và khuyến nghị cơ quan của Liên hợp quốc tuyên bố chấm dứt việc coi đại dịch là "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế". Trước đó, Ủy ban khẩn cấp lần đầu tiên tuyên bố rằng Covid-19 là "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu", tức mức cảnh báo cao nhất của WHO, vào ngày 30/1/2020.

Ông Didier Houssin, người đứng đầu Ủy ban, cho biết quyết định chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu được đa số thành viên ủy ban ủng hộ.

Việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp có nghĩa là các nỗ lực hợp tác hoặc tài trợ quốc tế đang được thực hiện cũng sẽ chấm dứt hoặc chuyển trọng tâm.

WHO cho biết việc dỡ bỏ cảnh báo là một dấu hiệu cho thấy thế giới đã đạt được tiến bộ trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này, nhưng Covid-19 vẫn tồn tại dù không còn là tình trạng khẩn cấp nữa. Cơ quan y tế của Liên hợp quốc cho biết hàng nghìn người vẫn đang chết vì virus SAR-CoV-2 và các biến thể mỗi tuần và gần đây đã có những đợt tăng đột biến về số ca mắc bệnh ở Đông Nam Á và Trung Đông.

"Trận chiến vẫn chưa kết thúc. Chúng ta vẫn còn những điểm yếu và chúng sẽ bị tấn công bởi virus này hay virus khác. Đó là điều cần được khắc phục", Giám đốc khẩn cấp của WHO Michael Ryan cho biết.

WHO không tuyên bố về sự bắt đầu hay kết thúc của đại dịch, mặc dù tổ chức này đã bắt đầu sử dụng thuật ngữ "đại dịch" cho Covid-19 vào tháng 3/2020.

“Trong hầu hết các trường hợp, đại dịch thực sự kết thúc khi đại dịch tiếp theo bắt đầu”, ông Ryan nói.

Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đại dịch đã kết thúc. Giống như một số quốc gia khác, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ bắt đầu dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trong nước đối với Covid-19 từ ngày 11/5, nghĩa là việc xét nghiệm, tiêm vắc xin sẽ được chuyển thành hoạt động thương mại.

Nhiều quốc gia và khu vực khác cũng đã thực hiện các bước tương tự. Vào tháng 4 năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) cho biết giai đoạn khẩn cấp của đại dịch đã kết thúc và người đứng đầu WHO ở châu Phi, Matshidiso Moeti, cho biết vào tháng 12 rằng đã đến lúc chuyển sang quản lý Covid-19 bằng các biện pháp thông thường.

Tuyên bố của WHO được đưa ra chỉ 4 tháng sau khi Trung Quốc chấm dứt các hạn chế nghiêm trọng kéo dài đối với Covid-19.

Ở nhiều nơi trên thế giới, việc xét nghiệm đã giảm đi đáng kể và phần lớn mọi người đã ngừng đeo khẩu trang. Ở một số quốc gia, quy định đeo khẩu trang vẫn được duy trì trong thời gian dịch bùng phát lại.

Tuần này, WHO cũng mới công bố một kế hoạch tư vấn cho các quốc gia về cách chung sống lâu dài với Covid-19.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới trưa ngày 5/5, toàn thế giới có 687,6 triệu ca Covid-19, trong đó có 660 triệu ca đã phục hồi và 6,9 triệu ca tử vong.

Thủy Bình

Theo CBS, Reuters

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/who-covid-19-khong-con-la-tinh-trang-khan-cap-toan-cau-20180504224284040.htm