WHO cập nhật các mầm bệnh có nguy cơ bùng phát thành đại dịch

Nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa Ebola ở Goma, CHDC Congo. Ảnh: AFP/TTXVN

* Bệnh nhiễm khuẩn là nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai trên thế giới

Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết cơ quan này đang lập danh sách mới cập nhật các mầm bệnh có nguy cơ gây ra đại dịch hoặc các đợt bùng phát dịch, cần ưu tiên theo dõi chặt chẽ.

Danh sách các mầm bệnh cần theo dõi chặt chẽ được WHO công bố lần đầu tiên vào năm 2017. Cho đến nay, trong danh sách này có COVID-19, bệnh do virus Ebola gây ra, bệnh sốt xuất huyết do virus Marburg, sốt Lassa do arenavirus, Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS), Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), virus Nipah, Zika và "bệnh X" - cụm từ các nhà khoa học dùng để chỉ một mầm bệnh chưa biết, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và gây ra dịch bệnh nghiêm trọng trên thế giới.

Theo WHO, việc lập danh sách cập nhật này là nhằm bổ sung thêm các mầm bệnh cần theo dõi nhằm định hướng nghiên cứu, phát triển và đầu tư trên toàn cầu, đặc biệt là phát triển vắc xin, các xét nghiệm sàng lọc và các phương pháp điều trị.

Trong quá trình lập danh sách mới, bắt đầu từ ngày 18/11 vừa qua, WHO huy động hơn 300 nhà khoa học xem xét những bằng chứng về hơn 25 họ virus và vi khuẩn và cả "bệnh X". Đối với mỗi mầm bệnh được xác định là ưu tiên, các chuyên gia sẽ chỉ ra lỗ hổng kiến thức và các ưu tiên nghiên cứu.

Sau đó, giới chuyên gia cũng sẽ nghiên cứu, chỉ ra các vấn đề liên quan, trong đó những yếu tố cần thiết đối với vắc xin, xét nghiệm chẩn đoán và phương pháp điều trị. Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng sẽ nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho các thử nghiệm lâm sàng nhằm phát triển các công cụ trên, trong khi nỗ lực củng cố quy định và xem xét giám sát đạo đức. Theo kế hoạch, danh sách cập nhật sẽ được công bố trước tháng 4/2023.

Ông Michael Ryan, Giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của WHO, nhấn mạnh sự cần thiết của việc lập danh sách các mầm bệnh và các họ virus ưu tiên, phục vụ nghiên cứu và phát triển các biện pháp phòng ngừa, điều trị nhằm ứng phó nhanh chóng và hiệu quả dịch bệnh và đại dịch.

Theo ông, nếu không có các khoản đầu tư đáng kể cho nghiên cứu và phát triển trước đại dịch COVID-19, sẽ không thể điều chế, sản xuất các loại vắc xin an toàn và hiệu quả như vậy trong thời gian ngắn kỷ lục.

Theo số liệu thống kê, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào cuối tháng 12/2019 đến nay, đã có hơn 20 loại vắc xin do các tổ chức y tế, viện nghiên cứu, công ty phát triển được cấp phép sử dụng trên toàn thế giới. Ngoài ra, hàng trăm loại vắc xin khác đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm để đạt hiệu quả cao hơn trong quá trình phòng, chống COVID-19.

Các bệnh nhiễm khuẩn là nguyên nhân dẫn tới số ca tử vong cao thứ hai trên toàn thế giới, chiếm khoảng 1/8 số ca tử vong trong năm 2019. Đây là ước tính toàn cầu đầu tiên về nguy cơ các bệnh nhiễm khuẩn gây tử vong.

* Nghiên cứu mới được công bố ngày 22/11 trên tạp chí Lancet, trong đó xem xét các ca tử vong do 33 mầm bệnh vi khuẩn phổ biến và 11 loại nhiễm trùng tại 204 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Kết quả cho thấy các mầm bệnh vi khuẩn trên liên quan đến 7,7 triệu ca tử vong - chiếm 13,6% tổng số ca tử vong toàn cầu - trong năm 2019, một năm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Theo đó, nhiễm khuẩn trở thành nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai, sau bệnh tim thiếu máu cục bộ, trong đó có đột quỵ.

Đáng chú ý, chỉ 5 trong số 33 loại vi khuẩn được nghiên cứu là nguyên nhân dẫn tới 50% số ca tử vong do các bệnh nhiễm khuẩn, gồm Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Streptococcus pneumoniae, Klebsiella pneumoniae và Pseudomonas aeruginosa.

Staphylococcus aureus là một vi khuẩn phổ biến trên da và trong mũi người, có thể gây ra nhiều bệnh, trong khi khuẩn Escherichia coli thường gây các ca ngộ độc thực phẩm.

Nghiên cứu còn cho thấy sự khác biệt khá lớn giữa các vùng giàu - nghèo. Đơn cử, tại khu vực Nam Sahara, số ca tử vong do nhiễm khuẩn là 230 ca trên 100.000 dân, trong khi con số này là 52 ca trên 100.000 dân tại những nơi được xác định là “vùng có thu nhập cao và siêu cao”, như Tây Âu, Bắc Mỹ và Úc.

Đồng tác giả nghiên cứu, Giám đốc Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe, có trụ sở tại Mỹ, ông Christopher Murray, khẳng định dữ liệu trên lần đầu tiên cho thấy thách thức mà các bệnh nhiễm khuẩn gây ra đối với y tế công cộng toàn cầu.

Do đó, cần đưa những kết quả này vào các sáng kiến y tế toàn cầu để có thể nghiên cứu sâu hơn những mầm bệnh có khả năng gây tử vong, cũng như có sự đầu tư thích đáng để giảm thiểu số ca nhiễm và tử vong.

Các tác giả nghiên cứu cũng kêu gọi tăng quỹ, trong đó có tiền đầu tư cho các loại vắc xin mới, nhằm giảm số ca tử vong, đồng thời cảnh báo việc “sử dụng kháng sinh tùy tiện”. Bên cạnh đó, giới chuyên gia khuyến nghị người dân rửa tay thường xuyên để phòng ngừa nhiễm khuẩn.

Nghiên cứu trên được tiến hành trong khuôn khổ chương trình Gánh nặng bệnh lý toàn cầu - một chương trình nghiên cứu quy mô lớn do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ, với sự tham gia của hàng nghìn nhà nghiên cứu trên khắp thế giới.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/290573/who-cap-nhat-cac-mam-benh-co-nguy-co-bung-phat-thanh-dai-dich.html