VWS muốn giải trình trực tiếp về biên bản xử lý vi phạm môi trường

Cuối tuần qua, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ra quyết định xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS - Chủ đầu tư bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM) tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Ngay sau khi nhận Công văn, VWS đã có phản hồi chính thức và hai lần đề xuất kiến nghị giải trình trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Yêu cầu VWS xử lý triệt để ô nhiễm

Theo biên bản vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường số 01/BB-VPHC của Tổng cục Môi trường ngày 18/05/2017, VWS bị xem là có các vi phạm như: không xây lắp công trình bảo vệ môi trường (module xử lý nước rỉ rác) theo cam kết; không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra kênh.

Cùng với việc phạt tiền, Tổng cục Môi trường cũng yêu cầu VWS phải chấm dứt việc lưu giữ nước thải trái quy định và nhanh chóng xử lý toàn bộ nước thải đang lưu chứa tại ô chôn lấp số 2...

Một góc xưởng phân loại, tái chế của VWS

Một góc xưởng phân loại, tái chế của VWS

Ngay sau khi nhận văn bản ngày 9/6/2017, trực tiếp từ Hoa Kỳ, ông David Dương, người sáng lập của VWS cho biết, VWS đã trực tiếp gửi cùng lúc hai văn bản xin được giải trình trực tiếp, cụ thể vụ việc này với Tổng cục Môi trường và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. “Tuy nhiên, chúng tôi chưa nhận được phản hồi và đang rất sốt ruột được giải trình, để Bộ trưởng hiểu rõ về công nghệ, quy trình VWS đang triển khai”, ông David Dương cho biết.

Chia sẻ cụ thể, ông Kevin More, Giám đốc điều hành VWS cho biết, có nhiều nội dung VWS muốn giải trình.

Thứ nhất, về đánh giá “Không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định”. VWS đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét lại kết luận này. Lý do, thời điểm nâng công suất tiếp nhận của Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước là từ ngày 30/11/2014, trước thời gian Báo cáo Đánh giá tác động môi trường Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (ĐTM) - nâng công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ngày được phê duyệt theo sự chỉ đạo của UBND TP.HCM và trước tình thế cấp bách là bãi rác Phước Hiệp phải đóng cửa do gây ô nhiễm mà không có khu xử lý chất thải nào của thành phố ngoài VWS có đủ khả năng tiếp nhận và xử lý lượng chất thải rắn sinh hoạt từ bãi rác Phước Hiệp chuyển qua. (Báo cáo ĐTM này được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ngày 13/02/2015 theo Quyết định số 394/QĐ-BTNMT)

Đồng thời, trong ĐTM cũng đã nêu rõ, khi nâng công suất, tùy thuộc vào lượng nước thải phát sinh, Khu liên hợp Đa Phước sẽ vận hành thêm module xử lý cho các trạm xử lý nước thải. Trong ĐTM không có nội dung Khu liên hợp Đa Phước sẽ xây nhà máy xử lý nước thải ngay sau khi nâng công suất.

Mặt khác, sau khi nhận thấy lượng nước rỉ rác phát sinh tăng lên, cuối năm 2015, các chuyên gia Hoa Kỳ của VWS cùng với đội ngũ kỹ sư trong nước đã nghiên cứu các công nghệ xử lý nước rỉ rác và tìm nhà thầu để tiến hành đàm phán, nâng công suất xử lý nước thải. Căn cứ vào lượng nước thải phát sinh, VWS đã quyết định chọn giải pháp nâng công suất xử lý nước thải của Nhà máy xử lý nước thải công nghệ màng lọc sinh học (MBR) từ công suất 1.000 m3/ngày lên 3.000 m3/ngày, nâng tổng công suất xử lý nước thải từ 4.280 m3/ngày lên 6.280 m3/ngày theo đúng như cam kết trong ĐTM... Nói cách khác, VWS đã thực hiện đúng như những nội dung đã cam kết trong ĐTM, xây lắp thêm module xử lý nước thải tùy thuộc vào lượng nước thải phát sinh trong giai đoạn nâng công suất.

VWS tuân thủ các cam kết môi trường

Nội dung thứ hai được Tổng cục Môi trường truy cứu là VWS không thực hiện một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường...

Nguyên tắc của VWS là phải hoạt động đúng luật pháp Việt Nam. Do vậy, nếu thật sự kết quả chênh lệch, VWS sẵn sàng xem xét sửa đổi để phù hợp vì chúng tôi muốn đầu tư lâu dài và phục vụ hết mình cho quê hương”.

Về vấn đề này, ông Kevin More cho rằng, các hồ chứa nước thải xây dựng với mục đích lưu chứa nước thải tạm thời chờ xử lý. Quy trình xây dựng lớp lót đáy hồ và hệ thống đê bao quanh hồ đều được xây dựng theo đúng quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo không làm rò rỉ ra ngoài, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường đất, nước mặt, nước ngầm của khu vực.

Để kiểm tra chất lượng môi trường đất và không khí tại ô chôn lấp số 2 có bị ảnh hưởng bởi việc lưu chứa nước thải tạm thời, VWS đã kết hợp với Trung tâm Công nghệ và Quản lý môi trường thực hiện đo đạc, lấy mẫu đất, không khí vào ngày 23/4/2016. Kết quả cho thấy rất khả quan trong đó, chỉ tiêu Cd đều không phát hiện ở tất cả vị trí đo đạc.

“Như vậy, qua các kết quả phân tích, đo đạc chất lượng môi trường không khí bên trong và bên ngoài hồ chứa nước thải tạm ở ô chôn lấp số 2, có thể thấy hoạt động tại ô chôn lấp này hiện không gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường ở các khu dân cư lân cận khu vực dự án. Ngoài ra, kết quả phân tích chất lượng môi trường đất tại các vị trí trong khu vực hồ chứa nước thải cho thấy, hoạt động lưu chứa, chống thấm tại các hồ đã và đang được thực tốt, hiện không có sự ảnh hưởng của việc chứa nước thải trong hồ đến chất lượng môi trường đất của khu vực”, ông Kevin More khẳng định.

Về hạng mục VWS không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành..., ông Kevin More cho rằng, ngay khi nhận được quyết định phê duyệt ĐTM ngày 13/2/2015, VWS đã tiến hành hoàn thiện các hồ sơ, thực hiện báo cáo xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án và trình nộp Bộ Tài nguyên và Môi trường vào tháng 2/2016.

Chênh lệch về kết quả thẩm định

Lãnh đạo VWS khá tâm tư là kết quả thẩm định chênh lệch giữa đánh giá trực tiếp thường xuyên của VWS với kết quả phân tích ngẫu nhiên của Tổng cục Môi trường.

Cụ thể, về nhận định VWS xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải 1.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.200 m3/ngày (24 giờ)... Theo kết quả lấy mẫu đối chứng cùng thời điểm của Trung tâm Công nghệ và quản lý môi trường (ETM) và của Phòng thí nghiệm nội bộ của VWS, hai kết quả của ETM và VWS hoàn toàn khác biệt với kết quả của Viện Công nghệ Môi trường (đơn vị lấy mẫu do Đoàn kiểm tra chỉ định), các thông số của mẫu nước thải sau hệ thống xử lý nước thải MBR đều đạt quy chuẩn cho phép.

Mặt khác, để kiểm chứng lại các kết quả phân tích của ETM, vào tháng 3/2017, VWS đã thuê thêm một đơn vị độc lập là Viện Nước và Công nghệ môi trường (WETI). Hai đơn vị ETM và WETI đã liên tiếp lấy các mẫu nước thải sau xử lý tại Khu liên hợp Đa Phước trong suốt tháng 3/2017 (vào các ngày 6/3/2017; 8/3/2017; 14/3/2017; 20/3/2017; 22/3/2017; 24/3/2017). Kết quả cho thấy, kết quả phân tích của ETM và WETI đều tương đồng, chỉ chênh lệch vài đơn vị do sai số, tất cả kết quả đều đạt QCVN 40:2011/BTNMT và QCVN. “Trong khi những kết quả này lại không tương đồng với kết quả Tổng cục Môi trường là điều khiến VWS rất băn khoăn. Vì quy tắc của chúng tôi là thẩm định theo nguyên tắc giám sát chéo giữa VWS với đơn vị kiểm định độc lập để tạo khách quan trong việc đánh giá”, ông David Dương chia sẻ.

Mặt khác, để giám sát tự động chất lượng nước thải đầu ra, tại các mương xả thải, VWS đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động tại cống xả TW1 và TW2 , quan trắc tự động theo đúng quy định. Hai hệ thống cũng đã được Trung tâm Quan trắc Môi trường trực thuộc Tổng cục Môi trường cấp Giấy chứng nhận hiệu chuẩn và kiểm định.

“Do vậy, chúng tôi đều rất tin tưởng vào kết quả thẩm định chuyên môn. Nguyên tắc của VWS là phải hoạt động đúng luật pháp Việt Nam. Do vậy, nếu thật sự kết quả chênh lệch, VWS sẵn sàng xem xét sửa đổi để phù hợp vì chúng tôi muốn đầu tư lâu dài và phục vụ hết mình cho quê hương”, ông David Dương khẳng định qua điện thoại.

Bảo Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vws-muon-giai-trinh-truc-tiep-ve-bien-ban-xu-ly-vi-pham-moi-truong-d64933.html