Vượt qua sự nghiệt ngã của số phận

(HNM) - Ngay từ nhỏ chị đã không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa do phải sống trên xe lăn, mọi sinh hoạt phải tự mình vận động nhưng gần 40 năm qua, bằng sự nỗ lực của bản thân, chị đã vươn lên vượt qua sự nghiệt ngã của số phận, đem lại niềm vui cho mình và nhiều người cùng cảnh ngộ. Chị là Phạm Lệ Thủy, Chủ tịch Hội Người khuyết tật (NKT) huyện Ba Vì, Hà Nội.

Sinh ra tại xã Tiên Phong, một xã vùng đồi gò còn nhiều khó khăn của Ba Vì, cuộc sống của chị Thủy như bao NKT khác, thiệt thòi đủ thứ. Hiểu được hoàn cảnh của mình và quyết tâm vượt qua khó khăn, chị Thủy đã tự học chữ, tự mày mò với chiếc máy tính, từ đó vào mạng internet để tìm hiểu, học hỏi. Qua quá trình này, chị đã có nhiều thông tin về tổ chức Hội NKT Việt Nam và nắm được các kỹ năng giúp NKT vượt qua mặc cảm số phận, có cuộc sống tốt hơn. Trên cơ sở đó, chị Thủy đã vận động, tập hợp NKT ở xã Tiên Phong thành lập nhóm những NKT tự nguyện với 12 người tham gia vào năm 2005. Thông qua sinh hoạt, mọi người trong nhóm được trao đổi thông tin về NKT, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, nhóm cũng đã tìm thấy sự đồng cảm, ủng hộ của mọi người. Từ kết quả ban đầu đó, đặc biệt là chị tham gia và đoạt giải thưởng chương trình "Ngày sáng tạo Việt Nam" của Ngân hàng thế giới vào năm 2006 đã giúp chị tự tin hơn trong công việc, quyết định xin thành lập tổ chức Hội NKT huyện Ba Vì. Ngày 6-4-2007, Hội NKT Ba Vì chính thức được thành lập với 23 hội viên. Thành lập được hội đã khó nhưng khó hơn là đưa tổ chức hội vào hoạt động như thế nào để tập hợp được NKT cùng tham gia trong khi địa bàn huyện rộng, kinh phí hoạt động được cấp lại quá ít. Không chịu lùi bước trước khó khăn, chị Thủy lại tự mình tìm gặp lãnh đạo Quỹ Unilever Việt Nam đề nghị tài trợ cho Hội NKT tổ chức thực hiện một dự án chăm sóc sức khỏe cho chị em phụ nữ khuyết tật và chăm sóc trẻ từ 0 đến 6 tuổi. Các lớp của dự án được tổ chức tại các xã là dịp quan trọng để chị em phụ nữ khuyết tật được quan tâm, lãnh đạo các địa phương hiểu hơn về NKT cũng như tiềm năng của họ. Chị Thủy còn tranh thủ sự giúp đỡ của huyện Ba Vì, các ban, ngành chức năng, Quỹ Unilever và các nhà hảo tâm mở một lớp đào tạo nghề may ngắn hạn cho 79 hội viên với kinh phí hơn 100 triệu đồng; vận động những cơ sở may gia công trên địa bàn huyện tạo việc làm cho NKT sau đào tạo, đến nay họ đều có thể nuôi sống bản thân mình. Bên cạnh đó, chị Thủy cùng thường trực hội nhờ sự giúp đỡ của Trung tâm Kỹ thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng làm nạng nẹp miễn phí lắp chân, tay giả cho hội viên để họ đi lại dễ dàng hơn. Tổ chức hội cũng xây dựng quỹ để thăm hỏi, động viên nhau lúc ốm đau, tạo sự gắn bó, đoàn kết. Sau hơn 3 năm hoạt động, Hội NKT Ba Vì đã thu hút số hội viên tăng lên 101 người ở 31 xã, thị trấn của huyện và được UBND huyện Ba Vì ghi nhận, khen thưởng. Chị Phạm Lệ Thủy không những đã chiến thắng tật nguyền mà còn giúp đỡ nhiều người cùng cảnh ngộ tự tin, vươn lên trong cuộc sống. Giờ đây, Hội NKT Ba Vì đang phát triển vững chắc, đời sống của hội viên ngày càng được quan tâm hơn, trong đó có phần đóng góp quan trọng của chị Phạm Lệ Thủy.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/xa_hoi/386507/vuot-qua-su-nghiet-nga-cua-so-phan.htm/