Vướng vòng lao lý vì đòi nợ sai luật

Cho người khác vay mượn tiền nhưng không có bằng chứng chứng minh, chị Nguyễn Thị Nghĩa (36 tuổi), ngụ ấp Kinh 2A, xã Tân Thuận, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) phải vướng vòng lao lý khi dùng vũ lực ép người khác trả nợ…

Chị Nguyễn Thị Nghĩa đã có đơn thư gửi đến tòa soạn Báo Kiên Giang và trực tiếp phản ánh vụ việc đòi nợ của mình với phóng viên.

NỢ KHÔNG GIẤY TỜ

Năm 2021, gia đình chị Nghĩa có quen biết với vợ chồng anh Lê Hoàng Kiên (37 tuổi), ngụ ấp Thắng Lợi, xã Tân Thuận. Qua thời gian quen biết, anh Kiên xin làm con nuôi trong gia đình chị. Kể từ đó do tin tưởng, vợ chồng anh Kiên mượn chị số tiền 239 triệu đồng.

“Anh Kiên hẹn sẽ trả tôi sớm nên kêu tôi khỏi làm giấy tờ chứng minh vì mình là người trong gia đình quen biết nên tôi tin. Tuy nhiên, lâu quá không thấy anh Kiên trả tiền cũng không có đóng lãi”, chị Nghĩa cho biết.

Mẹ chị Nghĩa - bà Nguyễn Thị Hiếu (60 tuổi) nói, "Do tin tưởng anh Kiên và xem như con ruột trong gia đình nên chẳng ai đề phòng gì cả. Đến khi con tôi qua đòi nợ thì mới vỡ lẽ…”.

Chị Nghĩa cho biết để có tiền cho anh Kiên vay mượn, chị phải đi vay từ người khác 200 triệu đồng để đưa anh Kiên vay lại. Mặc dù vậy, khi chị qua đòi nợ thì anh Kiên “nói ngược” là không có thiếu tiền gì cả và chửi chị bằng những lời lẽ thô tục.

“Anh Kiên nói nếu đòi tiền nữa thì sẽ cho giang hồ truy sát, thủ tiêu tôi và dùng bùa yếm tôi chết cả nhà. Anh ấy còn tự đắc nói tôi khỏi thưa kiện gì, xem ai tin tôi. Trong lúc bức xúc, tôi và em tôi có rủ thêm mấy đứa cháu, tổng cộng 8 người đến nhà anh Kiên dọa cho anh ấy trả tiền. Nào ngờ anh ấy không trả mà còn báo công an…”, chị Nghĩa kể.

Chị Nghĩa cho biết thêm vụ việc chị đưa tiền cho anh Kiên mượn có nhiều người biết và chứng kiến.

Chị Nguyễn Thị Nghĩa (36 tuổi, bìa trái), ngụ ấp Kinh 2A, xã Tân Thuận, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cùng người thân, hàng xóm kể lại vụ việc cho vay nợ của mình dẫn tới vướng vòng lao lý.

Liên quan đến lời tố cáo của chị Nghĩa, anh Lê Hoàng Kiên khẳng định chưa hề thiếu tiền chị Nghĩa. Anh Kiên cho biết từ trước đến nay chưa hề nhận bất kỳ khoản tiền cho vay nào từ chị Nghĩa, không liên quan tiền bạc gì nên việc chị Nghĩa đòi nợ anh là vô lý và “vu khống anh”.

“Nó quậy tôi, dựng hiện trường lên chứ hoàn toàn tôi không nợ nần gì hết”, anh Kiên nhấn mạnh.

VƯỚNG VÒNG LAO LÝ

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Thuận, do tin tưởng nên chị Nguyễn Thị Nghĩa có cho anh Lê Hoàng Kiên vay tiền nhưng không có biên nhận hay giấy tờ gì chứng minh. Chị Nghĩa đòi tiền anh Kiên nhiều lần nhưng anh Kiên không trả và cũng không thừa nhận thiếu tiền.

Chị Nghĩa cùng em ruột là Nguyễn Thị Thúy An và 7 người khác đi đòi nợ anh Kiên hai lần.

Lần thứ nhất vào khoảng 21 giờ ngày 1-5-2022, nhóm của chị Nghĩa xông vào nhà anh Kiên dùng dao, vũ lực khống chế hai vợ chồng anh Kiên lấy 2 điện thoại di động, tổng trị giá 4 triệu đồng, sau đó cả nhóm đi về.

Lần thứ hai vào khoảng 21 giờ ngày 2-5-2022, nhóm của chị Nghĩa tiếp tục xông vào nhà cha ruột của anh Kiên, ngụ cùng ấp Thắng Lợi, dùng dao, vũ lực khống chế hai vợ chồng chiếm đoạt một sợi dây chuyền bằng kim loại màu vàng của anh Kiên có trị giá 100.000 đồng rồi sau đó đi về.

Chị em chị Nguyễn Thị Nghĩa và Nguyễn Thị Thúy An khẳng định trong suốt quá trình xảy ra việc đòi nợ, nhóm của chị thấy vợ chồng anh Kiên dùng điện thoại quay video lại nên mới giật chứ không có ý định lấy đi tài sản.

Khi vụ việc xảy ra, trong các ngày 8-8-2022 và 15-11-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Thuận đã khởi tố bị can đối với chị Nghĩa cùng 7 người khác trong nhóm đi đòi nợ anh Kiên.

Ngày 28-4-2023, Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Thuận xét xử, tuyên phạt chị Nghĩa 8 năm tù, chị Nguyễn Thị Thúy An 7 năm tù, các bị cáo khác từ 4 đến 7 năm tù giam về tội cướp tài sản. Chị Nghĩa kháng cáo bản án, đến ngày 28-7-2023, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang tuyên y án đối với chị và những người khác.

“Cha mẹ tôi bị bệnh, tôi một mình nuôi hai con nhỏ dưới 16 tuổi, giờ hai chị em tôi đi chấp hành án, không biết ra sao nữa. Ngày 25-10 vừa rồi, tôi nhận quyết định thi hành án phạt tù nên làm đơn xin hoãn thi hành án. Đã nghèo đi vay mượn tiền cho người khác vay lại mà còn bị vướng vòng tù tội thế này…”, chị Nghĩa nói.

LƯU Ý KHI ĐÒI NỢ

Luật sư Đoàn Công Thiện - nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang cho rằng việc cho vay nợ được xác định là quan hệ dân sự hợp pháp. Còn việc lãi suất cao hay thấp là vấn đề khác cần phải xem xét. Vì vậy, để thực hiện quyền của mình khi đòi nợ, trước hết người cho vay phải có bằng chứng chứng minh rằng người khác vay nợ của mình với số tiền bao nhiêu hoặc tài sản như thế nào.

Bằng chứng có thể là bên nhận vay thừa nhận có vay nợ, có người làm chứng, có người thấy, có người biết việc cho vay hoặc có giấy tờ chứng minh... Khi có phát sinh tranh chấp, người cho vay cần khởi kiện ra tòa án, không nên tự động đến nhà, chỗ ở của người vay nợ cưỡng bức, lấy đồ đạc để trừ nợ. Trong trường hợp đó, cơ quan công an, cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố về hành vi cướp giật là có cơ sở.

Luật sư Đoàn Công Thiện cho rằng hành vi đòi nợ có trở thành tội phạm hay không thì trong quá trình điều tra cơ quan công an sẽ xem xét.

“Nếu người cho vay dùng hành động lấy tài sản tương xứng với tài sản bị nợ, giá trị tương xứng với nhau thì tôi nghĩ rằng không nên truy cứu trách nhiệm hình sự, chỉ nên xử lý hành chính. Trừ trường hợp, người đòi nợ sử dụng vũ lực gây đe dọa đến tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người khác thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu có truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ nguyên nhân nào dẫn đến hành vi cướp tài sản, xem xét đến lỗi của nạn nhân để các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét lượng hình…”, luật sư Đoàn Công Thiện nêu quan điểm.

Bài và ảnh: TÂY HỒ

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/phap-luat/vuong-vong-lao-ly-vi-doi-no-sai-luat-17402.html