Vương quốc Anh chia sẻ kinh nghiệm thu hồi tài sản thất thoát về cho Nhà nước

Ngày 14-3, tại TPHCM, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Vương Quốc Anh và Bắc Ai-Len tại Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề 'Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tại Việt Nam - kinh nghiệm từ Vương quốc Anh'.

Hội thảo nhằm trao đổi, tham khảo kinh nghiệm của Vương quốc Anh về công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng; từ đó, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế theo tinh thần Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Hội thảo có sự tham dự của đại biểu đến từ các cơ quan, ban ngành Trung ương, gồm: Vụ I và Vụ Địa phương III của Ban Nội chính Trung ương; Vụ Giám đốc, kiểm tra I của TAND Tối cao; Vụ 11 và Vụ 13 VKSND Tối cao; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an; Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Vụ Hợp tác quốc tế và Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) của Bộ Tư pháp; TAND cấp cao và VKSND cấp cao và Ngân hàng Nhà nước tại TPHCM.

Ông Mai Lương Khôi - Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại hội thảo

Các cơ quan tại TPHCM gồm: Công an, Thanh tra, Bảo hiểm Xã hội, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, và 12 Cục THADS. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham dự của ông Michael Jackson – Phó Chủ tịch Hiệp hội thi hành án Tòa án cấp cao và ông Alan Smith – Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thi hành án cấp cao của Vương quốc Anh.

Hội thảo do ông Mai Lương Khôi - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS và bà Emily Hamblin Tổng Lãnh sự Vương quốc Anh tại TP.HCM đồng chủ trì.

Hoạt động diễn ra tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi về những đặc thù, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành các vụ việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản trong những vụ án có yếu tố nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Cục trưởng Cục THADS TP.HCM phát biểu tại hội thảo

Bên cạnh đó, ông Michael Jackson (Phó Chủ tịch Hiệp hội thi hành án Tòa án cấp cao của Vương quốc Anh) và ông Alan Smith (Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thi hành án cấp cao của Vương quốc Anh) chia sẻ kinh nghiệm về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản theo cơ chế hình sự, dân sự và thuế của Vương quốc Anh; các cơ chế hợp tác, phối hợp với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong quá trình phòng chống tội phạm, thu hồi tài sản tham nhũng; số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động THADS và thu hồi tài sản.

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hòa - Cục trưởng Cục THADS TP.HCM cho biết, Cục THADS TP.HCM là đơn vị đứng đầu cả nước về số tiền phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, kinh tế và số vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo.

Tính từ năm 2021 đến năm 2023, kết quả thu hồi tiền và tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Tính riêng năm 2023, số việc Cục THADS TP.HCM phải thi hành án tham nhũng, kinh tế 468/4879 việc của toàn quốc, kết quả thu hồi đạt 17 nghìn tỉ đồng.

Trong kỳ, đơn vị đã phối hợp cơ quan chức năng cưỡng chế có huy động lực lượng đối với 2 tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, gồm: Nhà và đất số 129 Pastuer, quận 3 giao cho Bộ Công an - Vụ Phan Văn Anh Vũ; nhà và đất số 44/12B đường số 15 phường Tân Kiểng, quận 7 cho người mua trúng đấu giá - vụ Trần Thanh Việt.

Song, quá trình thi hành án trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như nhiều vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo là các vụ án lớn, số lượng bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhiều dẫn đến số người phải thi hành án nhiều; số tài sản bị chiếm đoạt lớn, đặc biệt lớn nhưng tài sản tuyên duy trì kê biên, phong tỏa… để đảm bảo thi hành án không nhiều.

Một số vụ việc, cơ quan thi hành án truy tìm, xác minh tài sản thi hành án của đương sự, nhưng sau đó họ làm đơn khởi kiện tranh chấp tài sản chung dẫn đến ảnh hưởng tiến độ thu hồi tài sản. Điển hình như vụ án Trần Phương Bình - giai đoạn 1, cơ quan thi hành án xác minh, truy tìm được 7 tài sản thì có tới 5 tài sản đương sự khởi kiện tranh chấp tài sản chung.

Bên cạnh đó, cơ quan thi hành án phát mãi tài sản trong nhiều trường hợp tài sản chưa được xử lý do gặp khó khăn, vướng mắc liên quan tới tính pháp lý như vụ án Trần Phương Bình, Hứa Thị Phấn, Huỳnh Công Thiện…

Cục THADS TP.HCM cũng thông tin về việc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP và các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Qua đó, Cục thường xuyên trao đổi, giải đáp khó khăn, vướng mắc trong công tác THADS bằng văn bản. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP đều phối hợp và nhắc nhở, yêu cầu các tổ chức tín dụng phối hợp với cơ quan THADS; trường hợp không thể phối hợp thực hiện phải có văn bản giải thích rõ.

Việc phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn còn có chuyện ngân hàng không thực hiện chuyển tiền cho cơ quan thi hành án. Từ đó, Cục THADS phải có văn bản kiến nghị cơ quan điều tra xem xét, xử lý dấu hiệu vi phạm…

Để công tác thu hồi tài sản có hiệu quả, bên cạnh các giải pháp đề xuất, Cục trưởng Cục THADS TP.HCM kiến nghị cần có cơ chế, chính sách đặc thù bổ sung cho công tác thu hồi tài sản.

Do công tác này vào những giai đoạn cần yếu tố giải quyết nhanh và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong nước hoặc quốc tế, vì vậy cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền và trách nhiệm của người thực thi và đơn vị thực hiện.

Đồng thời, trong quá trình thực hiện cần nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm các nguyên nhân chủ quan, khách quan, thực trạng, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong công tác thu hồi tài sản đối với các loại tội phạm kinh tế, tham nhũng; từ đó ứng dụng tinh thần xử lý hoặc hướng xử lý phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Hữu Nhật

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/chia-se-kinh-nghiem-nang-cao-hieu-qua-thu-hoi-tai-san-cho-nha-nuoc-cho-tphcm_159989.html