Vướng mắc về thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Sau một năm thực hiện, Luật Trách nhiệm bồi thường (TNBT) của Nhà nước đã gặp những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện. Rõ nhất là Điều 29 của luật.

Anh Nguyễn Viết Xuân và anh Hoàng Nam Khánh là công chức làm việc ở Hạt Kiểm lâm Nhân dân huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Từ ngày 22-7-2013, hai người bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh Hà Giang khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điểm b, Khoản 2, Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Tại án sơ thẩm số 52/2014-HSST ngày 27-8-2014 của Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Hà Giang đã áp dụng tội danh theo cáo trạng, xử phạt Nguyễn Viết Xuân 24 tháng tù, Hoàng Nam Khánh 18 tháng tù, hạn tù tính từ ngày bị bắt tạm giam. Do bị cáo kháng cáo, Bản án phúc thẩm số 614/2017-HSPT ngày 12-9-2017 của TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định: “Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Hà Giang; giao hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hà Giang để điều tra lại và xử lý theo đúng quy định của pháp luật”. Quá trình điều tra lại, căn cứ vào Điểm b, Khoản 1, Điều 230 Bộ luật Tố tụng Hình sự, ngày 14-4-2019, Cơ quan CSĐT đã ban hành các quyết định: Đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra với Nguyễn Viết Xuân và Hoàng Nam Khánh.

Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 36 của Luật TNBT của Nhà nước ngày 20-6-2017, TAND tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận văn bản yêu cầu bồi thường của hai anh, nhưng việc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác đối với anh Xuân lại gặp vướng mắc, vì Điều 29 Luật TNBT của Nhà nước quy định:

1. Ngoài các thiệt hại được bồi thường quy định tại các điều: 23, 24, 25, 26, 27 và 28 của luật này, người bị thiệt hại là cá nhân còn được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp sau đây: a) Khôi phục chức vụ (nếu có), việc làm và các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật có liên quan; b) Khôi phục quyền học tập;…

2. Ngoài các thiệt hại được bồi thường quy định tại các điều: 23, 24, 25, 26, 27 và 28 của luật này, người bị thiệt hại là tổ chức còn được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

3. Trình tự, thủ tục khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật và các quy định, quy chế, điều lệ của các tổ chức có liên quan.

Theo Từ điển tiếng Việt: Khôi phục được hiểu là “làm cho có lại được hay trở lại được như trước”. Tuy nhiên, việc khôi phục chức vụ (nếu có), việc làm và các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật có liên quan hiện đang có những quan điểm khác nhau:

Khoản 3, Điều 29 Luật TNBT của Nhà nước quy định: “Trình tự, thủ tục khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật và các quy định, quy chế, điều lệ của các tổ chức có liên quan”. Như vậy, việc khôi phục chức vụ của anh Xuân sẽ căn cứ vào Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15-3-2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, trong đó có việc bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý. Theo Điểm 2, Điều 40 quy định: “Thời hạn mỗi lần bổ nhiệm là 5 năm, trừ trường hợp thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và của cơ quan có thẩm quyền”.

Anh Xuân được bổ nhiệm chức vụ Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nhân dân huyện Mèo Vạc từ ngày 1-6-2010. Như vậy, đến ngày 1-6-2015 là hết hạn, nay theo Luật TNBT của Nhà nước, nếu thực hiện việc khôi phục chức vụ phải theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 41 Nghị định số 24 nêu trên.

Song có ý kiến cho rằng, Điều 81 Luật Cán bộ Công chức ngày 13-11-2008 quy định: 1. “… Nếu cán bộ, công chức bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì thời gian tạm giữ, tạm giam được tính là thời gian nghỉ việc có lý do; hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ. 2. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, cán bộ, công chức được hưởng lương theo quy định của Chính phủ”.

Với những quy định trên chúng tôi thấy: Không thể lấy thời gian anh Xuân là bị can, bị cáo, bị tạm giam chấp hành hình phạt tù để tính thời hạn bổ nhiệm lại, mặc dù những ngày này anh vẫn được tính là thời gian đóng bảo hiểm nhưng hai mốc thời gian này được điều chỉnh ở hai lĩnh vực khác nhau.

Khoản 1, Điều 81 Luật Cán bộ Công chức chưa đề cập đến trường hợp bố trí việc làm đối với những người bị thiệt hại như quy định tại Khoản 1, Điều 3 Luật TNBT của Nhà nước. Nhưng theo Điều 4 và Điểm 2, 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định về hệ thống và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật thì việc khôi phục chức vụ của anh Xuân không phụ thuộc vào Khoản 2, Điều 40 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15-3-2010 của Chính phủ. Việc này phải áp dụng đoạn cuối Khoản 1, Điều 81 Luật Cán bộ Công chức năm 2008: “… Nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ” và Điểm a, Khoản 1, Điều 29 Luật TNBT của Nhà nước: “Khôi phục chức vụ (nếu có), việc làm và các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật có liên quan”.

Do luật thực định chưa quy định rõ trường hợp cá nhân là công chức có chức vụ đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự không đúng gây thiệt hại cho họ, nhưng khi xác định họ thuộc đối tượng quy định tại Điều 2, Điểm a, Khoản 1 Điều 29 Luật TNBT của Nhà nước, thì cơ quan có thẩm quyền cần sớm có văn bản hướng dẫn trường hợp nêu trên theo hướng: Thời gian công chức bị khởi tố, tạm giam, chấp hành các hình phạt nhưng sau đó họ được nhận văn bản làm căn cứ bồi thường quy định tại Khoản 5, Điều 3, Điểm a, Khoản 1, Điều 29 Luật TNBT của Nhà nước thì việc khôi phục chức vụ được thực hiện ngay sau hai năm khôi phục chức vụ. Việc bổ nhiệm lại sẽ áp dụng theo các Điều 40, 41 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15-3-2010 của Chính phủ.

Luật gia NGUYỄN THÀNH MINH

Chi hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh Tuyên Quang

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/vuong-mac-ve-thuc-hien-luat-trach-nhiem-boi-thuong-cua-nha-nuoc-581793