Vướng mắc trong tích tụ, tập trung ruộng đất ở Hải Lăng cần được tháo gỡ

Thời gian qua, các cấp, ngành, đơn vị liên quan và người dân huyện Hải Lăng đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy việc tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giúp tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, nỗ lực này đang gặp những rào cản.

Nông dân huyện Hải Lăng tìm hiểu về các giống lúa mới phù hợp với việc gieo trồng trên các cánh đồng mẫu lớn - Ảnh: T.L

Luồng gió mới ở vùng nông thôn

Tầm 20 năm trước, khái niệm tích tụ, tập trung ruộng đất vẫn còn xa lạ đối với người dân huyện Hải Lăng. Nhờ sự chỉ đạo sâu sát và nỗ lực tuyên truyền, vận động của cán bộ địa phương, người dân dần hiểu rõ hiệu quả của việc làm này. Bà con sớm nhận ra tích tụ, tập trung ruộng đất là giải pháp quan trọng giúp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, góp phần cơ cấu lại nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới. Đối với các hợp tác xã, chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất được ví là luồng gió mới, giúp mở ra nhiều cơ hội.

Được sự ủng hộ của người dân, chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất triển khai tại huyện Hải Lăng đã gặt hái những kết quả nhất định. Ngay giai đoạn đầu vào năm 2002 - 2003, huyện đã giảm số lượng từ 4 - 5 thửa/ hộ xuống còn 2 - 3 thửa/hộ. Những năm gần đây, để tích tụ, tập trung ruộng đất có hiệu quả, việc liên kết, hợp tác sản xuất được tăng cường. Cán bộ huyện, xã, thôn đã tích cực vận động các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ có điều kiện tham gia mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất. Kết quả đáng mừng là từ năm 2018 đến nay, toàn huyện Hải Lăng đã tích tụ được 349,94 ha ruộng đất.

Trên địa bàn huyện, nhiều hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất đã được áp dụng. Trong đó, hình thức phổ biến là thành lập nhóm hộ, tổ hợp tác cùng góp đất, thuê đất trong một vùng để tổ chức liên kết sản xuất. Qua ghi nhận, sự liên kết giữa Tổ hợp tác Long Hưng với Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị và Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là một trong những mô hình mang lại hiệu quả cao.

Nhận thấy ưu điểm của việc tích tụ, tập trung ruộng đất, một số người dân trên địa bàn huyện Hải Lăng đã chủ động cùng bà con, hàng xóm có đất sản xuất trong một vùng liên kết, thống nhất phương án sản xuất. Nhiều nhóm liên kết sản xuất hình thành như: nhóm hộ Hợp tác xã Hà Lộc, xã Hải Sơn; nhóm sản xuất lúa hữu cơ thôn Kim Long, xã Hải Quế; nhóm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại thôn Lương Điền, xã Hải Sơn; nhóm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại thôn Văn Quỹ, xã Hải Phong...

Trong triển khai việc tích tụ, tập trung ruộng đất, các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã đã được tạo điều kiện, ưu tiên hưởng một số chính sách liên quan như: hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật; tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ liên kết, chứng nhận sản phẩm...

Từ đây, các thành viên trong nhóm, tổ, hợp tác xã đã có thêm động lực, quyết tâm triển khai những giải pháp sản xuất, kinh doanh, kiên trì với mô hình. Nhận thấy tín hiệu vui từ sự hợp tác, các hộ liên kết sản xuất cũng gắn bó với nhau hơn. Nhờ liên kết, bà con đã thuận lợi trong việc áp dụng cơ giới hóa, quản lý quá trình sản xuất, giảm nhiều loại chi phí...

Vẫn còn nút thắt

Thực tế, tích tụ, tập trung ruộng đất đã làm thay đổi phương thức và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Hải Lăng. Tuy nhiên, quá trình tổ chức, thực hiện mô hình này vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Đây là nút thắt cần được tháo gỡ để mở đường cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và bền vững.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải, so với trước đây, việc tích tụ, tập trung ruộng đất trên địa bàn có phần chững lại. Được biết, năm 2020, toàn huyện Hải Lăng tích tụ, tập trung ruộng đất được 90,72 ha. Sang năm 2021, con số đó gia tăng, đạt 149,5 ha. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, số ruộng đất được tích tụ, tập trung có sự giảm sút. Cụ thể, năm 2022, trên địa bàn huyện Hải Lăng chỉ tích tụ, tập trung được 41,52 ha ruộng đất. Trong 8 tháng đầu năm 2023, số ruộng đất được tích tụ, tập trung chỉ đạt khoảng 5 ha.

Mặc dù lãnh đạo huyện Hải Lăng đã tập trung tuyên truyền, vận động và có những chủ trương, chỉ đạo, chính sách sát đúng nhưng một bộ phận người dân vẫn chưa thuận lòng. Một số bà con giữ tư tưởng bảo thủ, không tổ chức canh tác, không thực hiện cải tạo khiến đất đai bị thoái hóa, kém chất lượng, thậm chí bỏ hoang.

Có trường hợp chuyển sang làm những nghề khác nhưng vẫn kiên quyết giữ ruộng đất, không đồng ý cho thuê. Một thực trạng khác là diện tích đất sản xuất của nhiều hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng manh mún, nhỏ lẻ. Dù muốn tích tụ, tập trung ruộng đất nhưng một bộ phận người dân chưa tích cực làm do thủ tục cho tặng hoặc gom đổi khá phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức.

Ngoài khó khăn về sự đồng thuận của người dân, hiện nay, trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Hải Lăng nói riêng, phần lớn các mô hình tích tụ ruộng đất khởi nguồn từ sự tự thỏa thuận giữa các cá nhân, tổ chức với người dân mà chưa có ràng buộc pháp lý, dễ dẫn đến rủi ro.

Vì thế, khi đang trong vụ sản xuất mà xảy ra mâu thuẫn dẫn đến việc người dân đòi lại đất, chủ mô hình sẽ gặp trở ngại. Bên cạnh đó, thời hạn cho thuê đất cũng là một rào cản đối với việc tích tụ, tập trung ruộng đất sản xuất quy mô lớn. Đối với đất của nông dân, nếu chỉ cho thuê ngắn hạn thì doanh nghiệp không dám thuê để đầu tư vì không đủ thời gian thu hồi vốn.

Trong tích tụ, tập trung ruộng đất, mỗi hình thức liên kết cũng đang gặp những khó khăn, vướng mắc riêng. Đối với hình thức thành lập nhóm hộ, tổ hợp tác cùng góp đất, thuê đất trong cùng một vùng để tổ chức liên kết sản xuất, bà con thường đối diện với khó khăn về vốn đầu tư ban đầu và các thủ tục hành chính liên quan.

Về phần mình, các thành viên có đất sản xuất trong cùng một vùng thường mất khá nhiều thời gian để thống nhất phương án liên kết sản xuất. Việc tạo sự đồng thuận của tất cả thành viên trong vùng không hề dễ. Chỉ cần một thành viên không đồng thuận, kế hoạch thực hiện của cả nhóm xem như... phá sản. Khi gặp tình huống bất ngờ, đột xuất phát sinh, các thành viên thường rơi vào thế bị động, xử lý thiếu kịp thời...

Để tháo gỡ những nút thắt trên, thiết nghĩ, các cấp, ngành, đơn vị liên quan cần chú trọng hơn nữa đến công tác tuyên truyền, vận động, giúp nâng cao nhận thức của người dân. Cùng với đó, điều quan trọng là cần có nhiều hơn nữa những chính sách phù hợp, tạo động lực, khuyến khích hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ tiên phong thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất.

Trong đó, điều cần nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân về việc giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt là giấy tờ, thủ tục liên quan đến đất đai. Để sản xuất mang tính bền vững, việc tích tụ, tập trung ruộng đất phải đi đôi với áp dụng quy trình sản xuất phù hợp, giúp tạo ra sản phẩm tập trung đủ lớn theo hướng hàng hóa, được thị trường tiêu thụ ổn định.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/vuong-mac-trong-tich-tu-tap-trung-ruong-dat-o-hai-lang-can-duoc-thao-go/180530.htm